Phẫu thuật thành công ca tái tạo dây chằng gối phức tạp sau hơn 10 năm chịu đựng

GD&TĐ - Thành công của ca phẫu thuật nội soi khớp gối đánh dấu bước tiến đưa y học thể thao tiêu chuẩn quốc tế đến gần hơn với người dân miền Tây.

Ca phẫu thuật nội soi khớp gối.
Ca phẫu thuật nội soi khớp gối.

Ngày 17/7, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Vinmec Cần Thơ, bệnh viện vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối trái cho một bệnh nhân nam sau hơn 10 năm chịu đựng chấn thương.

Bệnh nhân là anh N.M.T (36 tuổi, TP Cần Thơ) bị chấn thương khi chơi bóng đá 10 năm trước nhưng chưa điều trị dứt điểm. Khoảng 2 tháng gần đây, khớp gối của bệnh nhân bắt đầu đau nhiều, nhất là khi vận động mạnh.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau kéo dài, lỏng khớp, vận động khó khăn. Sau khi thăm khám tại bệnh viện, bác sĩ xác định khớp gối đã đứt hoàn toàn dây chằng chéo trước, rách sụn chêm trong và ngoài, tổn thương sụn khớp và thoái hóa khớp độ I.

Điều đáng chú ý là bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền, như: tăng huyết áp, gan nhiễm mỡ, men gan cao, làm tăng nguy cơ gặp biến chứng khi phẫu thuật.

Bệnh nhân đã được chỉ định phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo trước, kết hợp cắt lọc sụn chêm trong và ngoài.

Ca phẫu thuật được thực hiện trực tiếp bởi GS.TS.BS Trần Trung Dũng - Giám đốc Chuyên ngành Chấn thương chỉnh hình - Y học thể thao, Hệ thống Y tế Vinmec.

Kéo dài hơn 1 giờ, ca phẫu thuật được thực hiện hoàn toàn bằng kỹ thuật nội soi ít xâm lấn, giúp bảo tồn tối đa mô lành và giảm thiểu đau đớn.

khop-goi-1-2273.jpg
GS.TS.BS Trần Trung Dũng trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật.

Chỉ sau 48 giờ, bệnh nhân đã đủ điều kiện xuất viện, vết mổ khô, khớp có thể vận động từ 0 - 30 độ và mức đau rất thấp, không ghi nhận biến chứng.

Chia sẻ về ca mổ, GS.TS.BS Trần Trung Dũng cho hay: “Việc sử dụng phương pháp cắt lọc sụn chêm và thiết kế chính xác đường hầm xương, mảnh ghép dây chằng với độ sai số gần như bằng 0, giúp tái tạo dây chằng đạt đúng chức năng sinh lý ban đầu. Điều này đặc biệt quan trọng với người trẻ, vận động viên và bệnh nhân có khớp tổn thương lâu năm”.

Cũng theo chuyên gia y tế, sụn chêm đóng vai trò như một “tấm giảm xóc” tự nhiên. Việc cắt bỏ sụn chêm có thể làm tăng gấp 2 - 3 lần áp lực lên khớp gối, từ đó đẩy nhanh quá trình thoái hóa. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu không được bảo tồn, khớp gối có thể bắt đầu thoái hóa chỉ sau 10 - 15 năm.

Theo Bệnh Đa khoa Vinmec Cần Thơ, thành công của ca phẫu thuật nội soi khớp gối này không chỉ là một bước tiến về mặt kỹ thuật mà còn thể hiện cam kết lâu dài của Vinmec trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân miền Tây, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sự cứng rắn kiên định

GD&TĐ - Ngày 15/7, ông Trump tiếp tục thể hiện thái độ cứng rắn với người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong những ngày gần đây...