Kinh nghiệm tổ chức ngoại khóa dạy học Ngữ văn

GD&TĐ - Làm thế nào để tổ chức linh hoạt các hình thức ngoại khóa nhằm kích thích hứng thú học tập môn Ngữ văn đã trở thành một trong những mục tiêu hàng đầu của tổ bộ môn Ngữ văn ở các trường THPT.

Kinh nghiệm tổ chức ngoại khóa dạy học Ngữ văn

Thầy Châu Văn Minh - giáo viên Trường THPT Diệp Minh Châu (Bến Tre) - nhận định: Hiện nay, giáo viên chưa quan tâm đúng mức, chưa có kinh nghiệm tổ chức hoạt động hướng dẫn học sinh cách tiếp cận tác phẩm văn học theo cảm nhận riêng của các em nên kết quả tổ chức ngoại khóa ở môn học này chưa cao, chưa được như ý muốn.

Bên cạnh đó, chưa có tài liệu chính thống nào hướng dẫn tổ chức các hoạt động ngoại khóa văn học nên giáo viên chỉ làm theo kinh nghiệm. Cách tổ chức thông thường là cho câu hỏi gợi ý, sau đó tập trung học sinh, gọi từng em lên trả lời; giáo viên tính điểm cá nhân hoặc thi đua trên lớp.

Chia sẻ cách thức tổ chức ngoại khóa một cách linh hoạt, sáng tạo, cô Trần Thị Lan Ngọc - giáo viên Trường THPT Diệp Minh Châu (Bến Tre) - cho rằng: Điều quan trọng đầu tiên là yêu cầu tổ bộ môn phải có kế hoạch chủ động chuẩn bị ngay từ đầu năm học.

Giáo viên sẽ lập kế hoạch chung trên cơ sở được phân công từ kế hoạch công tác năm học của nhà trường và tổ chuyên môn để có sự thống nhất, đồng bộ trong hoạt động giảng dạy của cả năm học.

„Việc xác định đề tài, hình thức tổ chức, đối tượng tham gia ngoại khóa, thời gian tổ chức... cần thực hiện ngay từ đầu năm học” - cô Trần Thị Lan Ngọc nhấn mạnh.

Sau bước lập kế hoạch, giáo viên xác định các hình thức ngoại khóa. Có thể kể đến các hình thức sau: Hái hoa học tập; tóm tắt về xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung và nghệ thuật các tác phẩm; trình bày theo chủ đề; tóm tắt về tiểu sử, sự nghiệp văn học, phong cách nghệ thuật của các tác giả;

Diễn kịch một trích đoạn văn học trong chương trình chính khóa; thi diễn xướng Văn học dân gianvẽ tranh văn học; lễ hội hóa trang văn học; thi viết thư pháp theo chủ đề.

Với hình thức hái hoa học tập: Giáo viên ra câu hỏi trước, sau đó, tổ chức tập trung học sinh trả lời theo hình thức bốc thăm. Kết quả trả lời tính vào kết quả học tập trên lớp theo cá nhân hoặc theo nhóm.

Hình thức diễn kịch một trích đoạn văn học trong chương trình chính khóa đòi hỏi giáo viên theo sát hướng dẫn học sinh từ cách chọn trích đoạn, viết kịch bản, chọn học sinh làm diễn viên, trang phục...

Hình thức thi diễn xướng văn học dân gian có thể sử dụng: Hò đối đáp theo chủ đề, hát dân ca theo miền... Giáo viên hỗ trợ học sinh chủ đề bài hát, chọn học sinh có chất giọng, có khả năng ứng phó tình huống hoặc có óc hài hước tham gia diễn xướng...

Vẽ tranh Văn học: Thi vẽ tranh theo phong cảnh được tái hiện từ cảm nhận của học sinh qua một số đoạn trích hoặc bài thơ nào đó có trong chương trình. Ngoài ra, giáo viên cũng có thể cho học sinh vẽ chân dung tác giả, chân dung nhân vật... Ở hình thức này, đòi hỏi giáo viên phải cung cấp tư liệu cho học sinh và giám sát, hỗ trợ quá trình chuẩn bị và thực hiện.

Lễ hội hóa trang văn học: Tổ chức cho học sinh hóa trang thành tác giả văn học, nhân vật trong tác phẩm hoặc các nhân vật lịch sử có liên quan đến văn học...

Khi thực hiện, giáo viên cần xác định những công việc chính, mục tiêu cụ thể của buổi ngoại khóa theo chủ đề. Cụ thể: Kiến thức cơ bản cần cung cấp; các tình huống dự kiến từ buổi ngoại khóa và hướng giải quyết cụ thể; cho học sinh nêu bài học và cảm nghĩ sau buổi ngoại khóa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hoa sở nở rộ tạo ra những 'bức tường hoa' giữa núi rừng Bình Liêu.

Hoa sở phủ trắng núi rừng Bình Liêu

GD&TĐ - Khi mùa Đông đến cũng là lúc loài hoa sở mộc mạc, thanh khiết trên đỉnh núi cao huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) bắt đầu nở rộ.