Châu Âu đồng loạt từ chối trả tiền mua vũ khí Mỹ cho chiến sự

GD&TĐ - Hàng loạt nước châu Âu như Pháp, Ý, Cộng hòa Séc không tán đồng sáng kiến của Mỹ dùng tiền của các nước NATO châu Âu mua vũ khí cho Ukraine.

Châu Âu đồng loạt từ chối trả tiền mua vũ khí Mỹ cho chiến sự

Theo tờ Politico đưa tin, Pháp sẽ không tham gia sáng kiến cho phép các nước NATO mua vũ khí do Mỹ sản xuất để cung cấp cho Ukraine, cùng với đó là một số quốc gia châu Âu khác.

Tờ báo lưu ý rằng, lý do được chính quyền Paris đưa ra là mong muốn xây dựng cơ sở công nghiệp quốc phòng riêng tại châu Âu. Ngoài ra, Pháp cũng đang chật vật tìm kiếm nguồn tài chính để tăng chi tiêu quốc phòng, đồng thời nỗ lực giảm thâm hụt ngân sách và nợ công.

Lưu ý rằng Pháp là một trong những nước có mức thâm hụt ngân sách cao nhất Liên minh châu Âu, con số này là 5,8% GDP vào cuối năm 2024, vượt đáng kể giới hạn 3% của EU.

Theo chính tiết lộ của Thủ tướng Pháp Francois Bayrou, nợ công của nước này đang tăng 5.000 euro mỗi giây, nên việc Paris không có tiền để mua vũ khí của Mỹ cung cấp cho Ukraine cũng là điều dễ hiểu.

Ngoài Pháp, một quốc gia NATO khác ở châu Âu là Cộng hòa Séc cũng từ chối tham gia mua vũ khí cho Ukraine.

Theo Thủ tướng Petr Fiala giải thích, Cộng hòa Séc đang tập trung vào các dự án và phương thức khác để hỗ trợ Ukraine, ví dụ như thông qua sáng kiến cung cấp đạn dược nên nước này chưa cân nhắc tham gia dự án của Mỹ.

Tiếp theo ý kiến của Paris và Prague, tín hiệu phát ra từ thành Roma cũng cho thấy Italia cũng từ chối tham gia dự án tương ứng, vì lí do đơn giản là “thiếu tiền”.

Tờ La Stampa dẫn lời lãnh đạo chính phủ Italia cho biết, nguyên nhân không chỉ vì các hệ thống vũ khí đã được chuyển giao cho Kiev dựa trên các cấu hình công nghệ khác (SAMP/T là sản phẩm của Ý-Pháp), mà trên hết là do Ý hầu như không có ngân sách để dành cho một chiến dịch kiểu này.

Theo đó, thêm cả Hungary và Slovakia vào danh sách không ủng hộ kế hoạch này, rõ ràng chỉ có Đức, Anh, các nước Bắc Âu và vùng Baltic hiện đang sẵn sàng tài trợ cho nhu cầu quân sự của chính quyền Kiev, tuy nhiên, họ chỉ có thể đóng góp mang tính biểu tượng cho dự án Mỹ-NATO.

Được biết rằng, theo kế hoạch của Tổng thống Hoa Kỳ mới công bố hồi đầu tuần, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc sẽ nối lại viện trợ quân sự cho chính quyền Kiev nhưng việc chuyển giao vũ khí Mỹ tiếp theo cho Ukraine nên được chi trả bởi các nước châu Âu là thành viên NATO.

Điển hình của kế hoạch này là Mỹ sẽ bán cho Đức năm hệ thống tên lửa phòng không Patriot với khoảng hai chục bệ phóng để Berlin cung cấp cho Kiev.

Một số chuyên gia tin rằng, Washington có thể cung cấp cho Kiev tối đa tám khẩu đội trong vòng một hoặc hai năm.

Chúng sẽ có thể bao phủ các cơ sở ở hậu phương và ở một mức độ nào đó, cản trở hoạt động của không quân tác chiến-chiến thuật Nga. Tuy nhiên, việc cung cấp rải rác trong thời gian dài và số lượng lớn bị Nga phá hủy sẽ khiến khả năng bảo vệ của chúng sẽ bị hạn chế trong phạm vi hẹp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ