Trước đây, nhiều nhà khoa học đưa ra giả thuyết vũ trụ của chúng ta không phải không gian duy nhất sinh ra từ vụ nổ Big Bang mà có thể chỉ là mảnh nhỏ của một vật thể không ngừng lớn lên. Rất có thể nhiều vũ trụ khác nhau đã được tạo ra sau vụ nổ. Tuy nhiên, chúng ta chưa đủ khả năng tìm hiểu sâu hơn về chúng.
Gần đây, để tìm kiếm những dấu vết, các nhà khoa học so sánh bản đồ bức xạ tàn dư vũ trụ - xây dựng thông qua ánh sáng còn lại từ vũ trụ thuở sơ khai, với ảnh toàn bộ bầu trời do kính viễn vọng Planck của Cơ quan Vũ trụ châu Âu chụp.
Khi đối chiếu và loại trừ, họ phát hiện có một khoảng ánh sáng còn sót lại trên bầu trời, có thể là tàn dư do va chạm với các vũ trụ khác. Kết quả nghiên cứu được công bố trên New Science hôm 28/10.
Theo The Independence, kính viễn vọng Planck, nguồn cung cấp thông tin cho nghiên cứu, là một trong những vệ tinh bay vào quỹ đạo năm 2009 để tìm hiểu vi sóng vũ trụ trải khắp không gian (CMB).
Ngay trước vụ nổ Big Bang, mọi vật chất tồn tại đều bị hút vào một quả cầu năng lượng rất nhỏ. Quả cầu này nổ tung sau đó, tạo ra vũ trụ mà chúng ta đang sống cũng như nhiều vũ trụ tiềm ẩn khác.
Tất cả hơi nóng bên trong quả cầu năng lượng nguội dần ở ba mức độ. Ba mức năng lượng này tạo thành phông vi sóng, đối tượng nghiên cứu của kính viễn vọng Planck cùng với hai vệ tinh khác mang tên Cosmic Background Explorer và Wilkinson Microwave Anisotropy Probe.
Nghiên cứu này có thể trở thành nền tảng để Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đệ trình yêu cầu cấp ngân sách cho vệ tinh Pixie (Primordial Inflation Explorer) với mục đích tìm hiểu chi tiết hơn về các tín hiệu, tái dựng lại cách vũ trụ mở rộng và xác định những mục tiêu tìm kiếm trước khi tiếp cận vũ trụ khác.