UBTVQH cho rằng, vấn đề chính sách tiền lương phải tương xứng với đặc thù nghề, với vị trí, vai trò của nhà giáo là quan điểm luôn được thể hiện nhất quán trong các nghị quyết của Đảng, chủ trương của Nhà nước.
Hiện nay, Chính phủ đang triển khai xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương, tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật quy định mang tính nguyên tắc về việc nhà giáo được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề phù hợp với sự nghiệp trồng người (Điều 76).
Việc xác định vị thế, vai trò của nhà giáo, về đặc thù ngành giáo dục và quy định cụ thể về chính sách lương, phụ cấp bảo đảm tương xứng với đặc thù nghề nghiệp sẽ được Chính phủ nghiên cứu, cụ thể hóa trong quá trình xây dựng đề án tiền lương mới trên nguyên tắc quy định bởi Luật này.
Về việc quy định rõ yêu cầu, tiêu chuẩn và chính sách đối với cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, giáo viên đặc thù và các vị trí việc làm khác trong cơ sở giáo dục, UBTVQH cho rằng đây là ý kiến xác đáng.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật đã điều chỉnh quy định về hiệu trưởng, theo đó hiệu trưởng được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý trường học và đạt chuẩn hiệu trưởng (Điều 56).
Đối với các vị trí việc làm khác trong các cơ sở giáo dục (thủ thư, nhân viên thiết bị thí nghiệm, hỗ trợ giáo dục người khuyết tật…) hiện được quy định trong các văn bản dưới luật và thực hiện theo quy định của luật chuyên ngành. Vì vậy, UBTVQH đề nghị không quy định nội dung này trong Dự thảo Luật.
Một số đại biểu đề nghị quy định chặt chẽ về tuyển sinh, đào tạo sư phạm để bảo đảm chất lượng và số lượng theo yêu cầu; nghiên cứu mở rộng đối tượng được hưởng chính sách tín dụng sư phạm cho người không học sư phạm nhưng được tuyển dụng vào ngành giáo dục và làm rõ thời gian công tác trong ngành để được hưởng tín dụng; có ý kiến cho rằng chính sách vay tín dụng sư phạm chưa bảo đảm tính khả thi khi triển khai trong thực tiễn.
UBTVQH cho rằng, hiện nay Chính phủ đang tổ chức quy hoạch và sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm, xây dựng mạng lưới các trường sư phạm trọng điểm; chuẩn hóa chương trình đào tạo sư phạm. Vấn đề quy hoạch trường sư phạm, xây dựng chỉ tiêu đào tạo theo nhu cầu sẽ được quy định trong văn bản dưới luật.
Về chính sách vay tín dụng sư phạm, UBTVQH cho rằng chính sách này nhằm thu hút các học sinh khá, giỏi vào học sư phạm, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục.
Tuy nhiên việc vay tín dụng phải thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội và thực hiện theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, nguồn cho vay phải cân đối từ nguồn vốn đầu tư là khó khả thi trong bối cảnh hiện nay nguồn vốn này còn khó khăn.
Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật được điều chỉnh theo hướng chuyển chính sách tín dụng sư phạm sang hình thức hỗ trợ cho học sinh, sinh viên sư phạm tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt với điều kiện nếu học sinh, sinh viên sư phạm không công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian quy định thì phải hoàn trả toàn bộ kính phí hỗ trợ cho nhà nước (Điều 83).
Về mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ trên cho người không học sư phạm nhưng được tuyển dụng vào ngành giáo dục, UBTVQH cho rằng, chính sách này chỉ áp dụng đối với người học trong thời gian đào tạo tại các trường, khoa sư phạm để thu hút người giỏi vào nghề sư phạm, không mở rộng đến các đối tượng khác.
Có ý kiến đề nghị thực hiện chính sách phân công công tác cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp trên cơ sở đặt hàng của các địa phương; băn khoăn về việc giao cho nhà trường thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo; đề nghị không tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp đại học ngành khác và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm vào giảng dạy tại các cơ sở GDPT.
UBTVQH cho rằng, hiện nay việc tuyển dụng nhà giáo được thực hiện theo quy định của Luật Viên chức và các luật khác có liên quan trên nguyên tắc công khai, minh bạch, công bằng, bảo đảm tính cạnh tranh cho người học trong tuyển dụng vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Dự thảo Luật đã điều chỉnh theo hướng giao nhà trường tham gia vào quá trình tuyển dụng (Điều 60).
Về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo, tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật bổ sung quy định đối với những môn học chưa đủ giáo viên được đào tạo trình độ đại học sư phạm, thì cơ sở giáo dục được phép sử dụng người có bằng tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm vào giảng dạy các cấp học phổ thông theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Đồng thời bổ sung quy định trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo GDNN thực hiện theo quy định của Luật GDNN và thẩm quyền quy định việc sử dụng đối với nhà giáo chưa đạt trình độ chuẩn (Điều 72).