Cần sớm có chính sách đãi ngộ, chế độ tiền lương tương xứng với giáo viên

GD&TĐ - ĐBQH cho rằng, cần sớm có chính sách đãi ngộ, chế độ tiền lương tương xứng với giáo viên, nhất là ở vùng khó.

Đại biểu Hà Ánh Phượng - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ phát biểu thảo luận tại hội trường sáng 1/11.
Đại biểu Hà Ánh Phượng - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ phát biểu thảo luận tại hội trường sáng 1/11.

Chất và lượng giáo viên ngày càng tăng

Đại biểu Hà Ánh Phượng (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ) ghi nhận khi phát biểu thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024...

Góp ý về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nữ đại biểu cho biết, Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 tiếp tục phát triển hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu của Nghị quyết 88 của Quốc hội đã đề ra. Công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo đại biểu đoàn Phú Thọ, công tác tuyển dụng giáo viên mầm non, phổ thông cho các tỉnh, thành phố trong năm học vừa qua đã từng bước khắc phục được tình trạng thừa, thiếu giáo viên, nhất là các vùng khó khăn. Năng lực đội ngũ giảng viên ở các cơ sở giáo dục đại học không ngừng được nâng cao cả về số lượng, chất lượng…

Tuy nhiên, đại biểu Hà Ánh Phượng bày tỏ băn khoăn làm thế nào để đạt kỳ vọng từ năm 2024 - 2030 Việt Nam đạt khoảng 50.000 đến 100.000 nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Đại biểu cho rằng, việc này rất khó thực hiện và băn khoăn Bộ GD&ĐT sẽ làm như thế nào để hiện thực hóa được điều này.

Đề cập về vấn đề lương của giáo viên và nhân viên trường học hiện nay, đại biểu nhận thấy, hiện chế độ tiền lương, mức thu nhập của nhà giáo vẫn thấp, thậm chí có nhóm nhà giáo không đủ trang trải cuộc sống của gia đình. Nhiều người đã phải nghỉ chuyển việc hoặc là làm thêm, dẫn đến tình trạng chưa tròn vai và chưa tâm huyết với nghề. Hiện, phụ cấp của họ rất thấp, thậm chí có những vị trí không được hưởng phụ cấp gì.

Vì vậy, đại biểu đoàn Phú Thọ đề nghị Quốc hội, Chính phủ trong cải cách tiền lương lần này cần quy định lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc theo vùng, đúng theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.

Nữ đại biểu cũng đề nghị phải có giải pháp tăng lương và phụ cấp cho nhân viên trường học để họ yên tâm công tác, cống hiến với nghề, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong giai đoạn hiện nay.

Sớm có chế độ tiền lương tương xứng

Đại biểu Dương Văn Phước (đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Nam).

Đại biểu Dương Văn Phước (đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Nam).

Trước đó, phát biểu thảo luận tại hội trường chiều 31/10, đại biểu Dương Văn Phước (đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Nam) viện dẫn, thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, kết thúc năm học là 2022-2023 cả nước còn thiếu 118.000 giáo viên, làn sóng giáo viên nghỉ việc chưa dừng lại, khi gần 9.300 giáo viên nghỉ việc trong năm học vừa qua.

Qua giám sát Nghị quyết 88 của Quốc hội cho thấy, hiện tình trạng tinh giản biên chế cơ học cào bằng 10% với ngành đặc thù như ngành giáo dục là chưa khoa học, trong khi quy định của ngành giáo dục rất rõ về tỷ lệ giáo viên đứng lớp.

Đại biểu Dương Văn Phước cho hay, khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn tình trạng thiếu giáo viên còn nghiêm trọng hơn, nhiều giáo viên xin chuyển công tác về xuôi, trong khi việc tuyển mới là rất khó khăn, có nhiều người không tham gia dự tuyển, thậm chí có người khi trúng tuyển tại các khu vực này cũng bỏ việc, không nhận công tác ở những khu vực khó khăn như vậy.

Từ thực tiễn nêu trên, đại biểu đoàn Quảng Nam đề nghị Chính phủ sớm có chính sách ưu tiên đãi ngộ, có chế độ tiền lương tương xứng đối với giáo viên; trước mắt là giáo viên ở miền núi, hải đảo, khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn để đội ngũ giáo viên này yên tâm công tác, đảm bảo chất lượng dạy và học.

Có chủ trương xét tuyển giáo viên ở các cấp học thay cho thi tuyển để kịp thời bổ sung, giải quyết tình trạng khó khăn thiếu giáo viên hiện nay ở khu vực miền núi. Việc đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm phải đáp ứng với yêu cầu dạy và học, tránh tình trạng làm mất cân bằng giữa các ngành học, giữa các vùng, theo tinh thần ở đâu có trường, có lớp ở đó phải có học sinh, phải có giáo viên đứng lớp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT

Đến với bài thơ hay: Ngọt ngào tình mẹ

GD&TĐ - Tôi thực sự ấn tượng với bài thơ “Trong lời mẹ hát” của Trương Nam Hương, như một bản nhạc du dương, êm dịu về tình mẫu tử thiêng liêng.

Ảnh minh họa.

Đến với bài thơ hay: Yêu con

GD&TĐ - Bài thơ mở ra với cụm từ 'yêu con' giản dị nhưng sâu sắc, tựa trời cao, biển rộng, như tình yêu không bờ bến.