An tâm với lương mới

GD&TĐ - Còn khoảng 3 tháng nữa chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII được hiện thực hóa.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Theo đó, từ 1/7/2024, lương giáo viên sẽ xếp theo vị trí việc làm, phân định rõ năng lực, trách nhiệm. Những nhà giáo đảm nhận, kiêm nhiệm chức vụ, công việc khó, phức tạp sẽ được ưu đãi xứng đáng.

Chung niềm vui theo chính sách mới nhưng một số giáo viên có thời gian dài công tác lại ít nhiều bày tỏ tiếc nuối khi phụ cấp thâm niên sẽ không còn nữa. Theo chia sẻ của những nhà giáo lớn tuổi, phụ cấp thâm niên bao năm qua không chỉ là một khoản tiền đơn thuần mà còn là sự ghi nhận cho những năm tháng gắn bó, nỗ lực cùng ngành, thể hiện sự trân trọng dành cho thầy cô đã giảng dạy lâu năm. Có thầy cô còn tâm tư lo tiền lương giảm khi không còn phụ cấp thâm niên.

Cần thấy rõ rằng, việc bãi bỏ phụ cấp thâm niên là đổi mới quan trọng trong chính sách tiền lương mới, thể hiện sự khoa học và công bằng, nhất là trong bối cảnh đổi mới giáo dục và thị trường lao động đang chuyển động mạnh mẽ theo hướng trả thu nhập theo năng lực thực tế. Bãi bỏ phụ cấp thâm niên theo chính sách tiền lương mới cũng không làm giảm lương, sự tri ân dành cho những nhà giáo nhiều năm gắn bó và có nhiều cống hiến với ngành.

Thực tế hàng chục năm qua, lương, phụ cấp của giáo viên không được trả theo năng lực mà theo năm công tác. Có thành tích cao thì sau 5 năm được tăng lương trước hạn 1 lần (từ 6 - 12 tháng, tùy theo thành tích). Nếu không có thành tích đặc biệt, không bị kỷ luật thì 3 năm tăng một bậc lương với hệ số 0,33 và từ năm thứ 6 trở đi, mỗi năm được thêm 1% phụ cấp thâm niên.

Cách trả lương trong thời gian qua đã tạo ra sự bất bình đẳng về thu nhập và mức độ cống hiến trong đội ngũ nhà giáo. Bên cạnh không ít thầy cô có tuổi nhưng tâm huyết, bắt kịp với thời đại công nghệ để nâng cao chuyên môn, thực tế vẫn còn một số thầy cô nặng tư tưởng sống lâu lên lão làng, không chịu đổi mới, làm việc thiếu hiệu quả, mà vẫn hưởng lương cao.

Trong khi đó, giáo viên mới vào nghề (thâm niên dưới 9 năm), cũng dạy cùng số tiết với giáo viên lớn tuổi nhưng mức lương thấp hơn nhiều. Xóa bỏ phụ cấp thâm niên là giải pháp góp phần hạn chế bất cập này, động viên đội ngũ trẻ, khắc phục tình trạng giáo viên bỏ việc vì thu nhập chưa tương xứng với công sức bỏ ra.

Bên cạnh đó, thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27/NQ-TW, dù bãi bỏ phụ cấp thâm niên nhưng giáo viên vẫn có khoản phụ cấp mới theo nghề. Với quỹ phụ cấp chiếm 30% so với tổng quỹ lương, nên sẽ không giảm thu nhập. Khoản 3 mục III Nghị quyết số 27-NQ/TW đã khẳng định: “Thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới theo nguyên tắc bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng”.

Hơn thế, nghị quyết còn đề ra đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của giáo viên cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp. Đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của giáo viên phải bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.

Đặc biệt, theo Nghị quyết 27-NQ/TW, bảng lương mới sẽ thiết kế cơ cấu tiền lương giáo viên có thêm phần tiền thưởng. Việc bổ sung thêm tiền thưởng (chiếm khoảng 10% quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp) là một điểm mới so với trước đây.

Như vậy, khi chuyển từ lương cũ sang lương mới theo Nghị quyết 27/NQ-TW, giáo viên cả nước, kể cả giáo viên lâu năm hoàn toàn có thể an tâm vì lương sau cải cách sẽ tăng, chứ không giảm. Đời sống nhà giáo theo đó được cải thiện, thầy cô kỳ vọng sẽ “sống được với nghề”.

Vấn đề là tới đây các cơ quan có thẩm quyền sẽ tính toán xây dựng cơ chế thưởng tăng thêm theo Nghị quyết 27/NQ-TW như thế nào để động viên, tri ân tốt nhất các nhà giáo có nhiều nỗ lực, thành tích cống hiến cho ngành, đặc biệt là nhà giáo thâm niên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ