Tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động dạy và học

GD&TĐ - Hà Nội yêu cầu tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động dạy học, nâng cao năng lực số cho người học và đội ngũ nhà giáo.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có văn bản gửi các phòng GD&ĐT và cơ sở giáo dục trực thuộc về thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số năm học 2024 - 2025.

Theo đó, Sở lưu ý các đơn vị tiếp tục thực hiện việc kết nối cơ sở dữ liệu GD&ĐT nhằm nâng cao tiện ích và hiệu quả cho công tác quản lý giáo dục; triển khai học bạ số; xây dựng cơ sở dữ liệu văn bằng, chứng chỉ hướng đến văn bằng số, chứng chỉ số.

Các đơn vị tăng cường điều kiện bảo đảm về hạ tầng kỹ thuật và kỹ năng ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, quản trị, dạy, học và nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em, kiểm tra, đánh giá trong giáo dục; tiếp tục xây dựng hạ tầng số quốc gia về học tập, kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành.

Tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động dạy, học và quản lý giáo dục đi cùng với phát triển các giải pháp bảo đảm an toàn môi trường học tập số; nâng cao năng lực số cho người học và đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; tiếp tục triển khai hệ thống thư viện số toàn ngành; khai thác hiệu quả kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành và ngân hàng câu hỏi trực tuyến.

Sở cũng lưu ý đảm bảo các điều kiện về hạ tầng, trang thiết bị, yêu cầu rà soát, đầu tư mới, mua sắm bổ sung máy tính dạy môn tin học tối thiểu đáp ứng mức độ cơ bản (mức độ 2 theo Quyết định số 4725/QĐ-BGDĐT ngày 30/12/2022) phục vụ dạy môn Tin học.

Đảm bảo tối đa 2 học sinh học chung 1 máy tính ở cấp Tiểu học, THCS; mỗi học sinh được học 1 máy tính ở cấp THPT. Chú trọng khai thác phòng máy tính cho các hoạt động chuyên môn của nhà trường và các môn học khác ngoài môn Tin học.

Tùy theo điều kiện của mỗi đơn vị, xây dựng phòng sản xuất nội dung số phục vụ xây dựng học liệu số và dạy học trực tuyến (gồm máy tính, thiết bị phụ trợ và các phần mềm cần thiết).

Tăng cường đầu tư cho hạ tầng ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của đơn vị; đảm bảo kết nối Internet (có dây hoặc không dây) đến từng phòng học; đầu tư thiết bị bảo mật (tường lửa, kiểm soát truy cập - IPS...) cho hệ thống mạng cục bộ và phần mềm bản quyền cho máy tính của các đơn vị.

Khuyến khích các đơn vị sử dụng đồng thời nhiều đường truyền Internet của các nhà cung cấp khác nhau, kết hợp các phần mềm dạy học trực tuyến phổ biến, ưu tiên lựa chọn những phần mềm có nền tảng công nghệ trong nước để đảm bảo chất lượng và ổn định việc dạy, học trực tuyến.

Khuyến khích các đơn vị triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn an ninh trong môi trường giáo dục nhằm mục tiêu “Cổng trường thông minh” bằng các giải pháp kiểm soát vào ra bằng thẻ, nhận diện khuôn mặt, điểm danh tự động... Thường xuyên rà soát, khắc phục các nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin.

Sở cũng lưu ý các đơn vị, nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền tới toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh kỹ năng nhận biết, phòng tránh các nguy cơ mất an toàn thông tin khi sử dụng các phần mềm trực tuyến và thiết bị cá nhân như điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính cá nhân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ