5 gạch đầu dòng giúp tăng hiệu quả bồi dưỡng học sinh giỏi Văn

GD&TĐ - Để học sinh học tốt môn Ngữ văn đã khó, khơi cảm hứng học sinh có năng khiếu yêu thích, tập trung bồi dưỡng môn học này càng khó hơn bội phần.

5 gạch đầu dòng giúp tăng hiệu quả bồi dưỡng học sinh giỏi Văn

Từ thực tế dạy học tại Trường THCS Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre), cô Nguyễn Thị Ngọc Hạnh nhận thấy, vẫn có hiện tượng bồi dưỡng học sinh qua loa đối phó trong các kỳ thi; chọn học sinh theo chỉ tiêu, bồi dưỡng mang tính chất hình thức. Và vì nhiều lí do, có học sinh được chọn chưa phải là học sinh xuất sắc của bộ môn.

Bên cạnh đó, khi hoạch định chiến lược, giáo viên chưa tập trung và 6 mục tiêu dạy học sinh giỏi. Thường giáo viên mới chỉ tập trung vào ôn tập, nâng cao kiến thức cho học sinh mà quên đi các mục tiêu quan trọng khác. Như vậy vô tình làm hạn chế, hoặc triệt tiêu năng lực đặc biệt của học sinh; từ đó, ảnh hưởng đến hiệu quả của chiến lược bồi dưỡng.

Ngoài ra, việc tổ chức bồi dưỡng chưa thống nhất và không có tính thường xuyên; giáo viên chỉ tập trung vào học sinh khối 9 trong khi số học sinh được tuyển chọn ở các khối 6, 7, 8 chưa được chú trọng. Điều này ảnh hưởng đến việc phân loại học sinh khi xếp vào các khóa bồi dưỡng ở khối 9…

Lập và triển khai kế hoạch bồi dưỡng

Cô Nguyễn Thị Ngọc Hạnh cho rằng, để đạt được kết quả tốt trong bồi dưỡng học sinh giỏi Văn, việc đầu tiên cần chú ý là lập kế hoạch bồi dưỡng và triển khai kế hoạch bồi dưỡng đó.

Trong đó, việc lập kế hoạch gồm có: Kế hoạch tổ bộ môn có tính chất định hướng dài lâu và liên tục từ 6 đến 9 trong các năm học. Kế hoạch không cần dài dòng mà phải rất cụ thể. Nhìn vào kế hoạch, có thể hình dung ra các công việc trong năm. Giáo viên có thể vận dụng bản đồ tư duy vào việc lập kế hoạch này.

Với kế hoạch cá nhân giáo viên bộ môn phụ trách bồi dưỡng, yêu cầu cô động trong các nội dung kiến thức, mục tiêu cần hướng tới.

Khi triển khai kế hoạch, lưu ý: Tổ bộ môn triển khai đến giáo viên được phân công;

Giáo viên triển khai qua các hoạt động giảng dạy. Chú ý trong mỗi kế hoạch cần có điều chỉnh bổ sung, rút kinh nghiệm trong những năm học tới nhằm đảm bảo tính liên tục.

Chọn “hạt giống”

Theo cô Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, khâu dự nguồn là một bước quan trọng trong việc chuẩn bị nhân lực. Khi chọn giáo viên cần chú ý đến các tiêu chuẩn sau:

Đó phải là học sinh có thành tích xuất sắc trong bộ môn; có ý thức và khát vọng tìm hiểu kiến thức liên quan đến các môn học; có thái độ tự học và làm việc sáng tạo.

“Ở các lớp đầu cấp, chọn học sinh là một trong những bước vô cùng quan trọng, có thể ví von, đây là lúc chúng ta chọn hạt giống để gieo trồng. Chọn như thế nào là phụ thuộc vào tay nghề , kinh nghiệm của giáo viên” - cô Nguyễn Thị Ngọc Hạnh nhận định.

Những lưu ý trong công tác bồi dưỡng

Trong công tác bồi dưỡng, đầu tiên cô Nguyễn Thị Ngọc Hạnh lưu ý là giáo trình bồi dưỡng.

Chất lượng của giáo trình phụ thuộc vào tay nghề và kinh nghiệm của mỗi giáo viên. Mỗi giáo viên có một giáo trình riêng nhưng cùng hướng đến một mục đích chung là phát huy năng lực học sinh và đáp ứng được các mục tiêu đào tạo học sinh giỏi.

Chọn nội dung bồi dưỡng, phần này cũng được thể hiện ở giáo trình bồi dưỡng. Cụ thể, giáo viên chọn nội dung phù hợp với sức học của học sinh; nội dung nâng cao năng lực học sinh; nội dung phát huy tư duy sáng tạo và kích thích tinh thần tự học.

Sau giáo trình bồi dưỡng, giáo viên cần tập trung lựa chọn phương pháp bồi dưỡng và tài liệu.

Theo đó, cần chọn phương pháp phù hợp với đối tượng học sinh, góp phần phát huy tính sáng tạo, kích thích tính tự học của các em.

Với tài liệu, giáo viên chọn và hướng dẫn học sinh tự chọn. Đừng đưa cho các em quá nhiều tài liệu, khiến các em lúng túng khi tìm hiểu chúng.

Ở lứa tuổi THCS dù có giỏi nhưng học sinh vẫn chưa đủ kĩ năng để chọn lọc các kiến thức bổ ích từ những tài liệu đó. Và các em không thể tự học một khi giáo viên chưa hướng dẫn cho các em phương pháp tự học.

“Nên lưu ý, chỉ đưa những tài liệu đã kiểm soát và đưa ít, từ dễ đến khó, từ thấp đến cao. Hướng dẫn các em “chọn cho tinh, đọc cho kĩ”, đọc ít mà hiểu nhiều, đọc tài liệu để vận dụng vào thực hành chứ không phải đọc để lấy số lượng hoặc copy. Cùng với điều này, việc hướng dẫn học sinh tự học cũng vô cùng quan trọng” - cô Nguyễn Thị Ngọc Hạnh nhấn mạnh. 

Cô Nguyễn Thị Ngọc Hạnh cho rằng, có thể dùng bản đồ tư duy trong một số trường hợp: Tổng hợp kiến thức một chương, một bài, một học kì, một giai đoạn văn học; vận dụng trong việc lập dàn ý và xây dựng hệ thống luận điểm ở kiểu bài nghị luận…

Ngoài ra, giáo viên cũng lưu ý, trong quá trình kiểm tra đánh giá, tôn trọng sự sáng tạo của học sinh, tránh gò bó học sinh theo khuôn mẫu. Cần chú trọng phát hiện khả năng nổi trội của các em ví dụ như cách diễn đạt mang đặt trưng của từng em, hay cách cảm nhận, phân tích có sáng tạo cá nhân. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.