Hóa giải tiết học khô khan
Được dự khán một giờ lên lớp của thầy Kim Long, chúng tôi rất ngạc nhiên bởi không khí lớp học sôi động như buổi giao lưu “học mà chơi, chơi mà học” giữa thầy và trò nhưng không ảnh hưởng nội dung của tiết học. Học sinh ai cũng tươi cười hớn hở, hứng thú, hiệu quả giáo dục cao hơn.
Trong các tiết dạy Ngữ văn trên lớp, để tránh gây ra sự nhàm chán cho học sinh, thầy Long đã chủ động thay đổi một số hình thức mới trong phương pháp giảng dạy của mình, nhằm giúp cho các em dễ hiểu hơn, có sự nhận định, đánh giá thực tế cuộc sống qua các tác phẩm, nhân vật lịch sử.
Thầy cho các em đóng kịch diễn tả về các nhân vật trong các tác phẩm văn học, gợi ý cho các em qua những sự vật, sự việc thực tế, gần gũi với các em, khuyến khích các em tự thuyết trình, nói lên những suy nghĩ về bài học để nắm bắt nội dung.
Thầy còn tổ chức luân phiên giảng dạy qua việc trình chiếu tư liệu, hình ảnh trực quan nhằm giúp các em HS tiếp thu tốt hơn. Chia sẻ về điều này, thầy Kim Long cho biết:
“Qua các tiết học, tôi muốn các em thể hiện nhiều về bản thân mình, mạnh dạn, tích cực hơn, giúp các em có sự yêu thích về văn học, nắm rõ được những truyền thống lịch sử, và từ những hình ảnh cao đẹp trong mỗi tác phẩm, bước đầu hình thành nhân cách trong các em, vừa giáo dục tư tưởng, vừa truyền tải những kỹ năng sống cần thiết cho học sinh của mình”.
Không những thế, thầy Long còn thỉnh thoảng cho các em xem phim, nghe nhạc, trò chơi… có liên quan đến bài học để các em dễ liên hệ và hứng thú trong môn học…
Khi tiếng trống vang lên báo hiệu kết thúc tiết học, thầy Long lại “kéo” các em xuống sân trường, cho các em “giải lao” bằng chương trình hoạt náo và các trò chơi vận động vui nhộn. Trò chơi của thầy Long vui đến nỗi khiến học sinh cười ngặt nghẽo. “Mình phải thường xuyên lồng các tiết sinh hoạt kỹ năng như thế này vào các giờ giảng các em để thoải mái, dễ tiếp thu bài hơn” – thầy Long chia sẻ.
Nhiều năm chủ nhiệm lớp học có nhiều học sinh quậy, học yếu, cùng với áp lực từ phụ huynh, gia đình... Tuy nhiên, cũng chính tình yêu nghề, yêu học sinh, yêu trường lớp và nhớ tiếng trống trường, nhớ những gương mặt học trò tinh ngịch nhưng cũng rất đỗi thân thương, thầy Long đã tục bám trường, bám lớp.
Để có thể “thuần hóa” những học sinh cá biệt, thầy Long đã tìm hiểu, nắm rõ hoàn cảnh của từng em, rồi tỉ tê trò chuyện để có cách giáo dục hợp lý.
Nhiều khi, thầy lặng lẽ quan sát theo dõi học trò ra trường có về nhà hay la cà ở đâu, rồi chủ động “hòa nhập” với các em. Cũng chính điều này mà hình ảnh thầy Long trong mắt các cô cậu học trò tuổi mới lớn “khó dạy” này tự nhiên trở nên thật gần gũi. Từ đó, các em có thể chia sẻ bất cứ điều gì trong cuộc sống với thầy Long.
Thầy Long luôn tâm niệm “người giáo viên phải truyền lửa cho học sinh để các em yêu môn học, tin thầy thì các em mới học tốt được”. Điều ấy nghe tưởng dễ nhưng làm được là vô cùng khó. Thế nhưng, đến giờ có thể nói, thầy Long đã phần nào làm được với tâm niệm của chính mình.
“Tôi thấy mình may mắn khi được lãnh đạo nhà trường tin và gần như ủng hộ tuyệt đối trong cả chuyên môn lẫn hoạt động phong trào. Tôi được trui rèn rất nhiều sau những năm tháng gắn bó với ngôi trường này” - Thầy Long bộc bạch.
Sự tin tưởng ấy thể hiện rõ khi thầy Long được trường xếp lịch lên lớp để vừa dạy, vừa liên thông đại học và đã kịp hoàn thành.
Ba năm qua, thầy Long đứng lớp bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi văn của trường và đã có một học sinh đoạt giải Nhất học sinh giỏi văn cấp thành phố năm trước.
Với sự nhiệt tình, tấm lòng yêu nghề, thầy Long đã được tuyên dương danh hiệu “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” 6 năm liền (2010, 2011, 2012, 2013, 2014 và 2015). Cũng trong năm 2011, thầy Long vinh dự được nhận Kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ” do Trung ương Đoàn trao tặng và Huy hiệu “Vì đàn em” của Thành đoàn TPHCM.
Thầy Long (bìa trái) nhận bằng khen của UBND TPHCM |
Nhiều sáng kiến cho học trò
Tại Hội thi “Bí thư Đoàn cơ sở giỏi” lần 1 năm 2009 do Thành đoàn TPHCM tổ chức (khi ấy, thầy giáo Long còn là sinh viên Trường CĐ Sư phạm TPHCM, sau này học liên thông và tốt nghiệp Trường ĐH Sài Gòn - PV), thầy đạt giải Á khoa với sự thể hiện các phần thi luôn xuất sắc.
Thầy Long thừa nhận: “Chính chất Đoàn, Đội trong người có từ thời sinh viên đã giúp tôi sau này “có duyên” với học trò của mình hơn”.
Những năm tháng tham gia các chiến dịch tình nguyện tại các vùng quê, hình ảnh về những người thầy, người cô vượt qua những khó khăn, tận tâm, tận lực với nghề, những đứa trẻ hồn nhiên vui tươi khi được tiếp nhận những con chữ, con số, những kiến thức sẽ xây dựng nên nhân cách cho các em sau này luôn in đậm trong tâm trí của thầy.
Với vai trò là giáo viên Ngữ văn, đồng thời làm Tổng phụ trách Đội rồi kiêm luôn Phó Bí thư Chi đoàn giáo viên trường, thầy vừa đứng lớp thực hiện công tác giảng dạy, vừa tham gia tổ chức các hoạt động, phong trào thiếu nhi và công tác Đoàn.
Các em học sinh nơi đây đã dần quen thuộc hình ảnh một người thầy dáng người nhỏ nhắn, vui tính, lúc nào cũng hiện hữu một nụ cười thân thiện, với cái biệt danh “Ba Long”.
Những sự kiện có sự xuất hiện của thầy Long, đều nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các bạn nhỏ, được chào đón như một “thần tượng”.
Theo các đồng nghiệp, trong dạy học, thầy Long tạo ra được nhiều mô hình, hoạt động mới giúp học sinh hứng thú trong sinh hoạt và học tập, góp phần đưa phong trào của trường ngày càng đi lên.
Từ những kinh nhiệm bản thân, thầy đã chủ động tham mưu, đề xuất nhiều sáng kiến trong công tác chuyên môn, nâng cao chất lượng giảng dạy tại nhà trường như “Vận dụng công nghệ thông tin trong công tác giảng dạy”, nhằm giúp các em có cách nhìn trực quan, sinh động để tiếp thu tốt qua các bài học.
Hay như để những giáo viên đứng lớp trở thành những báo cáo viên về kỹ năng thực hành xã hội cho các em học sinh, thông qua mô hình “Tổ chức tiết ngoài giờ lên lớp để giáo dục kỹ năng sống cho học sinh”, bổ sung thêm vào hành trang vào đời của các em, hiểu rõ những giá trị tinh thần, tránh những sai lầm, thái độ vô cảm, ứng xử không đẹp.
Thầy tổng phụ trách năng nổ
Ngay khi về trường, chính thầy Long đã mạnh dạn đề xuất xây dựng Đội trống kèn giúp cho các bạn đội viên có cơ hội được tập luyện thêm các kỹ năng kèn, trống trong Nghi lễ của Đội, trong các dịp tổ chức hoạt động, chương trình lớn tại nhà trường.
Từ mô hình Đội trống kèn, thầy Long còn xây dựng một số đội nhóm nhỏ theo sở thích về văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao tại Liên đội nhà trường và các Chi đội lớp.
Điều thầy Long tâm đắc nhất là nâng cao tính tự quản của Ban Chỉ huy Liên đội và các Chi đội lớp. Với vai trò là một Tổng phụ trách Đội, thầy Long không áp đặt các em theo quan điểm của riêng mình, mà khuyến khích các em chủ động, dân chủ trong sinh hoạt Đội, giúp các em thoải mái hơn trong giao tiếp.
Khi cần, thầy Long sẵn sàng tham gia, đóng góp ý kiến. “Các bạn tự sinh hoạt, tự có trách nhiệm với công tác, hoạt động của mình, thể hiện tính tự lập, tinh thần tập thể khi không có bóng dáng của người Tổng phụ trách nhưng đồng thời bản thân mình cũng quan tâm thường xuyên nhắc nhở, đôn đốc các bạn phát huy khả năng tự quản lâu dài” – thầy Long cho biết thêm.
Hiện nay, ngoài giảng dạy, thầy Long còn duy trì công tác xã hội, tổ chức các chuyến hoạt động tình nguyện về xã vùng sâu vùng xa, các trung tâm nuôi trẻ khuyết tật… để thăm hỏi và tặng quà cho các em.
Thời gian dạy học chưa dài nhưng thầy Long cho rằng ngần ấy cũng đủ cho thầy nhận ra giá trị cuộc sống, giá trị của sự yêu thương, của tình cảm thầy trò…