Ban quản lý của Tập đoàn nhà nước Trực thăng Nga có kế hoạch tiến hành tái tổ chức quy mô lớn việc sản xuất máy bay lên thẳng đa năng, khi chuyển hai doanh nghiệp hàng không chủ chốt của Nga tại Kazan và Ulan-Ude sang sản xuất một mẫu trực thăng duy nhất.
Ngày nay, Nhà máy trực thăng Kazan (KVZ) và Nhà máy hàng không Ulan-Ude (UUAZ) sản xuất các dòng trực thăng Mi-8 (Mi-17/171/172) với đặc điểm kỹ thuật tương tự nhau, nhưng có sự khác biệt lớn về thiết kế.
Đáng chú ý là ngay cả những chiếc trực thăng cùng mẫu được sản xuất tại hai nhà máy trên cũng không thể thay thế hoàn toàn cho nhau về mặt phụ tùng tương ứng.
Tình hình trên đã dẫn đến sự chia rẽ nghiêm trọng và phức tạp trong hoạt động của cả quân đội lẫn dân sự. Ấn phẩm Business Online lưu ý rằng vấn đề này trở nên cấp thiết sau khi hàng không lục quân được sử dụng ngày càng nhiều trong chiến tranh Nga - Ukraine.
Người đối thoại của ấn phẩm cho biết: "Theo danh mục, một máy bay trực thăng có 40.000 phụ tùng, và nếu một nửa trong số đó không thể thay thế được, mọi thứ sẽ trở nên rất phức tạp".
"Các cơ sở vận hành cùng loại sản phẩm từ các nhà máy KVZ và UUAZ buộc phải duy trì hai quỹ sửa chữa, và đội ngũ kỹ thuật phải nắm rõ các chi tiết của từng loại máy móc bảo dưỡng khác nhau".

Tập đoàn Trực thăng Nga đã cố gắng giải quyết vấn đề sáp nhập từ đầu những năm 2000, nhưng không tiến triển do "sự phá hoại" cục bộ tại các doanh nghiệp và sự ngần ngại điều chỉnh dây chuyền sản xuất cho phù hợp với đối thủ cạnh tranh.
Do vậy, lối thoát duy nhất cho tình trạng bế tắc này là việc chuyển đổi đồng thời sang sản xuất trực thăng mới tại cả hai doanh nghiệp.
Là một nền tảng đầy triển vọng, ban quản lý của Công ty mẹ Trực thăng Nga đã xem xét chiếc Mi-171A3, nguyên mẫu đầu tiên bay vào tháng 7 năm 2022. Tuy nhiên mẫu máy bay này được phát triển cho các nhiệm vụ cụ thể, không đáp ứng được nhu cầu của tất cả khách hàng tiềm năng do tầm bay chưa đủ và chi phí quá cao.
"Theo quan điểm của phi hành đoàn, đây là một chiếc máy bay tuyệt vời, nhưng chúng tôi cần tầm bay xa, và Mi-171A3 hoàn toàn không phù hợp. Mi-8MTV chở được 22 hành khách trên quãng đường 900 km, trong khi Mi-171A3 chở cùng số lượng, nhưng chỉ đạt tầm bay 450 km", phi công của một trong những hãng hàng không cho biết.
Một nguồn tin khác nói thêm, dự án trực thăng khác đang được chuẩn bị để thay thế đó là Mi-80, dựa trên cùng một chiếc Mi-171A3, nhưng thiết kế đã trải qua một số thay đổi.
Cùng với việc đơn giản hóa hệ thống điện tử, trực thăng sẽ nhận được nhiều cải tiến khác, bao gồm cánh quạt mới, động cơ mạnh hơn... Ngoài ra trọng lượng cất cánh của nó sẽ tăng lên 14 tấn.
Mục tiêu của chương trình là giảm chi phí của nền tảng, chuẩn hóa sản xuất tại Nhà máy trực thăng Kazan và Nhà máy hàng không Ulan-Ude, để thay thế hoàn toàn Mi-8 vào năm 2030.
Tuy nhiên theo nguồn tin, dự án hiện đang ở giai đoạn thông số kỹ thuật, do chưa rõ ràng về nguồn tài chính cho dự án, do vậy việc phát triển sẽ mất ít nhất 5 năm.