Chuyên gia thảo luận về tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo vào hạ tầng mạng IoT

GD&TĐ - Nhiều chuyên gia tham gia hội nghị nhằm khám phá những xu hướng mới nhất, thúc đẩy hợp tác và phát triển các ứng dụng công nghệ trong cuộc sống.

Các chuyên gia quốc tế trình bày tại hội nghị.
Các chuyên gia quốc tế trình bày tại hội nghị.

Ngày 12/9, tại Đại học FPT Đà Nẵng, Trường Đại học FPT cùng khoa Công nghệ Thông tin của các Trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Bách Khoa TP HCM, trường Đại học Mở TP HCM, Đại học Mỏ Địa chất và trường Đại học Quy Nhơn tổ chức hội nghị quốc tế thường niên với chủ đề “International Conference on Intelligence of Things 2024” - Hội thảo quốc tế về Vạn vật thông minh 2024 (ICIT 2024).

Theo Ban tổ chức, trong bối cảnh công nghệ đang phát triển với tốc độ nhanh chóng như hiện nay, việc tích hợp Trí tuệ Nhân tạo (AI) vào hạ tầng mạng Internet vạn vật (Internet of Things - IoT) mang lại nhiều lợi ích vượt trội cho các tổ chức, doanh nghiệp, người tiêu dùng. Sự kết hợp giữa AI và IoT không chỉ giúp tăng cường hiệu quả hoạt động mà còn thúc đẩy quá trình sáng tạo, tạo ra giải pháp tối ưu trong nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, tài chính, dịch vụ…

Từ việc cải thiện chất lượng cuộc sống đến việc tối ưu hoá quy trình sản xuất kinh doanh, IoT đang tạo ra nhiều cơ hội mới cũng như đặt ra những thách thức đáng kể.

Nhằm đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học trong nước và quốc tế có cơ hội trao đổi, chia sẻ thông tin, thảo luận và công bố những công trình nghiên cứu khoa học về các vấn đề liên quan đến tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo vào hạ tầng mạng IoT (IoT2/AIoT) và công nghệ Bán dẫn (Semiconductor).

TUTA3634.png
Hội nghị quy tụ các chuyên gia đầu ngành về Vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Theo đó, mục đích của hội nghị là dịp để các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, cơ quan sản xuất trong nước và quốc tế từ các lĩnh vực có liên quan đến chủ đề IoT, Vi mạch bán dẫn, Trí tuệ nhân tạo, Blockchain… có cơ hội trao đổi và trình bày các công trình nghiên cứu của mình.

Đồng thời cung cấp nền tảng cho những cuộc tranh luận khoa học về các vấn đề đương đại trong lĩnh vực nghiên cứu trên, hỗ trợ cho những chiến lược đúng đắn được nêu ra để thúc đẩy sự tăng trưởng phát triển bền vững cả trong nước và quốc tế. Ngoài ra gia tăng cơ hội làm việc, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học và trên toàn cầu.

Hội nghị có sự tham gia của các diễn giả chính (keynote speaker) đều là những chuyên gia đầu ngành trên thế giới và tại Việt Nam về các lĩnh vực có liên quan đến IoT, Vi mạch Bán dẫn, Trí tuệ Nhân tạo, Blockchain để trình bày và chia sẻ những nghiên cứu mới nhất.

Các diễn giả chính bao gồm: GS. Kim Joongheon, Đại học Hàn Quốc với chủ đề “Học máy lượng tử: Khái niệm, mô hình và ứng dụng"; GS Richard Chbeir, Đại học Pau và Pays de l'Adour với chủ đề “Kỹ thuật dữ liệu trong IoT; ...

Bên cạnh đó, hội nghị cũng thu hút được sự quan tâm rất lớn từ các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Với hàng trăm bài nghiên cứu được gửi về, Ban tổ chức hội nghị đã đánh giá độc lập qua các vòng phản biện và lựa chọn 65 bài để trình bày tại hội nghị.

TUTA3726.png
Hội thảo cũng thu hút được sự quan tâm rất lớn từ các nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Các bài nghiên cứu đến từ nhiều nhà khoa học, học giả của các trường đại học và viện nghiên cứu trong nước và quốc tế như Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Đài Loan, Campuchia… Các tham luận được lựa chọn trình bày tại hội nghị sẽ có cơ hội công bố trên “Lecture Notes on Data Engineering and Communications Technologies" của tạp chí Springer thuộc danh mục ISI/Scopus.

Hội nghị ICIT 2024 sẽ được tổ chức thành 16 phiên thảo luận về các chủ đề được nêu ra từ trước, với sự chủ trì của các chuyên gia hàng đầu đến từ các Trường Đại học FPT, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, trường Đại học Mở TP HCM, Đại học Mỏ Địa chất, trường Đại học Quy Nhơn và các diễn giả khách mời từ nước ngoài.

TS Trần Ngọc Tuấn - Phó hiệu trưởng Trường Đại học FPT, Giám đốc Phân hiệu Trường Đại học FPT tại TP Đà Nẵng cho rằng, với sự tham gia của hàng trăm báo cáo viên từ trong nước và quốc tế, hội nghị này không chỉ là dịp để chúng ta chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm quý báu mà còn là cơ hội để chúng ta cùng nhau khám phá những xu hướng mới nhất, thúc đẩy hợp tác và phát triển các ứng dụng công nghệ trong cuộc sống.

TUTA3653.png
TS. Trần Ngọc Tuấn - Phó hiệu trưởng Trường Đại học FPT, Giám đốc Phân hiệu Trường Đại học FPT tại TP Đà Nẵng.

“Các chủ đề mà chúng ta sẽ thảo luận trong các hội thảo này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc định hình tương lai của thế giới. Tôi tin rằng qua sự hợp tác và trao đổi giữa các nhà khoa học, chúng ta sẽ cùng nhau đưa ra những giải pháp đột phá, tạo nên những bước tiến xa hơn trong lĩnh vực công nghệ.

Thông qua hội nghị này, Đại học FPT không chỉ mong muốn tạo ra một diễn đàn học thuật quốc tế mà còn mang đến tinh thần sáng tạo và đổi mới trong việc tiếp cận công nghệ thông tin. Chúng tôi luôn nỗ lực không ngừng để trở thành cơ sở đào tạo tiên phong về giáo dục và nghiên cứu, nơi mà sự sáng tạo được khuyến khích và những ý tưởng đột phá được phát triển. Đại học FPT tin rằng, chỉ có sự đổi mới và sáng tạo mới có thể giúp chúng ta giải quyết những thách thức của tương lai, đặc biệt trong kỷ nguyên công nghệ đang thay đổi nhanh chóng như hiện nay”, TS. Tuấn nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ