Trốn chui trốn nhủi vì không đăng ký tạm trú
Đăng ký tạm trú là một trong những chế định quan trọng của luật Cư trú. Tuy nhiên, thực tế nhiều sinh viên (SV) bỏ lơ điều này. Vì không đăng ký tạm trú, không ít SV gặp rắc rối, phiền toái.
“Mình trọ ở đây 2 năm rồi nhưng chưa đăng ký tạm trú”, Hoàng Khoa, SV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật (đang trọ ở đường Lê Văn Chí, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, TP.HCM), cho biết. Chính vì thế, “đêm đến là chẳng thể thảnh thơi, cứ nơm nớp lo sợ công an khu vực, dân phòng kiểm tra”, Khoa nói thêm.
Còn Trường An, SV Trường ĐH Nông Lâm (trọ ở đường Kha Vạn Cân, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức), thì thú thật: “Những khi nghe có dân phòng đi kiểm tra, là mình phải trốn chui trốn nhủi ở gầm giường, nép sát người nín thở trong góc khuất”.
Mặc dù vậy họ vẫn “làm biếng đi đăng ký”, xem việc này không quan trọng. Nhiều SV thừa nhận đã sống ở TP.HCM suốt vài năm vẫn không hề có địa chỉ tạm trú.
Bảo Ngọc, cựu SV Trường ĐH Mở TP.HCM, khóc ròng mấy ngày qua vì hồ sơ xin việc yêu cầu có giấy tạm trú của nơi sinh sống. Nhưng từ lâu vốn chẳng đoái hoài đến nghĩa vụ này nên Ngọc không biết phải đăng ký ở đâu. “Công an chỉ xác nhận từ thời điểm đăng ký. Nên mình chẳng biết phải làm thế nào nữa”, Ngọc than thở.
Chưa kể có trường hợp SV đã phải nộp phạt vì vi phạm luật Cư trú. “Trốn hoài rồi cũng có ngày bị phát hiện. Mới đây mình bị phạt 200.000 đồng”, Quang Hào, SV Trường ĐH Công nghệ TP.HCM kể. Theo Hào, việc đầu tiên mà các tân SV sắp vào TP nhập học cần làm là đăng ký tạm trú tạm vắng, tránh những phiền toái về sau.
Bẫy lừa nhà trọ
Viết Lâm, SV Trường ĐH Công nghiệp, kể: Thấy tờ rao cho thuê phòng trọ có giá cả hợp lý, đáp ứng những điều mong muốn như: giờ giấc tự do, giữ xe miễn phí, được nấu ăn, bao điện nước… liền vội tìm đến đặt cọc vì sợ hết phòng. “Nhưng khi vừa ký xong thì chủ nhà mới bảo tiền điện 97.000 đồng/thiết bị điện.
Mình tá hỏa vì sử dụng máy tính xách tay, quạt, bếp điện, bàn ủi… tính ra tiền điện hơn cả tiền phòng nên đòi lại tiền đặt cọc. Tuy nhiên họ không chịu đưa. Vậy là mình mất ngay 400.000 đồng”, Lâm nói.
Được biết, nhà trọ này (địa chỉ ở ngã tư Phan Văn Trị – Nguyễn Thái Sơn, P.5, Q.Gò Vấp) đã lừa rất nhiều SV thuê phòng để ăn chặn tiền đặt cọc, hiện nằm trong “danh sách đen” của Công an P.5, Q.Gò Vấp. Tuy nhiên đến giờ vẫn còn tồn tại.
Đáng chú ý hơn, “bẫy lừa” tiền điện 97.000 đồng (thực chất là áp dụng trên một thiết bị điện – PV) được áp dụng khá nhiều tại khu vực Q.Gò Vấp. “Mình đi thuê phòng ở 5 nơi. Từ Phan Văn Trị, Lê Đức Thọ, Thống Nhất, Phan Huy Ích, Quang Trung, đều gặp chiêu này. Từng bị lừa một lần nên rút kinh nghiệm.
Nhưng với những người mới, nhất là tân SV lần đầu vào TP, sẽ dễ sập bẫy lừa này”, Phan Vũ, SV Trường ĐH Công nghiệp nói.
Cẩn thận với người ở ghép
Tân SV cần cảnh giác đối với những người ở cùng phòng. “Mình ở một mình, muốn giảm bớt tiền phòng nên kiếm người ở ghép. Ngờ đâu chỉ sau 2 ngày, mình đi làm thêm về thấy phòng bị mất đồ, người ở cùng cũng biến mất.
Chẳng biết tìm ở đâu nữa vì quên giữ lại chứng minh nhân dân rồi”, Quốc Bảo, SV Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng rầu rĩ kể.
Tháng 3.2014, Mạnh Đức, SV Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định (ở trọ đường Nguyễn Thị Thập, P.Tân Quy, Q.7) phát hiện phòng trọ mất trộm trong tình trạng cửa vẫn còn khóa.
Đến đầu tháng 7 tiếp tục xảy ra vụ trộm tương tự tại đây. “Nghe hàng xóm bảo người từng ở cùng phòng mình có lảng vảng trong khu trọ ngày xảy ra mất trộm.
Mình tìm hỏi thì người đó khai thật là đã giữ lại chìa khóa lúc còn ở chung, nên sau một thời gian chỉ việc mở cửa vào phòng lấy tài sản rồi khóa lại và ra về”, Đức kể và rút ra bài học kinh nghiệm: “Cần thay ổ khóa mới khi có thành viên trong phòng chuyển chỗ ở”.
Mới đây, nhiều SV trọ ở địa chỉ 148/51 Lê Đức Thọ, P.6, Q.Gò Vấp, đã hoảng hốt khi lợi dụng đêm khuya, Lê Phạm Đăng Kh., cùng ở trọ tại nhà này, đã đột nhập nhiều phòng “dọn sạch” đồ đạc như bàn ghế, tủ, quạt, ti vi… và bỏ trốn.