Những giáo viên trẻ tận tụy với nghề

GD&TĐ - Nhiều năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo TPHCM đã tập trung xây dựng nhà trường tiên tiến, hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc; học sinh được học tập và nghiên cứu với những phương pháp tiên tiến, hiện đại của thế giới… 

Những giáo viên trẻ tận tụy với nghề

Đóng góp vào thành tích chung đó có nhiều giáo viên trẻ đam mê sự nghiệp “trồng người”, vượt qua khó khăn hằng ngày “vun trồng” cho nhiều thế hệ học sinh thành phố…

Tạo hứng thú cho học sinh trong học tập

Lễ tuyên dương Nhà giáo trẻ tiêu biểu là một hoạt động nằm trong khuôn khổ của Liên hoan “Nhà giáo trẻ tiêu biểu TP Hồ Chí Minh” lần IX – năm 2016 diễn ra vào tối 18/11. Liên hoan là dịp để phát hiện, tuyên dương các điển hình giáo viên, giảng viên trẻ TP Hồ Chí Minh tham gia tích cực cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, có tinh thần trách nhiệm cao với công việc, có đạo đức tốt, chuyên môn giỏi, có cống hiến tích cực cho cộng đồng, được học sinh phụ huynh và đồng nghiệp yêu mến.

Cô giáo Trần Cao Lộc, giáo viên môn Lịch sử, Trường THCS Nguyễn Huệ, quận Tân Phú, kể lại, những ngày đầu ra trường, như nhiều giáo viên trẻ khác, cô gặp không ít khó khăn như lương thấp, đường đi dạy xa, học trò nghịch ngợm… Với chất “thép” của người con vùng đất Củ Chi, cô giáo trẻ có nụ cười hiền hậu này đã vượt qua tất cả.

Với mong muốn giúp học sinh yêu thích môn Lịch sử, cô đã đưa ra nhiều sáng kiến để những tiết học môn này trở nên sinh động hơn. Mỗi khi đến tiết Lịch sử, học sinh không chỉ nghe giáo viên giảng bài mà còn tham gia những hoạt động “vừa chơi vừa học”, qua đó tạo sự hứng thú cho học sinh, giúp các em nắm nội dung bài nhanh hơn.

Cô giáo trẻ Trần Cao Lộc còn tổ chức cho học sinh đi thực tế ở các di tích lịch sử, địa danh Cách mạng nhằm giúp các em hiểu hơn về truyền thống đấu tranh hào hùng của dân tộc. “Mỗi khi đi thực tế, tôi đều kết hợp dạy kỹ năng sống động viên các em viết cảm nhận về địa danh vừa đến.

Đọc bài viết của các em, nhiều bài tôi không khỏi xúc động khi các em đã nói lên được cảm xúc của mình, thể hiện được tình yêu với quê hương đất nước”, cô giáo Trần Cao Lộc chia sẻ. Không chỉ là giáo viên dạy giỏi nhiều năm liền, cô giáo Lộc còn là Bí thư Đoàn trường năng nổ, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, mang tính nhân văn cao. Với cô Trần Cao Lộc, nghề giáo là nghề thanh cao và qua mỗi ngày đứng trên bục giảng, cô lại thấy yêu nghề và mong muốn truyền tình yêu ấy đến với từng học sinh của mình.

Cũng là một giáo viên trẻ được vinh danh, Trần Thế Tùng là một giảng viên có nhiều sáng tạo của khoa Điện - Điện tử, Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Mặc dù, đến với nghề “phấn trắng bảng đen” mới chỉ hơn ba năm nhưng Tùng đã có nhiều sáng kiến “biến” ngành Điện - Điện tử vốn khô khan thành những giờ học sôi nổi; tăng cường các hoạt động xã hội cho sinh viên.

Anh luôn nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp để mối quan hệ giữa giảng viên và sinh viên thêm gắn bó, giúp sinh viên có điều kiện học tốt hơn. Quy chế học bổng sinh viên của khoa Điện - Điện tử, hay như các chương trình gặp gỡ giữa sinh viên khó khăn trong học tập và Ban chủ nhiệm khoa để giải đáp các khó khăn, hỗ trợ sinh viên cải thiện kết quả học tập, hạn chế sinh viên bị buộc thôi học… đều do giảng viên trẻ Trần Thế Tùng chủ động đề xuất xây dựng.

Tỏa sáng với nghề cao quý

Gần mười năm làm giáo viên mầm non, ngọn lửa yêu nghề chưa bao giờ vơi đi trong lòng cô Nguyễn Thị Thuận (Trường Mầm non Măng Non 1, quận 10). Yêu trẻ nhỏ, đó là lý do duy nhất để cô gái quê Đồng Nai này quyết định thi vào Sư phạm Mầm non. Cũng với tình yêu trẻ ấy đã giúp cô từng bước vượt qua những trở ngại ban đầu để trở thành một cô giáo trẻ được Ban Giám hiệu nhà trường đánh giá cao.

Phụ trách khối lớp mầm, cô Thuận miệt mài nghĩ ra những sáng kiến cụ thể để cải tiến phương pháp giảng dạy. Để trẻ phát huy khả năng sáng tạo, cô tạo ra những sản phẩm, dụng cụ dạy học đầy màu sắc, giúp trẻ có được những bài học đầu tiên thông qua các hoạt động vui chơi. Cô giáo Thuận rèn đọc cho trẻ bằng những câu thơ, ca dao hay những câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn, giúp trẻ từng bước khám phá thế giới xung quanh mình.

Cô Phan Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Măng Non 1 nhận xét, điểm nổi bật của cô giáo trẻ Nguyễn Thị Thuận đó là sự mềm mỏng với trẻ và luôn chịu khó, nỗ lực trong mọi công việc. Trong công tác Đoàn, với vai trò là Bí thư Chi đoàn trường, cô Thuận đã tổ chức nhiều hoạt động xã hội gây được ấn tượng tốt trong thời gian qua. Ngày 2/9, cô giáo Nguyễn Thị Thuận đã được kết nạp Đảng. Đây là một bước phát triển mới đáng ghi nhận của cô giáo luôn dành hết tình yêu cho nghề.

Phạm Hồng Sơn – Phó Bí thư Thành Đoàn nhận xét về Nhà giáo trẻ tiêu biểu: “Mỗi giáo viên, giảng viên trẻ đang từng ngày ra sức chăm lo cho học sinh, sinh viên với tinh thần tận tụy với nghề, đúng với lời dạy của Bác Hồ kính yêu: Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.