Sản phẩm của hai em rất “độc, lạ” - đó chính là trái quách, một loại đặc sản được trồng nhiều tại những nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Khmer ở Trà Vinh.
Đưa đặc sản quê hương vươn xa
Trái quách (còn gọi là trái gáo) là một loại trái cây đặc sản của đồng bào dân tộc Khmer và chỉ có ở một số ít tỉnh thành trong cả nước.
Ai lần đầu mới nghe tên trái quách chắc không khỏi tò mò. Bề ngoài trái quách không bóng bẩy, hấp dẫn nhưng bù lại quách có mùi vị rất đặc trưng, lớp ruột đặc sệt, màu nâu đen và vị chua thanh, ngòn ngọt...
Loại trái cây này đến nay vẫn chưa được phổ biến như những đặc sản khác, chưa được tận dụng tối đa.
Theo các nghiên cứu trong và ngoài nước đã được công bố, trái quách có chứa hàm lượng polyphenol rất cao (gấp 3 lần trà xanh), là chất chống oxy hóa, kháng viêm và làm đẹp da rất tốt. Ngoài ra, theo dân gian thì trái quách còn giúp trị bệnh về táo bón, tiêu hóa, xương cốt...
Trái quách có nhiều công dụng như vậy nhưng xưa nay vẫn còn quanh quẩn trong những phum sóc của bà con Khmer hoặc chỉ thấy bán trong tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng.
Với ý tưởng đưa trái quách “vươn xa” khỏi phum sóc cũng như đến gần hơn với người tiêu dùng, hai em Nguyễn Thành Gia và Diệp Phước Trung (học sinh lớp 11, Trường Thực hành Sư phạm Trà Vinh) đã tiến hành nghiên cứu trái quách và thành công với dự án: “Nghiên cứu sản xuất các sản phẩm từ trái quách”.
Nói về cơ duyên đến với trái quách, Thành Gia chia sẻ: “Em có người chị đang học tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, trong một lần đi thăm, em có mang cho chị trái quách - đặc sản quê nhà mà chị rất thích.
Trái này dầm với đá ăn rất ngon. Các bạn của chị thưởng thức xong cũng tấm tắc khen và nhờ mua thêm để biếu người thân, bạn bè. Chị và các bạn chung phòng có nói rằng, phải chi trái quách cũng làm được như kẹo dừa thì hay biết mấy, chị vừa có thể ăn quanh năm mà cũng vừa có thể biếu cho bạn bè”.
Khi về đến nhà, em kể lại câu chuyện thú vị về trái quách được người Sài Thành khen ngợi cho ngoại nghe. Nghe xong bà cười: “Ngày xưa đồng bào dân tộc Khmer họ làm một thứ gần giống kẹo từ trái quách”. Từ câu nói ấy, em đã cùng người bạn Diệp Phước Trung tiến hành nghiên cứu về trái quách.
Đôi bạn Trung và Gia còn đi sâu nghiên cứu sản xuất các sản phẩm từ trái quách, lấy đó làm cơ sở cho việc quảng bá đặc sản của quê nhà, đưa trái quách đến gần với mọi người, và kiến nghị bảo tồn loài cây này như một đặc sản của Trà Vinh.
Từ nguyên liệu là trái quách, đôi bạn đã tạo ra được những sản phẩm tiện dụng như: túi lọc và trà túi lọc quách, mứt đông quách, bột quách và rượu quách.
Với ý tưởng mới lạ nhưng có tính thực tiễn cao và triển vọng khởi nghiệp hiệu quả, dự án “Nghiên cứu sản xuất các sản phẩm từ trái quách” của Nguyễn Thành Gia và Diệp Phước Trung đã đạt được những thành công đáng khích lệ.
Dự án đã đạt giải Nhì cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong sinh viên” do Đoàn Trường Đại học Trà Vinh tổ chức, tiếp đó nhận được giải Nhất cuộc thi “Đổi mới sáng tạo SME” do UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức.
Dự án nhận giải Nhì cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong sinh viên” do Đoàn Trường ĐH Trà Vinh tổ chức. |
Hoài bão khởi nghiệp từ ghế nhà trường
Nguyễn Thành Gia cho biết: “Sau công trình nghiên cứu, em đã nghĩ đến việc sẽ thương mại hóa các sản phẩm, nhưng vì phải kinh qua quá nhiều thủ tục pháp lý, gặp khó về cơ sở vật chất… nên em và Trung đã tạm ngưng.
Tuy nhiên, phải nói rằng, trước đó, từ cuộc thi ‘Ý tưởng khởi nghiệp trong sinh viên’ do Đoàn Trường ĐH Trà Vinh tổ chức, ý tưởng trên đã được gọt giũa và tụi em được tham gia các lớp tập huấn về kỹ năng kinh doanh.
Song song đó, chúng em còn được liên kết với các công ty, các cuộc thi khác để mở rộng tầm hiểu biết cũng như mang sản phẩm giới thiệu được nhiều nơi như: Cuộc thi Đổi mới sáng tạo SME tỉnh Trà Vinh, Dự án khởi nghiệp lần 4 do BSA tổ chức… Đây chính là cơ hội to lớn cho chúng em thỏa niềm đam mê khởi nghiệp”.
17 tuổi có cách khởi nghiệp của tuổi 17 - chúng tôi nghĩ như vậy và hy vọng có thể thắp cháy thêm ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ, làm cho các bạn trẻ năng động hơn, sáng tạo hơn. Làm sao sinh viên khi ra trường có tư tưởng làm chủ, chứ đừng có tư tưởng làm công.
Theo chia sẻ của Gia và Trung, hai em muốn đem đến cho thị trường một loại đặc sản mới mang thương hiệu Trà Vinh với giá trị dinh dưỡng cao. Các sản phẩm được nghiên cứu và sản xuất với tiêu chí an toàn và mang lại sức khỏe tốt cho người tiêu dùng.
Ngoài ra còn góp phần tạo thêm thu nhập cho bà con đồng bào dân tộc Khmer từ cây quách. (Trà Vinh có 30% đồng bào dân tộc Khmer và trung bình mỗi nhà trồng một cây quách). Và hơn hết là lồng ghép văn hóa dân tộc Khmer vào trong sản phẩm để đem đến những giá trị tinh thần, trải nghiệm văn hóa cho người tiêu dùng, góp phần liên kết văn hóa và phát triển du lịch địa phương…
Hiện tại, có 5 sản phẩm từ trái quách gồm: kẹo dẻo quách, mứt đông quách, bột quách, trà túi lọc quách và túi lọc quách đã được kiểm nghiệm vi sinh với kết quả đạt chuẩn. Nhóm đã tiến hành khảo sát mức độ yêu thích sản phẩm trên 100 người tiêu dùng (20 người/sản phẩm, kết quả điểm đạt cao, đều trên 6,5 trong thang điểm 7).
Theo Thành Gia thì nội dung của ý tưởng khởi nghiệp là hướng tới việc hiện thực hóa sản xuất đồng loạt với quy mô lớn các sản phẩm từ trái quách; tạo ra một số loại thực phẩm an toàn, không chứa chất bảo quản nhằm phục vụ cho đời sống con người; góp phần đưa trái quách đến gần với mọi người và kiến nghị bảo tồn loài cây này - một đặc sản đáng tự hào của xứ Trà Vinh.
Dự kiến, nếu sản xuất đại trà các sản phẩm từ trái quách với quy mô lớn sẽ thu hồi vốn trong 4 tháng. Lợi nhuận sau thu hồi vốn dự định 30 triệu đồng trong tháng đầu tiên. Sau đó sẽ hình thành và phát triển thêm mô hình kinh doanh cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn.