Phụ huynh đua nhau tìm lớp tiền tiểu học

GD&TĐ - Thời điểm này nhiều phụ huynh ở TPHCM đã đôn đáo tìm các lớp tiền tiểu học để đăng ký.

Giờ học của trẻ lớp lá Trường Mầm non Hoa Đào (Quận 12, TPHCM).
Giờ học của trẻ lớp lá Trường Mầm non Hoa Đào (Quận 12, TPHCM).

Lý do bởi sợ con không theo kịp chương trình, bạn bè, bị bỏ lại phía sau khi năm học mới bắt đầu.

Phụ huynh nôn nóng

“Nên cho con học tiền tiểu học trước bao lâu ạ?”, “Em cần tìm lớp học tiền tiểu học, mẹ nào biết chỉ em với ạ!”, “Mình cần tìm lớp tiền tiểu học cho con!!!”… là những câu hỏi được phụ huynh thảo luận rất nhiều trên trang mạng xã hội trong những ngày qua.

Chị Trần Thị Tuyết (quận Gò Vấp) chia sẻ: “Chỉ còn mấy tháng nữa con sẽ chính thức bước vào cấp học đầu tiên. Lúc đầu tôi khá lo lắng và bối rối trước quyết định nên hay không nên cho con học tiền tiểu học. Nhiều người nói không cần cho đi học trước vì chương trình lớp 1 không quá nặng. Tuy nhiên, trong nhóm Zalo phụ huynh của lớp mầm non tôi thấy nhiều người đăng ký cho con đi học. Do cháu đọc và phát âm còn chưa tốt, nên giữa tháng 4, tôi đã quyết định đăng ký cho con tham gia một lớp với thời lượng 3 buổi/tuần, mỗi buổi 90 phút”.

Có kinh nghiệm từ khi con trai đầu vào lớp 1, nên năm nay, chị Đặng Thị Dưng (TP Thủ Đức) quyết định cho con gái thứ 2 đi học tiền tiểu học sau dịp Tết Nguyên đán 2023. Chị Dưng cho hay, từ tháng 10 năm ngoái, trong nhóm chung cư, phụ huynh có con vào lớp 1 đã xôn xao về chuyện cho con đi học tiền tiểu học.

Vì lo sợ khi con vào lớp 1 sẽ không theo kịp các bạn nên chị cũng đã đăng ký cho con gái học tại trung tâm, đến nay đã học được hơn 2 tháng. Tham gia lớp tiền tiểu học, con gái chị được cô dạy bảng chữ cái, bảng vần, bảng phụ, các số 1 đến 10 và phép cộng trừ trong phạm vi 10.

“Năm học trước con trai đầu cũng vào lớp 1, tuy nhiên do dịch bệnh nên cháu học mầm non ở quê. Đến tháng 7/2022, gia đình mới đưa cháu vào và đăng ký cho con học lớp tiền tiểu học. Vì thời gian không nhiều nên sau khi kết thúc đợt học, cô giáo dạy thêm tâm sự sợ cháu không theo kịp các bạn khi vào lớp 1, lúc đó gia đình rất lo lắng.

May mắn trong quá trình học lớp 1, ý thức tự giác học của cháu rất cao cùng với sự kèm cặp, chỉ bảo của ba mẹ nên thành tích rất tốt. Tất nhiên, gia đình cũng xác định việc học tiền tiểu học không phải học trước chương trình mà là để các con rèn luyện chữ cái, đánh vần chuẩn”, chị Dưng chia sẻ.

Tiết dạy của cô Đặng Thị Bích Trâm, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1, TPHCM).

Tiết dạy của cô Đặng Thị Bích Trâm, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1, TPHCM).

Trẻ vào lớp 1 cần kỹ năng gì?

Cô Nguyễn Thị Kim Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thọ (Quận 11), cho hay, với các gia đình có trẻ chuyển từ cấp mầm non lên tiểu học, không chỉ kiến thức mà chuẩn bị kỹ năng, tâm lý cho trẻ rất quan trọng.

Nếu điều kiện có thể đáp ứng, gia đình nên cho trẻ đi học tiền tiểu học để được trang bị các kỹ năng cần thiết trước khi vào lớp 1. Tất nhiên, ba mẹ không nên vì quá lo lắng mà cho trẻ đi học tiền tiểu học một cách tràn lan, ồ ạt. Việc học nên dựa trên sở trường, sự yêu thích, ham học hơn là việc ép các em đi học chỉ vì sợ không theo kịp bạn bè.

“Thực tế, nếu cha mẹ không có thời gian, phương pháp tốt, cảm thấy học ở mầm non không đủ, cho trẻ tham gia các lớp tiền tiểu học phù hợp với năng lực là việc có thể làm. Nhưng học tiền tiểu học chỉ được dừng lại ở việc làm quen, ôn lại những gì đã học ở mầm non chứ không được học trước. Các trung tâm đã có chương trình rất cụ thể, từ đó phụ huynh tham khảo và lựa chọn cho trẻ một khóa học hợp lý”, cô Hương lưu ý.

Cũng theo cô Hương, thực tế, nhiều học sinh dù không đi học tiền tiểu học cũng bắt kịp được với chương trình và bạn bè khi chính thức bước vào năm học mới. Bởi mục tiêu khi hoàn thành chương trình lớp 1 là học sinh biết đọc, biết viết nên giáo viên sẽ hỗ trợ, kèm cặp học sinh tối đa để các con đạt được điều này.

Nhiều năm chủ nhiệm lớp 1, cô Đặng Thị Bích Trâm, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1), nhìn nhận, chuyển từ mầm non sang tiểu học là bước khởi đầu mới đối với các em. Thực tế thời gian đầu, học sinh sẽ gặp nhiều khó khăn.

Để trẻ tự tin vào lớp 1 việc chuẩn bị các kỹ năng cần thiết rất quan trọng. Cụ thể các kỹ năng như giao tiếp và hợp tác, tự phục vụ, tự múc ăn… sẽ giúp các em hòa nhập với môi trường học tập mới. Ngoài ra, ba mẹ nên khuyến khích các em tự tin, mạnh dạn đưa ra ý kiến của mình, hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ khi gặp khó khăn.

“Điều quan trọng nhất là học sinh cần biết bày tỏ cảm xúc của mình bằng hành động, bằng lời nói để mọi người có thể thấu hiểu và giúp đỡ trong những ngày đầu khi còn bỡ ngỡ làm quen với thầy cô, bạn bè. Không những vậy, phụ huynh nên trao đổi và nói chuyện, tập cho trẻ sự tập trung trong sinh hoạt, điều chỉnh hành vi như sợ hãi, nhút nhát… để các em có khởi đầu thuận lợi”, cô Trâm gợi ý.

Chị Nguyễn Thị Tính (Quận 8) có con gái năm nay vào lớp 1 tâm sự: “Thay vì cho con theo học các lớp tiền tiểu học như nhiều phụ huynh khác, tôi thường xuyên đưa con gái tham gia các trải nghiệm, vui chơi bên ngoài để con có các khám phá mới. Bởi bản thân suy nghĩ đơn giản rằng việc cho con học trên trường mầm non là trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng. Chỉ khi cháu thực sự muốn học thì tôi cũng sẽ kèm thêm vào những buổi tối. Tôi không muốn cháu quá áp lực việc học hành, chỉ cần cuối năm học, con biết đọc, biết viết là được”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ