Lộ trình cho xe điện

GD&TĐ - Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Trong đó, đưa ra những yêu cầu cụ thể đối với UBND TP Hà Nội về việc tập trung chỉ đạo, triển khai ngay một số giải pháp trọng tâm với lộ trình cụ thể.

Theo đó, bắt đầu từ ngày 1/7/2026, các loại xe mô tô, xe gắn máy có sử dụng nhiên liệu hóa thạch không được lưu thông trên đường Vành đai 1 của Hà Nội. Từ ngày 1/1/2028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.

Vậy là, trong 5 năm tới, các loại xe mô tô, xe gắn máy và một số xe ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ không được chạy trên đường từ Vành đai 1 đến Vành đai 3!

Xu hướng của thế giới đã và đang “xanh hóa” phương tiện giao thông. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Tuy nhiên, trước khi xe điện hóa các phương tiện giao thông, đặc biệt là hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM cũng cần phải có lộ trình kèm các giải pháp khả thi chứ không thể áp dụng một cách máy móc được.

Đặc thù của Việt Nam mà cả thế giới cũng phải e ngại là câu chuyện xe máy. Nhiều du khách nước ngoài không dám qua đường khi nhìn những chiếc xe máy lao vun vút, bất chấp đang có người qua lại.

Đa số xe máy hiện nay đều dùng xăng làm nhiên liệu. Việc chỉ còn chưa đến một năm nữa, xe máy sử dụng xăng sẽ không được lưu thông trên đường thuộc Vành đai 1 của Hà Nội là điều vô cùng khó khăn, nếu không có những giải pháp khả thi thì các chỉ thị chỉ dừng lại trên lý thuyết.

Theo thống kê sơ bộ, Hà Nội có khoảng 450.000 xe máy chạy bằng xăng/dầu thuộc Vành đai 1. Để thực hiện tốt Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ, TP Hà Nội đang nghiên cứu cơ chế hỗ trợ, thu đổi toàn bộ 450.000 xe máy nói trên. Chính sách hỗ trợ sẽ được xây dựng dựa trên kết quả rà soát kỹ lưỡng theo từng nhóm người sử dụng và từng loại xe, sẽ hỗ trợ gần như toàn bộ các chi phí liên quan đến chuyển đổi như lệ phí trước bạ, phí đăng ký xe điện mới.

Nếu có chính sách thu đổi và hỗ trợ như thế thì việc chuyển đổi sang xe điện sẽ gặp thuận lợi. Tuy nhiên, còn một vấn đề liên quan đến an toàn khi sạc điện thì ai cũng quan tâm. Các thành phố lớn hiện nay có rất nhiều chung cư “bình dân”. Nhà để xe cũng là nơi sạc điện của các chủ xe máy. Nếu đồng loạt “ai cũng sạc điện” để sáng đi làm thì không một tòa nhà nào chịu nổi. Đó là chưa kể gần đây, các vụ cháy gây ra thảm cảnh liên quan đến chuyện sạc điện này.

Một vấn đề nữa, nếu cả nước dùng xe điện thì phải nâng công suất của các nhà máy điện, trong đó có nhà máy nhiệt điện. Lúc ấy, ta tránh ô nhiễm từ xe máy ở thành phố thì lại gặp ô nhiễm từ các nhà máy nhiệt điện ở vùng nông thôn!

Những giả định nêu ra trên đây không phải để cản đường việc “xanh hóa” các phương tiện giao thông mà chỉ ra những khó khăn sẽ phải đối mặt. Hy vọng Chính phủ cũng như các nhà quản lý sẽ có những giải pháp khả thi để thực hiện việc “xanh hóa” này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phụ huynh và học sinh tìm hiểu các ngành học tại HUTECH.

Điểm chuẩn nhiều ngành dự kiến giảm

GD&TĐ - Phổ điểm năm nay sẽ tác động nhiều đến các trường sử dụng phương thức chính là xét điểm thi tốt nghiệp THPT, nhiều ngành sẽ giảm điểm chuẩn.

Thí sinh Gia Lai trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.

Chạm tới ước mơ từ những điểm 10

GD&TĐ - Những điểm 10 không chỉ là con số, mà còn là minh chứng cho nỗ lực, đam mê và ước mơ của những học trò vượt khó với khát vọng vươn lên.