Cấp xã “gánh việc” giúp cấp sở
Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của sở GD&ĐT thuộc UBND cấp tỉnh; lĩnh vực giáo dục và đào tạo của phòng chuyên môn thuộc UBND cấp xã trên Cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến góp ý của nhân dân.
Bà Tạ Thị Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Xuân (Nội Bài, Hà Nội) cho rằng, dù các trường trong một xã không nhiều nhưng việc quản lý người đứng đầu và cấp phó, khen thưởng, kỷ luật do Chủ tịch UBND cấp xã quyết định đảm bảo khách quan, sát thực tế, phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu các nhà trường. Đa số các thầy cô và gia đình sinh sống gần nơi công tác nên nắm rõ đặc điểm địa phương.
“Bộ phận tham mưu chuyên môn thuộc phòng văn hóa - xã hội cấp xã tham mưu cho Chủ tịch UBND xã quyết định công nhận bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian công tác đến tuổi nghỉ hưu, miễn nhiệm, thôi chức vụ, biệt phái… đối với người đứng đầu và cấp phó các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý cùng một số nhiệm vụ khác. Như vậy, Chủ tịch UBND xã sẽ làm nhiệm vụ của Chủ tịch UBND cấp huyện trước đây là điều hợp lý”, bà Bình nhấn mạnh.
Bày tỏ đồng tình với dự thảo lần này của Bộ GD&ĐT, bà Trần Thị Liên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bắc Lệnh (Cam Đường, Lào Cai) cho hay, việc Bộ GD&ĐT bổ sung hai nhiệm vụ mới mà trước đây theo quy định tại Nghị định142 của Chính phủ không được giao cho Chủ tịch UBND cấp xã là phù hợp với tình hình hiện tại khi áp dụng mô hình chính quyền địa phương hai cấp, bỏ cấp huyện.
Chủ tịch UBND cấp xã đang là những người sát sao hàng ngày, chỉ đạo nội dung liên quan đến các hoạt động giáo dục tại địa phương, việc thành lập hội đồng trường, công nhận bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch hội đồng trường hoặc thay thế các thành viên cũng là điều hợp lý; trước đây nội dung này do UBND cấp huyện ban hành, nhưng nay không còn cấp huyện thì có thể đưa về cấp xã sẽ đảm bảo sự thông suốt trong chỉ đạo.
Cơ bản đồng tình với chủ trương trong dự thảo vì cấp xã sẽ “gánh việc” giúp cấp sở GD&ĐT, tuy nhiên bà Phạm Thị Dung - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Púng Luông (Púng Luông, Lào Cai) cho rằng, nếu bộ phận tham mưu của các xã không có chuyên môn về công tác giáo dục sẽ phần nào ảnh hưởng tới chất lượng tham mưu về lĩnh vực giáo dục được Nhà nước phân quyền tới cấp xã.
Nhiều ý kiến từ các nhà giáo, nhà quản lý giáo dục cũng khẳng định Dự thảo được xây dựng đã cụ thể hóa các quy định tại Nghị định số 142/2025/NĐ-CP quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương hai cấp trong lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ GD&ĐT và Nghị định số 143/2025/NĐ-CP quy định về phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ GD&ĐT. Mặt khác, so với văn bản hiện hành, dự thảo lần này có nhiều nội dung điều chỉnh đáng chú ý.

Tăng cường hiệu lực quản lý
Dưới góc nhìn cơ sở, bà Nguyễn Thị Mai Vân - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hà Trì (Hà Đông, Hà Nội) khẳng định, trong hệ thống chính quyền địa phương, cấp xã/phường gần dân nhất và trực tiếp nắm bắt điều kiện thực tế, đặc điểm cụ thể từng cơ sở giáo dục trên địa bàn, đặc biệt đối với cấp mầm non và tiểu học.
Việc phân cấp, trao quyền rõ ràng cho Chủ tịch UBND cấp xã không chỉ nâng cao tính chủ động, linh hoạt trong quản lý mà còn góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi các chính sách giáo dục tại địa phương. Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, vai trò của UBND cấp xã trong quản lý giáo dục đôi khi còn mờ nhạt, chủ yếu mang tính hình thức do chưa được giao đủ thẩm quyền cần thiết.
Các nội dung quan trọng như công tác nhân sự, tổ chức bộ máy hay khen thưởng - kỷ luật vẫn phụ thuộc nhiều vào cấp huyện dẫn đến quy trình xử lý kéo dài, ảnh hưởng đến tính kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành. Do đó, việc bổ sung nhiệm vụ mới cho Chủ tịch UBND cấp xã là bước đi cụ thể hóa tinh thần “phân quyền, phân cấp gắn với cá thể hóa trách nhiệm”, một định hướng lớn trong cải cách nền hành chính mà Đảng và Nhà nước đang nỗ lực triển khai.
Theo bà Vân, để thực hiện hiệu quả các nội dung phân cấp như dự thảo cần thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ, rõ ràng giữa UBND cấp xã và nhà trường. Trước hết, UBND xã nên phân công một cán bộ chuyên trách, có thể là Phó Chủ tịch phụ trách văn hóa - xã hội hoặc công chức văn hóa - giáo dục trực tiếp tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra, thẩm định và tham mưu cho Chủ tịch ban hành các quyết định đúng thẩm quyền, quy định của pháp luật.
Các nhà trường cần chủ động phối hợp, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu, minh chứng, biên bản họp hội đồng trường… khi đề xuất các nội dung liên quan đến tổ chức, nhân sự, đồng thời đảm bảo tính khách quan trong mọi khâu thực hiện. Bên cạnh đó, hai bên cần xây dựng quy chế phối hợp với những quy định rõ ràng về trách nhiệm, thời gian xử lý, quy trình và mẫu biểu hành chính thống nhất.
Bà Mai Vân đề xuất, cần tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hành chính và hiểu biết về chuyên môn giáo dục cho cán bộ được phân công, nhằm đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ mới không bị lúng túng, thiếu chính xác, nhất là những nội dung yêu cầu trình độ chuyên môn sâu như công nhận hiệu trưởng, kéo dài thời gian công tác hay xử lý kỷ luật cán bộ.
Từ thực tế địa phương, ông Nguyễn Hải Sơn - Hiệu trưởng Trường THCS Hải Xuân (Hải Xuân, Ninh Bình) chia sẻ, việc giao thêm quyền hạn và trách nhiệm cho sở GD&ĐT cũng như Chủ tịch UBND cấp xã trong bối cảnh thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, bỏ cấp huyện phù hợp và đảm bảo tính thông suốt trong chỉ đạo, điều hành của bộ máy hành chính mới nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân.
Ông Sơn đề xuất, sở GD&ĐT cấp tỉnh nên phối hợp chặt chẽ với cấp xã và căn cứ vào thực tế địa phương để điều động, bổ nhiệm viên chức giáo dục ở các trường từ mầm non đến THCS. Sở GD&ĐT nên tập chung vào công tác quản lý chuyên môn và nâng cao chất lượng giáo dục, còn khâu tổ chức, tài chính sẽ cùng UBND cấp xã tham mưu với UBND cấp tỉnh để tỉnh ra quyết định cuối cùng.
“Điều quan trọng nhất là mọi quyết định liên quan đến tổ chức và nhân sự trong nhà trường cần được thực hiện minh bạch, công khai, đúng quy định để không chỉ bảo vệ quyền lợi và uy tín nghề nghiệp của cán bộ, giáo viên mà còn góp phần nâng cao niềm tin của đội ngũ và xã hội vào chất lượng quản lý giáo dục ở địa phương”, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hà Trì (Hà Đông, Hà Nội) Nguyễn Thị Mai Vân bày tỏ.