Môi trường "thử lửa" cho sinh viên
Trước yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực, hầu hết các trường ĐH - CĐ đều xây dựng chương trình học kỳ DN cho sinh viên theo từng giai đoạn, lộ trình đào tạo hàng năm. Có trường "thả" sinh viên vào môi trường DN ngay từ năm nhất, năm hai, có trường áp dụng cho sinh viên năm cuối.
Đơn cử Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF), ngoài các môn học thực tế tại DN từ năm nhất đến năm ba, trường còn có chương trình dành cho sinh viên năm cuối là "Internship Orientation" được thiết kế riêng, gồm các hoạt động tham quan, học thực tế tại doanh nghiệp diễn ra dày đặc.
Trường ĐH Kinh tế TPHCM cũng có chương trình học kỳ DN dành riêng cho sinh viên năm cuối. Chương trình này được xem là bắt buộc với sinh viên trong học phần "thực tập và tốt nghiệp" với khối lượng 10 tín chỉ. Để bảo đảm chất lượng đối với sinh viên tham gia học kỳ DN, Trường ĐH Kinh tế TPHCM quy định chi tiết về phương thức và tỉ trọng đánh giá cũng như tiêu chuẩn của giảng viên hướng dẫn của nhà trường và DN, nhằm bảo đảm chất lượng.
Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM (ICH) cho biết: Học kỳ DN giúp sinh viên kiểm tra lại khối kiến thức đã được học. Quan trọng hơn khi được học trong môi trường DN, trải nghiệm thực tế đời sống lao động hàng ngày, các em sẽ định hình được phong cách và văn hóa lao động trong DN, tích lũy cho mình những kinh nghiệm thực tế từ chính những giảng viên là người thợ giỏi để phát triển nghề nghiệp.
"Để học kỳ DN thành công, sinh viên phải được trang bị những nền tảng, kỹ năng cơ bản ngay từ năm nhất. Vì vậy, 8 năm qua, Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM xây dựng các chương trình đào tạo theo hướng 70% thực hành, 30% lý thuyết, với sự tham gia tư vấn, xây dựng chương trình từ chính những người thợ lành nghề tại DN. Không chỉ mời CEO, những người thợ giỏi từ DN về trường đứng lớp, nhà trường còn xây dựng nhiều kênh kết nối, tương tác với DN để tạo sân chơi "thử lửa" tay nghề cho sinh viên ngay từ năm nhất. Vì vậy, khi hoàn thành khóa học tại DN, sinh viên trưởng thành và tự tin hơn rất nhiều" - Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý chia sẻ.
Bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food cho hay: Những sinh viên trải qua các khóa học tại DN tự tin và vững vàng hơn trong chuyên môn rất nhiều. Nhiều sinh viên năm cuối sau khi hoàn thành học kỳ DN đã được đơn vị tuyển dụng luôn vì quá xuất sắc. Vì vậy, để tìm kiếm, phát triển nguồn nhân lực, nhân tài cho công ty, từ năm 2016, học kỳ DN được đơn vị triển khai rộng rãi thông qua sự kết hợp với các trường.
"Sinh viên theo học các chuyên ngành chế biến thực phẩm, thủy hải sản, quản trị kinh doanh, marketing, cung ứng, xuất nhập khẩu, kho vận, hành chính nhân sự, thống kê... tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học đều có thể đăng ký tham gia khóa học thực tiễn này. Thời gian học tập khoảng 8 tuần, sinh viên được công ty hỗ trợ mọi chi phí và còn được hưởng phụ cấp theo kết quả làm việc trong suốt quá trình học tập" - bà Lâm chia sẻ.
Học kỳ DN nên là học phần bắt buộc?
Tính hiệu quả của học kỳ DN với sinh viên là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, để lan tỏa và triển khai mô hình học kỳ DN tại tất cả các trường, khối ngành nghề lại đang có ít nhiều vướng mắc.
Ông Hồ Đức Sinh - Giám đốc Trung tâm Hợp tác DN, Trường ĐH Công nghệ TP HCM (HUTECH) nhìn nhận: Việc triển khai học kỳ DN với sinh viên các khối ngành kinh tế, kỹ thuật, dịch vụ tương đối dễ dàng. Tuy vậy, với sinh viên khối ngành xã hội và ngành đặc thù khác như ngôn ngữ, dịch thuật, lại vướng mắc vì nhu cầu từ phía DN không nhiều. "Khó khăn lớn nhất đến từ phía DN. Bởi với những ngành học đặc thù, nhu cầu vị trí công việc đó tại các đơn vị, DN không nhiều nên mình không thể tổ chức và bố trí sinh viên qua đó học" - ông Sinh cho biết.
Theo thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý - Hiệu trưởng ICH, thành công của học kỳ DN phần nhiều đến từ phía DN. Vì khi DN họ thật sự đổ tâm, bỏ trí vào hoạt động đào tạo cùng nhà trường, sinh viên sẽ được trang bị nhiều kỹ năng nghề nghiệp một cách thuần thục nhất.
"Thực tế, với khối ngành đặc thù, ngành thuộc nhóm khoa học xã hội việc xây dựng môi trường thực hành, thực tập cho sinh viên không khó. Tuy nhiên, để sinh viên dù học ngành nào có cơ hội được đem kiến thức áp dụng vào thực tế lại rất khó, bởi phụ thuộc vào nhu cầu vị trí, bối cảnh, quy mô DN… Vì vậy, việc giữ mối liên kết với các cựu sinh viên, DN hay tập đoàn lớn là điều buộc các trường phải làm, nhằm tạo ra môi trường thực hành, thực tập đa dạng cho sinh viên. Việc ICH thành lập CLB doanh nhân đồng hành tại các khoa và nhà trường là để thực hiện mục tiêu trên" - thạc sĩ Lý nói.
Trong khi đó, thạc sĩ Trần Nam - Trưởng phòng Tuyển sinh - Truyền thông (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM) chia sẻ: Học kỳ DN tại trường được triển khai tương đối thuận lợi với nhóm ngành du lịch, ngôn ngữ Anh, quan hệ quốc tế khi sinh viên tham gia thực tập, phiên dịch tại DN, công ty truyền thông và tại các tòa soạn báo. Những ngành có tính đặc thù như sử học, triết học không khuyến khích triển khai vì theo hướng nghiên cứu. Có ngành như lưu trữ học cứ nghĩ khó triển khai học kỳ DN nhưng thực tế sinh viên đi các đơn vị, DN thực tập tại vị trí quản lý văn phòng, văn thư khá tốt.
Khó khăn của nhóm ngành khối xã hội khi triển khai học kỳ DN là có, chủ yếu đến từ việc nhu cầu tiếp nhận của DN theo từng thời điểm (quy mô DN, nhu cầu vị trí công việc), tuy nhiên, đó chỉ là vấn đề nhỏ. Hiện nay, vài ngành chưa triển khai ngoài tính đặc thù còn do thiếu quy định cụ thể. Do đó, để học kỳ DN có chất lượng, cần đưa học phần học kỳ DN thành nhiệm vụ bắt buộc trong chương trình đào tạo của các ngành để tạo sự đồng bộ, thống nhất. - Thạc sĩ Trần Nam