Trong vài năm trở lại đây, phong trào chạy bộ đã bùng nổ khắp Việt Nam, biến những cung đường thành phố thành sàn diễn của ý chí và nỗ lực. Nhiều người chạy để rèn luyện sức bền, để giảm căng thẳng, để kết nối bạn bè và để chinh phục những giới hạn của bản thân.
Khi đường chạy trở thành lằn ranh sinh tử
Gục ngã khi đang chạy, hai bệnh nhân được chuyển đến khoa Cấp cứu – Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM)
Trường hợp đầu tiên là chị T.A, một nữ nhân viên văn phòng 34 tuổi. Giống như bao người khác, chị tham gia giải chạy với tâm thế vui là chính, để thử thách bản thân và hòa mình vào không khí cộng đồng. Khi những bước chân của chị vừa chạm mốc 4km, một quãng đường không quá dài đối với nhiều người.
Tuy nhiên, mắt chị A. tối sầm lại và trước khi kịp nhận ra điều gì, chị đã ngã quỵ, tay chân chị bắt đầu co giật không kiểm soát. Ngay lập tức, đội ngũ y tế tại hiện trường sơ cứu và chuyển chị đến bệnh viện.
Tại đây, sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ chẩn đoán chị bị rối loạn điện giải nghiêm trọng sau vận động quá sức. Đây là tình trạng xảy ra khi cơ thể mất đi một lượng lớn các khoáng chất thiết yếu (như Natri, Kali, Canxi...) qua mồ hôi mà không được bù đắp kịp thời.

Sự thiếu hụt này gây ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng của hệ thần kinh và cơ bắp, dẫn đến các triệu chứng như co giật, yếu cơ, và trong trường hợp nặng có thể gây rối loạn nhịp tim. Chị A. được hỗ trợ oxy, bù dịch và điện giải kịp thời, dần tỉnh táo, các chỉ số sinh tồn ổn định và không để lại di chứng.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân P.S.J (33 tuổi), là một chuyên gia người Hàn Quốc đang làm việc tại TPHCM. Anh gục ngã chỉ sau khi chạy được khoảng 3km. Anh J. nhập viện trong tình trạng tụt huyết áp, suy hô hấp. Kíp trực kích hoạt báo động đỏ.
Các bác sĩ và điều dưỡng phối hợp nhịp nhàng, khẩn trương hỗ trợ hô hấp bằng oxy liệu pháp, thiết lập đường truyền tĩnh mạch để nâng huyết áp, đồng thời tiến hành hàng loạt xét nghiệm cấp cứu như công thức máu, sinh hóa, điện tâm đồ (ECG). Kết quả xét nghiệm máu cho thấy chỉ số men tim (cardiac troponin) tăng cao bất thường. Đây là dấu hiệu rõ ràng của một tổn thương cơ tim.
Các bác sĩ cho biết, anh J. bị suy hô hấp và tổn thương cơ tim cấp do vận động cường độ cao. Nếu không được cấp cứu kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim ác tính và tử vong. Nhờ sự can thiệp kịp thời, anh J. qua cơn nguy kịch, dần ổn định và được chuyển vào khoa Nội tim mạch để tiếp tục theo dõi, điều trị.
Tấm khiên bảo vệ bạn trên mọi cung đường
ThS. BS.CKI Nguyễn Kim Long - khoa Cấp cứu – Bệnh viện Nhân dân 115, người trực tiếp tham gia cấp cứu cho 2 bệnh nhân, cho biết, những sự cố như trên không phải là hiếm và nguyên nhân sâu xa thường đến từ một lầm tưởng phổ biến: “Thấy trong người khỏe là đủ”.
Theo BS Long, rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ, cho rằng chỉ cần cảm thấy khỏe mạnh là có thể tham gia các hoạt động thể chất cường độ cao. Nhưng thực tế, nhiều bệnh lý nguy hiểm như rối loạn nhịp tim, bệnh cơ tim phì đại, cao huyết áp, hay các bất thường về điện giải... thường diễn tiến âm thầm không có triệu chứng. Chúng chỉ bộc phát và trở nên nguy hiểm khi cơ thể bị đặt vào một tình trạng căng thẳng cực độ, chẳng hạn như một cuộc thi chạy.
“Để biến đường chạy thành một hành trình an toàn và tận hưởng trọn vẹn lợi ích của thể thao, các chuyên gia y tế khuyến cáo cộng đồng cần trang bị một "tấm khiên" bảo vệ vững chắc, được xây dựng từ hai yếu tố cốt lõi: tầm soát sức khỏe và chuẩn bị kỹ lưỡng”, BS Long nói.

BS Long khuyến cáo, trước khi tham gia vận động cường độ cao, mỗi người cần tầm soát sức khỏe, kiểm tra huyết áp và điện tâm đồ, làm các xét nghiệm máu cơ bản, tầm soát tiền sử bệnh lý. Đồng thời, cần chuẩn bị như một vận động viên thực thụ.
Cụ thể, mọi người cần ăn uống đầy đủ, ngủ đủ giấc. Bổ sung nước và điện giải hợp lý, tránh uống rượu bia hay sử dụng những chất kích thích. Tập thói quen khởi động đúng cách, sử dụng giày phù hợp. Không tham gia nếu cơ thể đang bệnh, cảm thấy mệt mỏi hoặc đang sử dụng thuốc lợi tiểu.
“Thể thao là bạn đồng hành của sức khoẻ nhưng chỉ khi bạn hiểu và lắng nghe cơ thể mình. Hãy biến mỗi bước chạy thành một hành động yêu thương và chăm sóc bản thân. Hãy chạy bằng cả trái tim, nhưng đừng đánh cược trái tim mình trên đường đua”, BS Long nhấn mạnh.