AI đang trở thành động lực thúc đẩy sự đổi mới mọi lĩnh vực

GD&TĐ -Khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI) trở thành động lực thúc đẩy sự đổi mới mọi lĩnh vực, bao gồm cả giáo dục đại học và quản trị nghiên cứu.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội nghị.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội nghị.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Hiệu trưởng các tổ chức thành viên AUF tại Châu Á - Thái Bình Dương (C2R-AP) - Đại hội toàn thể lần II.
Gần 90 đại diện của 58 cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu từ 9 quốc gia đã tham dự hội nghị tại TPHCM hôm nay(5/11).

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, cho biết; trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng và cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang mang lại những thay đổi lớn lao trong mọi lĩnh vực, giáo dục và đào tạo không chỉ đóng vai trò là nền tảng của sự phát triển bền vững mà còn là chìa khóa để hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương – nơi có sự phát triển đa dạng và tiềm năng to lớn – sự hợp tác trong lĩnh vực giáo dục là điều cần thiết hơn bao giờ hết.

“Chính phủ Việt Nam đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua hàng loạt Nghị quyết và đề án quan trọng” - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

085bf9d81f4ca712fe5d.jpg
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại Hội nghị.

Theo Thứ trưởng, những chính sách này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành công nghiệp mũi nhọn phát triển mà còn định hướng cho giáo dục và đào tạo chuyển mình để bắt kịp xu hướng toàn cầu. Đặc biệt, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam cũng đang rất quyết liệt, thể hiện sự cam kết cao độ trong việc thực hiện các nhiệm vụ này. Các trường đại học đã tích cực triển khai các chương trình đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ số và hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo.

Những nỗ lực này nhằm đảm bảo rằng sinh viên không chỉ được trang bị kiến thức lý thuyết mà còn có kỹ năng và tư duy sáng tạo để đáp ứng yêu cầu của thời đại mới.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, chương trình Hội nghị có 2 phiên thảo luận với nội dung rất thiết thực, mang tính thời sự, đó là (1) “Trí tuệ nhân tạo với quản trị đại học và nghiên cứu” và (2) “Đối thoại Đại học - Doanh nghiệp”, ngoài ra còn nhiều chủ đề và nội dung quan trọng khác.

42a9418ba71f1f41460e.jpg
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh về vai trò của Khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI).

"Có thể thấy, Khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang trở thành một động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự đổi mới trong mọi lĩnh vực, bao gồm cả giáo dục đại học và quản trị nghiên cứu.

Việc ứng dụng AI trong quản trị đại học không chỉ giúp tối ưu hóa các quy trình quản lý, mà còn tạo điều kiện cho việc phân tích dữ liệu và đưa ra những quyết định chiến lược dựa trên thông tin chính xác. Đồng thời, AI còn mở ra cơ hội lớn trong nghiên cứu khoa học, giúp tăng cường khả năng phân tích và khám phá, từ đó nâng cao vị thế nghiên cứu của các trường đại học trong khu vực và trên thế giới” - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Bộ GD&ĐT Việt Nam sẽ tiếp tục ủng hộ và đồng hành cùng AUF và các trường đại học trong việc thúc đẩy môi trường giáo dục chất lượng, tiên tiến, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội và sự phát triển của khu vực" - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, khẳng định.

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, sự gắn kết giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp ngày càng trở nên thiết yếu. Để đào tạo nên nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động hiện đại, chúng ta cần xây dựng mối quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa các trường đại học và cộng đồng doanh nghiệp.

Sự hợp tác này theo Thứ trưởng không chỉ giúp sinh viên có cơ hội thực hành và phát triển kỹ năng, mà còn tạo ra môi trường để nghiên cứu và chuyển giao công nghệ từ học thuật sang ứng dụng thực tiễn. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và toàn diện của nền kinh tế tri thức trong khu vực.

fb1b34c28d5635086c47.jpg
Các đại biểu tham dự Đại hội toàn thể lần II của Hội nghị Hiệu trưởng các tổ chức thành viên AUF tại Châu Á -Thái Bình Dương (C2R-AP)

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng đánh giá, AUF đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và xây dựng năng lực của các trường đại học thành viên, từ đó thúc đẩy phát triển giáo dục đại học theo hướng hội nhập quốc tế và bền vững. Qua các chương trình hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và nghiên cứu chung, AUF đã mang lại nhiều cơ hội quý để các trường đại học có thể học hỏi lẫn nhau và cùng nhau phát triển.

“Hội nghị hôm nay là dịp để chúng ta cùng nhìn lại những kết quả đã đạt được, phân tích những thách thức hiện hữu và cùng nhau xây dựng những giải pháp sáng tạo, chiến lược bền vững cho tương lai. Tôi tin rằng các cuộc thảo luận, chia sẻ trong khuôn khổ hội nghị sẽ giúp tăng cường sự kết nối giữa các trường đại học thành viên, mở ra những cơ hội mới và thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng hơn”- Thứ trưởng khẳng định.

Đại hội toàn thể lần II của Hội nghị Hiệu trưởng các tổ chức thành viên AUF tại Châu Á -Thái Bình Dương (C2R-AP) diễn ra vào một thời khắc bản lề đối với giáo dục đại học Pháp ngữ. Đối diện với· nhiều thách thức như chuyển đổi số, việc làm đầu ra cho· sinh viên tốt nghiệp, chất lượng đào tạo và quảng bá kết quả nghiên cứu, hội nghị này là cơ hội có lẽ là duy nhất để cùng nhau thảo luận về tương lai của khoa học Pháp ngữ trong khu vực.

Hội nghị diễn ra với bốn phiên chuyên đề. Nội dung các chuyên đề được chọn thảo luận bao gồm: “Trí tuệ nhân tạo với quản trị giáo dục đại học và nghiên cứu”; “Đối thoại giữa giới học thuật và giới nghề nghiệp”; “Cơ hội của Chương trình trao đổi sinh viên và việc làm quốc tế Pháp ngữ (PIMEF) tại Châu Á - Thái Bình Dương”; và chuyên đề “Chiến lược mới của AUF /Đồng xây dựng dự án”.

C2R-AP là diễn đàn khu vực lớn nhất về giáo dục đại học và nghiên cứu Pháp ngữ. Nhiều đại diện từ các cơ quan Nhà nước và ngoại giao cũng như khối kinh tế - xã hội sẽ cùng tham gia vinh danh sự kiện này, cùng với Giáo sư Slim Khalbous - Giám đốc toàn cầu của AUF.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.