9X chế tạo máy phun thuốc trừ sâu không người lái

GD&TĐ - Chàng kỹ sư 9x Trần Quốc Tuấn ngụ xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, An Giang đã chế tạo thành công máy phun thuốc trừ sâu không người lái. Sản phẩm này đã thu về lợi nhuận hơn 100 triệu đồng mỗi năm.

Anh Trần Quốc Tuấn mải mê sáng chế
Anh Trần Quốc Tuấn mải mê sáng chế

Từ nhỏ đến lớn, Quốc Tuấn không biết gì về đồng ruộng nhưng với niềm đam mê, anh đã nghiên cứu và cho ra đời chiếc máy phun thuốc trừ sâu không người lái vô cùng độc đáo và mới lạ.

Năm 2010, một người bạn học thời phổ thông đang học khoa Khoa học máy tính (Đại học Cần Thơ) muốn chế tạo máy bay phun thuốc trừ sâu đã mời Tuấn cùng hợp tác nghiên cứu.

Cả hai đã bỏ ra nhiều công sức, tiền bạc và thời gian nhưng thành công không mỉm cười. Từ thất bại đó, một mình Tuấn nghĩ đến mô hình “máy phun thuốc trừ sâu không người lái”. Đầu năm 2012 đến tháng 9/2013, Tuấn liên tục nghiên cứu để chế tác “đứa con” của mình và trải qua không biết bao nhiêu thất bại. Nguyên nhân là do không có kiến thức nền về cơ khí, mỗi thứ đều phải học, phải nghiên cứu và thử nghiệm.

Anh Tuấn chia sẻ, có những lúc tưởng chừng không thể tiếp tục nhưng nghĩ đến việc tại sao mình đã có bắt đầu mà không có kết thúc, anh cố gắng hoàn thành sản phẩm.

 

Sau hơn 3 năm nghiên cứu, công trình của anh Tuấn ra đời vào cuối năm 2014. Chiếc máy có 2 nhóm bộ phận chính, nhóm bộ phận cơ khí gồm hệ thống máy, bình chứa thuốc, truyền động tia lực, hệ thống bánh xe, hệ thống phun; nhóm bộ phận điện tử gồm hệ thống thu nhận, hệ thống truyền dữ liệu, phân tích, xử lý và giải mã.

Công suất phun thuốc 1ha/giờ giúp giảm hơn 50% chi phí phun thuốc trừ sâu khi phải thuê nhân công. Đồng thời, yếu tố cốt lõi là giúp nông dân hạn chế việc tiếp xúc với các chất hóa học, ảnh hưởng đến sức khỏe, giúp tăng năng suất lao động.

Anh Tuấn bộc bạch thêm, thay đổi từ việc học trên giảng đường đến thực tế việc làm đã giúp bản thân anh trưởng thành hơn rất nhiều. Thời gian tới, anh sẽ tiếp tục nghiên cứu để giá thành sản phẩm xuống thấp, giúp nông dân dễ dàng tiếp cận sản phẩm, từ đó nâng cao chất lượng lúa gạo và các cây trồng khác.

Tùy theo nhu cầu người tiêu dùng, kết cấu đất, phương thức canh tác ở mỗi nơi mà anh Tuấn sẽ nghiên cứu và cho ra đời các sản phẩm phù hợp. Hiện tại, sản phẩm được tiêu thụ khá nhiều tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Trung bình mỗi năm anh cho ra đời từ 20-25 sản phẩm các loại có giá dao động từ 50-60 triệu đồng/ máy. Chiếc máy có thể di chuyển trên nhiều loại địa hình khác nhau và nông dân chỉ cần điều khiển từ xa. Không cần phải người lái như các sản phẩm khác, máy phun thuốc của anh Tuấn giúp giảm chi phí nhân công, chủ động thời gian, tăng năng suất, thích hợp cho sản xuất lúa quy mô như hợp tác xã, cánh đồng mẫu lớn.

Chiếc máy phun thuốc trừ sâu không người lái của anh Tuấn đã xuất sắc giành giải Nhì hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh An Giang năm 2016.

Hướng tới, anh Tuấn muốn tìm kiếm thị trường cây công nghiệp trong nước và nước bạn như Campuchia và Thái Lan để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng, tất nhiên cũng phải hoàn thiện và nâng cấp sản phẩm theo hướng đa chức năng, kiểu dáng công nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hoa sở nở rộ tạo ra những 'bức tường hoa' giữa núi rừng Bình Liêu.

Hoa sở phủ trắng núi rừng Bình Liêu

GD&TĐ - Khi mùa Đông đến cũng là lúc loài hoa sở mộc mạc, thanh khiết trên đỉnh núi cao huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) bắt đầu nở rộ.