Ăn miếng trả miếng

GD&TĐ - Nga nhiều lần đưa ra cảnh báo về các hành động tịch thu và sử dụng tài sản, cho rằng về cơ bản đó chính là hành vi trộm cắp.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Ngày 27/4, giới chức Nga tuyên bố sẽ đáp trả việc Chính phủ Ba Lan tịch thu tiền trong các tài khoản của Đại sứ quán Nga, tiếp diễn các động thái “ăn miếng trả miếng” giữa Moscow và phương Tây.

Đại sứ Nga tại Ba Lan Sergey Andreyev xác nhận tất cả tiền trong tài khoản của cơ quan này cũng như văn phòng đại diện thương mại của Nga tại thủ đô Warsaw đều đã bị Văn phòng công tố Ba Lan tịch thu. Ngân hàng Santander sau đó cũng thông báo ngừng hợp tác với Đại sứ quán Nga tại Balan và đóng băng các tài khoản do cơ quan này sở hữu.

Nhà ngoại giao Nga ngày 26/4 lên tiếng tố cáo Ba Lan đã vi phạm nghiêm trọng Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao năm 1961, khi đơn phương thu giữ một lượng lớn tiền bằng đồng USD và Zlote của Ba Lan.

Còn người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov lập tức tuyên bố Nga sẽ đáp trả tương xứng với động thái này của Ba Lan, cảnh báo Warsaw hãy chờ đợi hành động trả đũa của Moscow.

Còn phía Ba Lan trước đó thông báo đóng băng tài khoản của Đại sứ quán Nga với lý do nghi ngờ cơ quan này có thể liên quan đến hoạt động “rửa tiền hoặc khủng bố”.

Việc này khiến Đại sứ quán Nga tại Ba Lan gặp khó khăn trong hoạt động của mình. Ngoài ra Ba Lan còn tịch thu một ngôi nhà ở Warsaw với cáo buộc thuộc “sở hữu bất hợp pháp” của Đại sứ quán Nga, đồng thời tìm cách tịch thu một trường học do cơ quan ngoại giao Nga vận hành.

Động thái tịch thu tài sản Đại sứ quán Nga của giới chức Ba Lan diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh kiểm soát tài sản của 2 công ty năng lượng Đức và Phần Lan.

Cụ thể, Cơ quan Quản lý Tài sản Nhà nước Liên bang Nga (Rosimushchestvo) được cấp quyền tiếp quản tạm thời 83,73% cổ phần của Unipro (thuộc sở hữu của Công ty năng lượng Uniper SE có trụ sở tại Đức) và hơn 98% cổ phần của Fortum Russia BV (thuộc Công ty năng lượng Fortum của Phần Lan).

Moscow giải thích quyết định này được thực hiện khẩn cấp để đáp trả các hành động mà họ gọi là “bất hợp pháp” của Mỹ và các quốc gia đồng minh trong việc tịch thu tài sản của Nga và các công ty cũng như công dân Nga để trừng phạt vì cuộc chiến tại Ukraine.

Đây chỉ là những diễn biến mới nhất trong vô số các quyết định tịch thu tài sản kiểu ăn miếng trả miếng, được các bên tung ra trong suốt hơn một năm qua, kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022.

Hiện, phương Tây đã áp dụng hơn 11.300 biện pháp trừng phạt và đóng băng khoảng 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Nga, cũng như tài sản của các thực thể và tỷ phú Nga.

Hồi tháng 10/2022, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel từng cảnh báo rằng, EU đang xem xét sử dụng các tài sản bị đóng băng của Nga để làm nguồn hỗ trợ tái thiết Ukraine.

Nhưng đến nay phương Tây vẫn chưa thực hiện bất kỳ hành động nào do lo ngại điều này sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm trong hệ thống pháp luật toàn cầu.

Nga cũng đã nhiều lần đưa ra cảnh báo về các hành động tịch thu và sử dụng tài sản, cho rằng về cơ bản đó chính là hành vi trộm cắp. Những diễn biến chưa có hồi kết này cho thấy một cuộc chiến khác cũng đang diễn ra tương tự như trên chiến trường, nơi các cuộc giao tranh đang ngày càng khốc liệt hơn.

Điều đó càng làm rõ nét hơn sức ảnh hưởng toàn diện của cuộc xung đột Nga - Ukraine đối với hai bên cũng như đối với nền kinh tế của cả thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.