Đối với những công việc không có hợp đồng thì chính sách hỗ trợ ra sao, xác định như thế nào là những băn khoăn của rất nhiều lao động tự do.
Mong chờ gói hỗ trợ
Nhóm lao động trong ngành dịch vụ, du lịch là những người đầu tiên chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Cho đến nay, đã có hàng chục nghìn lao động mất việc làm và chưa thể tìm được công việc mới. Đặc biệt trong ngành dịch vụ, đang có không ít những người không có hợp đồng lao động và lao động tự do. Nghỉ việc không có thu nhập, trong khi vẫn phải trang trải các chi phí ăn, ở, sinh hoạt hàng ngày.
Anh Trần Ngọc Bình, một nhân viên nhà hàng trên đường Đặng Văn Ngữ, Hà Nội cho biết: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tôi đã phải nghỉ việc từ tháng 2, cho đến nay vẫn chưa biết có thể đi làm trở lại vào thời điểm nào. Bởi nhà hàng cũng mới thông báo, hiện nay họ không còn khả năng để có thể thuê cửa hàng và duy trì hoạt động… Được biết Nhà nước đang xúc tiến triển khai gói hỗ trợ lao động mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, anh Bình rất mong muốn sớm được nhận hỗ trợ để có thể trang trải chi phí sinh hoạt tối thiểu hiện nay.
Còn chị Nguyễn Thu Huệ, ở phố Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội, nguồn thu nhập chính của chị là từ quán nước chè, tuy nhiên trong những ngày này, thực hiện cách ly xã hội, quán nước phải nghỉ bán, nguồn thu nhập cũng mất đi mà chưa có cách nào bù đắp.
Tương tự như hoàn cảnh của anh Bình và chị Huệ, hàng nghìn công nhân trong ngành dệt may đang phải nghỉ việc do ảnh hưởng dịch bệnh, cũng đang hết sức mong chờ khoản hỗ trợ này có thể sớm đến với họ… Điều băn khoăn chung của mọi người là làm thế nào để có thể nhận được hỗ trợ và bao giờ được nhận hỗ trợ.
Bảo đảm minh bạch, đúng đối tượng
Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết: Khi Chính phủ ban hành Nghị quyết hỗ trợ, việc triển khai tổ chức thực hiện cần có sự vào cuộc của các Bộ, ngành, các cấp chính quyền. Đặc biệt phát huy vai trò chính quyền địa phương và cơ sở trong việc xác định đối tượng bị ảnh hưởng, thu nhập bị giảm sâu hoặc không có thu nhập để bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng
Quá trình thực hiện, người dân, các tổ chức xã hội, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần tăng cường giám sát nhằm hạn chế tình trạng tiêu cực, các hành vi trục lợi, hỗ trợ kịp thời tới người dân. Những đối tượng cơ bản đã có danh sách như người có công, hộ nghèo, lao động có hợp đồng bị mất việc làm. Đối với lao động tự do và hộ kinh doanh cá thể, Bộ LĐ-TB&XH sẽ họp với Bộ, ngành liên quan đưa ra những tiêu chí cơ bản để áp dụng tại các địa phương. Ngay sau khi Chính phủ ban hành nghị quyết, dự kiến gói hỗ trợ sẽ được triển khai ngay từ tháng 4/2020.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, mục tiêu bao quát nhất của Nghị quyết là hỗ trợ những người lao động, người dân bị ảnh hưởng giảm sâu về thu nhập. Gói hỗ trợ được huy động chủ yếu từ ngân sách. Cụ thể, đối với những địa phương có nguồn thu ngân sách chuyển về Trung ương trên 50% thì sẽ phải tự cân đối. Các tỉnh Tây Nguyên và miền núi thì ngân sách Trung ương hỗ trợ 70%, địa phương 30%. Dự kiến ngân sách trên 61.000 tỷ, sẽ hỗ trợ cho khoảng trên 20 triệu người thuộc đối tượng điều chỉnh của nghị quyết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là một trong bốn ưu tiên hiện nay của Chính phủ. Do đó, cần sớm ban hành nghị quyết để hỗ trợ kịp thời những người bị giảm sâu thu nhập do mất việc làm... Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người yếu thế trong xã hội. Nhà nước với các nguồn lực khác nhau, phải tìm mọi cách để hỗ trợ các đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn, bảo đảm mức sống tối thiểu.