Nhiều hoạt động thực tế buộc phải gia hạn hoặc tạm hoãn, trong đó có Học kỳ doanh nghiệp (HKDN). Đáng chú ý, doanh nghiệp còn tạm dừng nhận sinh viên trong học kỳ này vì những khó khăn về tài chính.
HKDN là mô hình đào tạo có xu hướng mở rộng trong các trường ĐH, CĐ những năm gần đây. Ở Trường ĐH Công nghệ TPHCM, mô hình HKDN được áp dụng cho hầu hết ngành đào tạo tại trường, dựa trên thế mạnh hợp tác chặt chẽ giữa trường với doanh nghiệp.
Trong thời gian từ 2,5 - 4 tháng tùy theo đơn vị đối tác, sinh viên được đại diện doanh nghiệp trực tiếp đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn và tham gia làm việc cùng nhân viên chính thức. Đồng thời, chương trình cũng linh hoạt miễn trừ, chuyển điểm các học phần phù hợp; giúp sinh viên tích lũy kinh nghiệm ngay trong thời gian học tập.
Trường ĐH Yersin Đà Lạt nhiều năm qua triển khai hiệu quả mô hình HKDN vào các học kỳ 3, 6, 7. Sau 3 năm học tại trường, sinh viên sẽ có khoảng thời gian tương đương 1 năm kinh nghiệm thực tập, làm việc tại doanh nghiệp.
Gần đây, từ học kỳ cuối năm 2020, Trường ĐH Kinh tế TPHCM chính thức triển khai chương trình HKDN. Đây là một trong những hình thức của học phần “Thực tập và tốt nghiệp”, được bố trí vào học kỳ cuối của chương trình đào tạo với khối lượng 10 tín chỉ. Sinh viên có gần 3 tháng tham gia làm việc thực tế tại các doanh nghiệp phù hợp với ngành/chuyên ngành được đào tạo.
HKDN mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả sinh viên, doanh nghiệp và nhà trường; giúp sinh viên sớm nắm bắt quy trình làm việc, hoàn thiện kỹ năng, tăng cơ hội tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp.
Các nhà tuyển dụng qua HKDN cũng lựa chọn những sinh viên phù hợp làm việc toàn thời gian, kiến tạo nguồn nhân lực tương lai tốt nhất. Đối với nhà trường, HKDN giúp việc xây dựng chương trình đào tạo gắn kết hơn với nhu cầu của đơn vị tuyển dụng; nâng cao tính thực tiễn và chất lượng của chương trình đào tạo.
Hiệu quả của HKDN đã thúc đẩy các trường ĐH, CĐ nỗ lực trong việc tìm kiếm doanh nghiệp để hợp tác. Thế nhưng, dù các trường rất cố gắng thì việc nhân rộng mô hình cũng không phải chuyện dễ dàng, vì mấu chốt vẫn nằm ở phía doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, đa số doanh nghiệp hợp tác HKDN với nhà trường là những đơn vị có quy mô lớn, tập trung ở mảng sản xuất, dịch vụ, kỹ thuật công nghệ. Vì thế, khối ngành mà sinh viên được tham gia HKDN nhiều nhất vẫn là nhóm này. Trong khi đó sinh viên khối ngành xã hội và ngành đặc thù khác, doanh nghiệp không có nhiều nhu cầu, nên cũng khó có cửa tham gia.
Đó là chưa kể, nhiều doanh nghiệp không dồi dào đội ngũ hướng dẫn lẫn tài chính hỗ trợ sinh viên để bảo đảm chất lượng học tập thực tế. Ở các trường đưa HKDN vào chương trình chính thức, việc bảo đảm quy chuẩn, chất lượng của học kỳ này rất cao. Ví dụ, Trường ĐH Kinh tế TPHCM yêu cầu nhân sự hướng dẫn tại doanh nghiệp phải đạt trình độ từ cử nhân trở lên và tối thiểu có 3 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực chuyên môn.
Hiện nay, tham gia hợp tác mô hình HKDN, các doanh nghiệp chưa được hưởng lợi gì về mặt chính sách, mà chủ yếu vẫn ở trách nhiệm xã hội, sự nhiệt tâm với giáo dục hay có quan hệ tốt với lãnh đạo nhà trường. Cho nên “sức khỏe” HKDN phụ thuộc khá lớn vào… doanh nghiệp. Mỗi khi sức khỏe doanh nghiệp không tốt, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, con đường phát triển mô hình HKDN ở các trường, lại thêm vất vả…
Để thúc đẩy mô hình HKDN phát triển thì vai trò nòng cốt thuộc về các trường và doanh nghiệp. Thế nhưng cũng không thể bỏ qua vai trò của Nhà nước với tư cách “bà đỡ”, tạo ra “luật chơi” để nuôi dưỡng và phát triển sự hợp tác lâu dài.
Một “cơ chế đặc thù” phổ biến cho các ngành đào tạo có tính đặc thù cao, chính sách hỗ trợ quốc gia về mặt tài chính, hoặc thông qua cơ chế trợ cấp, miễn giảm thuế… là cần thiết để nâng cao vai trò của doanh nghiệp đối với việc đào tạo sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.