Tuy nhiên, để đạt mục tiêu 8% trong năm nay, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung, điều quan trọng là phải nhận diện được các điểm nghẽn, để từ đó có khung giải pháp tổng thể, trong đó “chìa khóa của mọi chìa khóa” chính là cải cách thể chế.
Thời gian qua, việc cải cách thể chế luôn được xem là nhiệm vụ trọng tâm, mang tính sống còn đối với sự phát triển của đất nước. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2025, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 170 nghị định, 231 nghị quyết, 1.505 quyết định và 21 chỉ thị trong các lĩnh vực.
Riêng trong tháng 6, Chính phủ đã ban hành 28 nghị định về phân cấp phân quyền, ban hành 27 chỉ thị, công điện để chỉ đạo các công việc liên quan đến tổ chức bộ máy chính quyền 2 cấp, hỗ trợ người dân doanh nghiệp.
Một “lát cắt” nữa thể hiện quyết tâm, sự đồng hành với Chính phủ là chỉ riêng tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thông qua 34 luật, chiếm tới 52,3% tổng số luật được ban hành tại 17 kỳ họp của nhiệm kỳ khóa XV.
Quốc hội cũng đã thông qua 14 nghị quyết quy phạm pháp luật và cho ý kiến 6 dự án luật. Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 cùng nhiều luật, nghị quyết tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp.
Bên cạnh đó, “bộ tứ trụ cột”: Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Nghị quyết 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật và Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân được ban hành và đang thực thi đã tạo không gian phát triển kinh tế - xã hội lớn hơn.
Dù đã có những bước cải thiện đáng kể, tuy nhiên thực tế vẫn còn không ít điểm nghẽn về thể chế đã nhiều lần được chỉ ra như hệ thống pháp luật, các chính sách chồng chéo, thiếu đồng bộ, không nhất quán, đôi khi mâu thuẫn, gây ra khó khăn trong việc thực thi và áp dụng. Điều này ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, làm tăng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, gây phiền hà cho người dân.
Điểm nghẽn tiếp theo là thủ tục hành chính rườm rà, không minh bạch, thiếu tính hiệu quả làm lãng phí thời gian, nguồn lực của xã hội, dẫn đến tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu và tham nhũng trong bộ máy hành chính.
Vấn đề nữa là hạn chế trong phân cấp, phân quyền. Việc không rõ ràng về trách nhiệm, quyền hạn giữa chính quyền Trung ương và địa phương dẫn đến công tác quản lý không hiệu quả; chồng chéo trong chỉ đạo, triển khai các chính sách.
Và cuối cùng là chất lượng đội ngũ cán bộ, năng lực thực thi. Năng lực yếu kém của một bộ phận cán bộ, công chức khiến việc thực hiện chính sách không đạt hiệu quả như mong muốn. Tinh thần trách nhiệm chưa cao, cùng với thiếu kỹ năng chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp đã cản trở tiến trình cải cách.
Hệ quả của các điểm nghẽn thể chế không chỉ gây kém hiệu quả trong quản lý và phát triển kinh tế - xã hội mà còn làm giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp. Bởi vậy, cần thiết phải có sự cải cách toàn diện nhằm đảm bảo hệ thống pháp luật đồng bộ, thủ tục hành chính tinh giản, phân cấp rõ ràng và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã từng nhấn mạnh rằng, “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn” là thể chế và khẳng định: Tất cả do mình! Nên cải cách thể chế không thể chỉ là khẩu hiệu mà cần phải đặt ở vị thế trung tâm, với yêu cầu cấp bách và nội hàm cụ thể hơn bao giờ hết đó là kiến tạo môi trường kinh doanh thực sự bình đẳng, minh bạch và có khả năng giải phóng mọi nguồn lực xã hội.
Quan trọng nữa, như ý kiến của Trưởng ban Chính sách, chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang đó là niềm tin vào cải cách, đặc biệt là cải cách thể chế với tư duy đổi mới mang tính cách mạng chính là nền tảng để bứt phá.