Tiếp sức cho phụ nữ dân tộc thiểu số thoát nghèo

GD&TĐ - Trao sinh kế không chỉ là hỗ trợ vật chất, mà còn tiếp thêm động lực để phụ nữ dân tộc thiểu số vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo.

Trao sinh kế không chỉ là hỗ trợ vật chất, mà còn tiếp thêm động lực để phụ nữ dân tộc thiểu số vượt qua khó khăn.
Trao sinh kế không chỉ là hỗ trợ vật chất, mà còn tiếp thêm động lực để phụ nữ dân tộc thiểu số vượt qua khó khăn.

Một con bò giống, một đàn gà đẻ hay một khoản hỗ trợ nhỏ để khởi đầu chăn nuôi tưởng chừng đơn giản, nhưng với nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) nghèo, đó là niềm hy vọng lớn lao để họ làm lại cuộc đời, nuôi con, xây tổ ấm và từng bước thoát nghèo bền vững.

Với tinh thần đồng hành cùng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, năm 2025, Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (Công ty Núi Pháo) tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ sinh kế vi mô cho đồng bào DTTS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Hành trình gieo mầm hy vọng

Trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ sinh kế vi mô năm 2025, Công ty Núi Pháo đã trao tặng các con giống, vật tư nông nghiệp cho nhiều hộ gia đình người DTTS tại các xã vùng sâu, vùng xa tại xã Phú Lạc tỉnh Thái Nguyên.

Đây đều là những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các phụ nữ đơn thân, hộ có người khuyết tật, hoặc không có việc làm ổn định.

Trong cái nắng oi ả tháng 7, chúng tôi tìm đến gia đình chị Nịnh Thị Thương, người dân tộc Sán Chay, ở xóm Quéo, xã Phú Lạc. Chị Thương thuộc diện hộ nghèo nhiều năm nay, chồng đi làm xa không phụ giúp được nhiều, một mình chị chăm sóc hai con trai bị dị tật bẩm sinh và chậm phát triển trí tuệ. Cuộc sống của ba mẹ con chủ yếu dựa vào khoản trợ cấp xã hội ít ỏi.

Khi được nhận một con bò giống sinh sản từ chương trình hỗ trợ, chị Thương không giấu nổi niềm xúc động. Bò được giao về chuồng mới dựng, chị vừa cho bò ăn cỏ vừa tâm sự:

"Con bò này là cơ hội để tôi có thể cải thiện cuộc sống. Tôi không mong gì hơn là có sức khoẻ để có thể lao động, tăng thu nhập lo chi phí sinh hoạt và thuốc thang khi đau ốm và được đến trường như những đứa trẻ khác."

gia-dinh-chi-ninh-thi-thuong-phan-khoi-khi-duoc-nhan-bo-giong.jpg
Gia đình chị Nịnh Thị Thương phấn khởi khi được nhận bò giống.

Từng bước cải thiện cuộc sống

Tương tự hoàn cảnh của chị Thương, bà Trần Thị Cầu, sinh năm 1966, người dân tộc Sán Chay, hiện sống tại xóm Khuôn 2, xã Phú Lạc, là mẹ đơn thân nuôi hai con nhỏ (sinh năm 2006 và 2012), đều mắc chứng chậm phát triển trí tuệ. Không có đất sản xuất, không nghề nghiệp ổn định, bà Cầu phải làm thuê theo mùa vụ với thu nhập bấp bênh. Mọi chi tiêu trong nhà đều phải căn ke từng đồng.

Khi được trao tặng một con bò sinh sản, bà Cầu đã không giấu nổi niềm vui. bà kể, gia đình đã dọn lại chiếc chuồng cũ của bố mẹ để tận dụng chăn nuôi.

"Bò như của để dành. Tôi sẽ chăm tốt, chờ bò đẻ bê con. Sau này có thể bán bê, trang trải cuộc sống, thậm chí đầu tư tiếp chăn nuôi để nuôi thêm con học hành." – bà Cầu chia sẻ với ánh mắt ánh lên niềm hy vọng.

Không chỉ trao con bò, chương trình còn hỗ trợ mô hình chăn nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể của từng hộ dân. Điển hình như trường hợp của chị Trần Thị Tuyến, người dân tộc Dao, sống tại xóm 2, xã Phú Lạc, một mình nuôi hai con nhỏ đang đi học. Cả gia đình sống trong căn nhà kho cũ được làng xóm giúp sửa chữa lại để ở tạm.

Thu nhập chính của chị Tuyến là hái chè thuê, nhưng công việc bấp bênh, phụ thuộc vào thời tiết và mùa vụ. Khi biết đến chương trình hỗ trợ, chị đã đăng ký mô hình nuôi gà đẻ trứng và được hỗ trợ 5 triệu đồng để mua con giống và làm chuồng trại.

"Từ ngày có gà, bữa ăn có trứng, có thịt gà. Có đợt bán gà trứng cũng được vài trăm ngàn, tôi để dành lo sách vở đầu năm học cho con." – chị Tuyến nói.

Các hộ nghèo, cận nghèo sau khi nhận hỗ trợ con giống biết tận dụng lợi thế sẵn có như đất vườn, lao động trong gia đình sẽ từng bước mở rộng quy mô chăn nuôi, tạo thành chuỗi sản xuất nhỏ lẻ, góp phần tăng thu nhập.

Trong hành trình thoát nghèo đầy gian nan của người dân vùng cao, mỗi sự hỗ trợ đúng lúc, đúng đối tượng sẽ trở thành chiếc “phao cứu sinh”, tiếp sức để họ vượt qua nghịch cảnh, từng bước ổn định cuộc sống.

Việc hỗ trợ con giống chăn nuôi cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại Thái Nguyên không chỉ góp phần hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo bền vững, mà còn lan tỏa tinh thần nhân ái, sẻ chia đúng như triết lý “cho cần câu hơn cho con cá”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sự cứng rắn kiên định

GD&TĐ - Ngày 15/7, ông Trump tiếp tục thể hiện thái độ cứng rắn với người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong những ngày gần đây...