8 năm liên tiếp “rinh” danh hiệu Nhà giáo trẻ tiêu biểu

GD&TĐ - Nhiệt huyết với nghề, say mê tìm tòi sáng tạo trong phương pháp dạy học là phẩm chất của thầy Huỳnh Phẩm Dũng Phát (34 tuổi), giảng viên bộ môn Địa lý Kinh tế Xã hội - Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Tuy còn trẻ nhưng thầy đã có 8 năm đạt danh hiệu Nhà giáo trẻ tiêu biểu của Thành đoàn TP.HCM.

Thầy Huỳnh Phẩm Dũng Phát.
Thầy Huỳnh Phẩm Dũng Phát.

Luôn đổi mới, sáng tạo

Làm thế nào để sinh viên (SV) cảm thấy thích thú với những tiết học luôn là nỗi trăn trở của thầy Dũng Phát. Chính từ những trăn trở ấy, thầy Phát đã có phương pháp hiệu quả trong giảng dạy để giúp SV thấy thú vị khi học tập.

“Tâm lý của phần lớn SV là không thích nghe những kiến thức khô khan, khó tiếp thu. Khi dạy, có hình ảnh minh họa, chứng minh cho những điều mình giảng thì mới thuyết phục và tạo được sự thích thú cho các em”, thầy Phát chia sẻ.

Trước mỗi tiết dạy, thầy tìm cách giúp SV thấy được tính khoa học cũng như tính ứng dụng của những kiến thức sẽ thu nhận. Đối với các SV làm khóa luận tốt nghiệp, thầy sẽ tìm hiểu rồi định hướng các kỹ năng cần thiết để SV đạt được mục tiêu đề ra.

Thầy luôn yêu cầu SV được hướng dẫn phải chủ động trong việc tự thiết kế khóa luận, tự tiến hành thí nghiệm sau khi được chỉ dẫn các kỹ thuật cơ bản có liên quan và chủ động tối đa trong việc làm khóa luận.

Trong giờ lên lớp, tôi chỉ đóng vai trò người định hướng giúp SV tiếp cận vấn đề. Nói chung khi SV học với tôi, các bạn phải động não khá nhiều nhưng bù lại sẽ hiểu vấn đề sâu và tường tận 
Thầy Huỳnh Phẩm Dũng Phát

“Khi chính tay các em thiết kế mô phỏng thí nghiệm, thực hiện thì sẽ tự định hướng rõ hơn được con đường nghiên cứu của mình” - thầy Dũng Phát nhận định.

“Thông thường trong một buổi lên lớp, thầy trò cùng tìm hiểu. Không bao giờ dạy SV một chiều theo kiểu thầy nói, trò nghe mà tôi luôn khuyến khích thầy nói, SV phản biện. Cho nên, trong giờ lên lớp, tôi chỉ đóng vai trò người định hướng giúp SV tiếp cận vấn đề. Nói chung khi SV học với tôi, các bạn phải động não khá nhiều nhưng bù lại sẽ hiểu vấn đề sâu và tường tận”, thầy Phát chia sẻ.

Không chỉ có cách dạy sinh động mà liên tục từ năm 2010 đến nay, thầy Phát đã có nhiều sáng kiến trong giảng dạy. Một trong những sáng kiến ấy là “áp dụng infographic vào giảng dạy và học tập môn địa lý một cách hiệu quả”.

Chia sẻ về sáng kiến này, thầy Phát cho biết: “Người học sẽ theo các dòng dữ liệu thông tin từ trên xuống dưới được thiết kế logic trong một hình ảnh có kích thước lớn. Infographic có điểm khác biệt so với các công cụ trình chiếu trực quan khác là cho phép chúng ta thể hiện các thông tin hình ảnh trên cùng một bức ảnh, do đó giáo viên hoàn toàn có thể hệ thống lại kiến thức cho SV”.

Trong quá trình giảng dạy, thầy luôn đề cao tính chủ động, tự nghiên cứu để tăng khả năng hoạt động học tập cho SV. Nhờ vậy sau khi kết thúc học phần, SV cũng tự tích lũy được một số kiến thức và kĩ năng nhất định.

Qua những phương pháp giảng dạy “thấu hiểu”, mà SV của thầy ngày càng yêu thích môn học hơn. Thầy đã truyền cảm hứng, nhiệt huyết, lòng say mê yêu nghề cho học trò của mình, để ngay khi còn ngồi ghế giảng đường, các em đã biết yêu hơn nghề trồng người cao cả mà mình sẽ đảm nhiệm nay mai. 

Thầy Dũng Phát (bìa trái) chan hòa, thân thiện với SV.
Thầy Dũng Phát (bìa trái) chan hòa, thân thiện với SV.

Mê nghiên cứu khoa học

Thời phổ thông, thầy Dũng Phát rất yêu thích môn Địa. Thầy từng đạt giải Quốc gia môn Địa lý năm lớp 12 và nhờ đó được xét tuyển thẳng vào Trường ĐH Sư Phạm TPHCM.

Năm 2006, sau khi tốt nghiệp, thầy về công tác tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho, Tiền Giang đồng thời tiếp tục học lên cao học tại Trường ĐH Sư Phạm TPHCM. Năm 2010, học xong cao học, thầy được chuyển về giảng dạy môn Địa lý Kinh tế Xã hội của Trường ĐH Sư phạm cho đến nay.

Là một trí thức trẻ, thầy Phát còn tham gia nghiên cứu các đề tài góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Năm 2017, thầy có đề tài nghiên cứu về “Thực trạng và giải pháp phát triển nông thôn mới ở tỉnh Cà Mau”.

 

“Tôi đã tổng kết mức độ hoàn thành các chỉ tiêu nông thôn mới ở Cà Mau. Có 5 vấn đề còn tồn tại đó là giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, văn hóa và môi trường. Từ đó, tôi đề xuất cần tập trung cho các tiêu chí này, tránh đầu tư dàn trải, trong đó, giao thông nông thôn là rào cản cần phải tháo gỡ.

Cần thay đổi tư duy về việc xây dựng đường giao thông, chú trọng độ rộng đường để xe tải di chuyển được dễ dàng. Bởi đường sá chật hẹp sẽ là rào cản cho việc lưu thông hàng hóa. Khi hàng hóa không được lưu thông thì kinh tế làm sao phát triển tốt được”, thầy Phát chia sẻ về đề tài trên.

Các đề tài nghiên cứu của thầy có hai hướng, một là nghiên cứu chuyên ngành, hai là nghiên cứu nhằm ứng dụng vào công tác giảng dạy.

Với những cống hiến trong giảng dạy và hoạt động đoàn khoa, thầy Dũng Phát đã vinh dự được nhận danh hiệu “Nhà giáo trẻ tiêu biểu thành phố năm 2018”; đây cũng là lần thứ 8 liên tiếp thầy được nhận danh hiệu này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ