Hai nghi phạm trên đã bị bắt, trong khi nhiều hiện vật bị thu giữ, trong đó có một xác ướp hoàng gia vẫn được bảo quản tốt trong quan tài bằng gỗ có chạm các chữ tượng hình Ai Cập cổ, một số bức tượng pharaoh và các tấm bùa hộ mệnh.
Theo ông Kalawy, các cuộc điều tra đang được xúc tiến để xác định nguồn gốc xác ướp nói trên và các hiện vật bị đánh cắp khác. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy hai nghi phạm đang có kế hoạch bán các hiện vật đánh cắp cho một tay buôn đồ cổ để chuyển lậu ra nước ngoài.
Trong khi đó, cựu Chủ tịch Hội đồng Cổ vật Tối cao Abdel Nour Halem el-Din cho rằng các hiện vật mới được thu hồi có niên đại từ nhiều thời kỳ khác nhau của nền văn minh Ai Cập có thể là tang vật của các vụ khai quật bất hợp pháp do các băng nhóm tội phạm có vũ trang thực hiện.
Cũng trong ngày 20/6, Ai Cập đã tiếp nhận 8 tác phẩm nghệ thuật Hồi giáo bằng gỗ rất có giá trị trên một chuyến bay từ thủ đô Copenhagen của Đan Mạch.
Theo Bộ trưởng Cổ vật Mamdouh al-Damati, các hiện vật nói trên đã bị đánh cắp khỏi thánh đường Hồi giáo cổ Ghanim al-Bahlawan ở phía Nam thủ đô Cairo vào năm 2008 và được trao trả lại cho phía Ai Cập theo một phán quyết mới đây của tòa án Đan Mạch.
Kể từ làn sóng biểu tình đầu năm 2011 đến nay, ít nhất 2.000 cổ vật ở Ai Cập đã bị đánh cắp do tình trạng bất ổn chính trị và an ninh.
Ngoài vụ đánh cắp 54 cổ vật vô giá tại Viện Bảo tàng Ai Cập - nơi lưu giữ và trưng bày khoảng 120.000 cổ vật quý, một vụ việc nghiêm trọng khác đã xảy ra vào tháng 8/2013 khi những phần tử Hồi giáo quá khích xông vào cướp phá Bảo tàng quốc gia Malawi, phá hủy 1.089 mẫu vật, đốt cháy 32 xác ướp và đánh cắp hơn 1.000 cổ vật.