Nỗ lực để người học không bị tái mù trở lại

GD&TĐ - Nhiều năm qua, Phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo nỗ lực để phổ cập xoá mù chữ, hạn chế tối đa các trường hợp bị tái mù do ít sử dụng tiếng Việt.

Lớp học xoá mù chữ ở huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên).
Lớp học xoá mù chữ ở huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên).

Không để tái mù

Trong những năm qua Phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, rà soát các đối tượng không biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi và xây dựng kế hoạch xóa mù chữ cho từng năm của giai đoạn 2020-2025.

Theo ông Đỗ Văn Sơn - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo: “Sau khi rà soát, trên toàn huyện Tuần Giáo số người trong độ tuổi 15-60 biết chữ mức độ 1: 55602/57888 chiếm 96,05%, mức độ 2: 48463/57888 chiếm 83,72%. Với những nỗ lực đó năm 2020, huyện Tuần Giáo đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, hiện đang duy trì vững chắc các tiêu chí phổ cập xoá mù chữ mức độ 2”.

Ông Sơn cũng cho biết thêm: “Trên cơ sở rà soát các xã, thị trấn và căn cứ điều kiện, nhu cầu thực tế ở từng địa phương; Phòng GD&ĐT đề ra các giải pháp, lộ trình cụ thể thực hiện công tác xóa mù chữ, nâng cao tỷ lệ người dân biết chữ phù hợp với từng địa bàn.

Theo đó để thực hiện hiệu quả công tác xoá mù chữ, Phòng GD&ĐT đã tham mưu với UBND huyện thành lập Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cấp huyện gồm: Trưởng ban chỉ đạo là Phó chủ tịch UBND huyện, Phó ban Thường trực là Trưởng Phòng GD&ĐT; thành viên là Trưởng các phòng, ban chuyên môn cấp huyện, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn, Hiệu trưởng các trường THPT.

Ngoài ra, Phòng GD&ĐT còn mời đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQVN, Huyện đoàn, Liên đoàn Lao động huyện, Hội Nông dân, Hội liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh huyện tham gia Ban chỉ đạo”.

“Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị Ban chỉ đạo phân công nhiệm vụ cụ thể các thành viên, làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Do đó khi thực hiện nhiệm vụ xóa mù chữ luôn có sự phối hợp chặt chẽ và tham gia tích cực của tất cả các cơ quan, đơn vị, các ngành, các địa phương, các Trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn huyện”, ông Sơn cho hay.

Bên cạnh những thuận lợi, công tác xoá mù chữ ở huyện Tuần Giáo cũng gặp phải một số khó khăn như: địa bàn huyện khá rộng, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn (toàn huyện có 18/19 thuộc xã đặc biệt khó khăn). Tỉ lệ người chưa biết chữ chủ yếu là lao động chính trong gia đình; phụ nữ trong độ tuổi sinh nở; những năm gần đây số người đi lao động xa nhà luôn ở mức cao.

“Cùng với sự phát triển của xã hội thì nhu cầu biết chữ của người dân ngày càng cao, bên cạnh số người đọc thông, viết thạo trên địa bàn huyện Tuần Giáo phải đối mặt một thực trạng là người dân đã biết chữ song hàng ngày ít sử dụng lâu dần tái mù trở lại. Nhóm đối tượng này chủ yếu ở độ tuổi trên 35 tuổi”, ông Đỗ Văn Sơn - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo cho biết.

Linh hoạt để tạo điều kiện cho người học

Để học viên có thể thuận tiện tham gia các lớp học xoá mù, Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức lớp học xóa mù chữ linh hoạt, phù hợp với độ tuổi khác nhau của người học; hình thức lớp học linh hoạt (học nhóm, tập trung hoặc giao bài).

Đối với các bản vùng sâu, vùng xa, lớp học được đặt ở điểm trường lẻ của trường tiểu học, ở nhà văn hóa bản hoặc tại nhà dân; thời gian học linh hoạt theo từng lớp, từng tuần hoặc từng mùa vụ đảm bảo phù hợp và thuận lợi nhất đối với học viên.

Bên cạnh đó, Phòng cũng phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương, các đoàn thể bản, sự ủng hộ của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ và nhân dân.

“Nhờ vậy mà những năm qua, số học viên theo học bỏ học giữa chừng trên địa bàn huyện chiếm tỷ lệ rất thấp. Để làm được việc này ngay từ khâu tuyên truyền vận động học viên ra lớp, các trường học, các địa phương đã chú trọng xây dựng, tuyên truyền, công khai rộng rãi kế hoạch mở lớp trong đó xác định rõ nội dung, địa điểm và thời gian mở lớp học”, ông Sơn cho biết.

Một buổi học ở lớp xoá mù chữ ở huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên).

Một buổi học ở lớp xoá mù chữ ở huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên).

Ngoài ra, Phòng GD&ĐT chỉ đạo giáo viên giảng dạy bám sát nội dung chương trình theo quy định của Bộ GD&ĐT, linh hoạt hình thức tổ chức và phương pháp giảng dạy phù hợp với nhu cầu và sự tiếp nhận của từng học viên. Phối hợp tốt với trưởng bản, bí thư bản; các đoàn thể địa phương động viên, đôn đốc và tạo mọi điều kiện để học viên hoàn thành khóa học.

Tính đến tháng 3/2023 Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường mở 20 lớp với 366 học viên xóa mù chữ giai đoạn 2 tại các xã Tênh Phông, Phình Sáng, Rạng Đông, Mường Khong, Mường Mùn, đạt 161% kế hoạch Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên giao.

“Đội ngũ giáo viên đứng lớp xóa mù chữ là các thầy giáo, cô giáo đang dạy Tiểu học ở các trường trên địa bàn đã được tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ về giảng dạy lớp xóa mù chữ. Những thầy cô được lựa chọn là người có tâm huyết, trách nhiệm, gần gũi, uy tín với cộng đồng. Các thầy cô là người địa phương, đang công tác cùng địa bàn, trong quá trình giảng dạy còn tổ chức tham gia các hoạt động của lớp với trường, bản và địa phương”, ông Đỗ Văn Sơn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo, tỉnh Lai Châu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ