5 “bí kíp” giúp giáo viên thành công với Thông tư 30

GD&TĐ - Ông Hà Huy Giáp - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD&ĐT Bắc Giang  chia sẻ bí quyết để giáo viên dễ dàng hơn trong viết nhận xét, giúp học sinh tiến bộ trong học tập, rèn luyện hình thành phẩm chất và năng lực theo đúng mục đích của Thông tư 30.

5 “bí kíp” giúp giáo viên thành công với Thông tư 30

Kỹ năng đầu tiên: Năng lực quan sát

Việc đầu tiên, vô cùng quan trọng là giáo viên cần phải rèn năng lực quan sát học sinh hoạt động.

Để có năng lực quan sát, đòi hỏi giáo viên phải kiên trì quan sát chi tiết, tỉ mỉ, cụ thể việc học và hoạt động của học sinh.

Tránh từ một biểu hiện nhỏ mà nhận định, đánh giá cả một quá trình phấn đấu của học sinh.

Quan sát học sinh là phải bao quát được mọi hoạt động từ hoạt động học trong lớp đến các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp để giúp giáo viên có thông tin một cách chắc chắn về các biểu hiện của học sinh ở tất cả các mặt.

Giáo viên phải gần gũi, biết lắng nghe học sinh để hiểu được tâm tư, nguyện vọng của từng em.

Điều này rất có ý nghĩa bởi chỉ khi giáo viên vừa là thầy, vừa là bạn của học sinh mới thực sự hiểu được các em nghĩ gì, cần gì và mong muốn gì; từ đó sẽ có những nhận xét, phương án giúp đỡ tốt nhất để các em thay đổi về hành vi, thái độ.

Kỹ năng cho lời nhận xét

Ghi nhận xét thường xuyên thông qua việc chắt lọc và phân tích các thông tin về học sinh là việc làm rất quan trọng với giáo viên.

Những nhận xét của giáo viên cần chứa đựng những tâm tư, tình cảm và cả sự tâm huyết sâu sắc về mỗi học sinh.

Khi giáo viên nêu rõ, cụ thể về ưu điểm, hạn chế của học sinh đồng thời đưa ra hướng giải quyết phù hợp sẽ giúp các em tìm được phương pháp học tập và rèn luyện tốt nhất.

Mỗi giáo viên cần tham gia tích cực vào sinh hoạt chuyên môn tại trường để chia sẻ học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp về viết nhận xét học sinh.

Trong sinh hoạt chuyên môn, mỗi giáo viên hãy đưa ra những minh chứng về bài làm của học sinh hay video, hình ảnh ghi lại hoạt động của học sinh để cùng nhau thảo luận, phân tích và viết những nhận xét.

Từ đó giáo viên sẽ hình thành được năng lực quan sát, ghi chép về các mặt hoạt động của mỗi học sinh trong lớp.

Với cách cộng tác như vậy giáo viên sẽ hiểu biết sâu sắc hơn về đặc điểm tâm lý, năng lực của học sinh đồng thời học được những sáng kiến nhận xét hay, có ý nghĩa giáo dục học sinh từ đồng nghiệp.

Tổ chức hoạt động dạy học: Mạnh dạn lược nội dung hàn lâm

Khi đã có những nhận xét sát thực về mỗi học sinh, việc quan trọng nhất của giáo viên là tổ chức hoạt động dạy - học và hoạt động giáo dục phù hợp để giúp các em học sinh tiến bộ.

Đối với hoạt động dạy - học, giáo viên cần mạnh dạn lược bớt những nội dung trong sách giáo khoa mang tính hàn lâm, lý thuyết, ít có ý nghĩa với học sinh.

Bổ sung vào đó là những nội dung gần gũi với cuộc sống hằng ngày của các em, nội dung mang tính địa phương để học sinh được suy nghĩ, trải nghiệm, khám phá, bộc lộ bản thân, tự học và tự giải quyết vấn đề.

Giáo viên cần coi trọng việc thiết kế và tổ chức hoạt động học theo nhóm cộng tác ở mỗi giờ học.

Thông qua việc học nhóm học sinh sẽ chủ động đặt câu hỏi và giải quyết vấn đề trong học tập; mạnh dạn tự tin trao đổi, hợp tác với bạn bè; kĩ năng làm việc theo nhóm, các kỹ năng xã hội,... được hình thành và phát triển.

Tổ chức hoạt động giáo dục: Không làm thay, làm hộ học sinh

Đối với hoạt động giáo dục, giáo viên cần tổ chức các hoạt động giáo dục đa dạng, phong phú như hoạt động tự quản, tự phục vụ; trang trí trường lớp học; tìm hiểu lịch sử địa phương; hoạt động trải nghiệm thực tế ở địa phương,…

Trong mỗi hoạt động giáo dục, giáo viên cần tạo điều kiện và khuyến khích các em chủ động trong việc tổ chức điều khiển và tự quản các hoạt động, tích cực tham gia vào các khâu lập kế hoạch, phân công nhiệm vụ, tổ chức thực hiện và đánh giá các hoạt động của mình. Người lớn tránh làm thay, làm hộ học sinh.

Quá trình đó giúp các em hình thành thói quen tự quản, tự phục vụ như biết sắp xếp chỗ ngồi, phân loại đồ dùng, sách vở, sử dụng sách thư viện, vệ sinh lớp học khi ở trường, đặc biệt là năng lực giao tiếp, kĩ năng hợp tác nhóm, kĩ năng xã hội được rèn luyện và phát triển.

Hình thành ý thức phụ huynh cần chủ động gặp giáo viên

Giáo viên cần phối hợp chặt chẽ với gia đình trong việc giáo dục học sinh. Qua đó giáo viên sẽ có cái nhìn toàn diện về học sinh khi đánh giá các em.

Để thực hiện tốt việc phối hợp giáo viên nên tạo được sự thay đổi trong suy nghĩ và hành động của phụ huynh, ngoài việc giáo viên chủ động đến thăm gia đình học sinh để phối hợp giáo dục thì rất cần thiết hình thành ý thức từ phụ huynh lcần phải chủ động gặp giáo viên để phối hợp giáo dục.

Giáo viên trao đổi với phụ huynh, tích cực hướng dẫn con em mình tự làm một số việc để phục vụ bản thân như đánh răng, rửa mặt, gập chăn màn, mặc quần áo, sắp xếp sách vở và đồ dùng học tập,... phù hợp với lứa tuổi và khả năng đồng thời hoàn thành các bài vận dụng thực hành ở nhà và ngoài xã hội.

Giáo viên cũng cần thường xuyên đề xuất với cán bộ quản lý nhà trường tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị tổ chức các hoạt động tập thể theo hướng tất cả học sinh được tham gia và tham gia một cách chủ động để có cơ hội được hình thành phẩm chất, năng lực theo yêu cầu của Thông tư 30.

Việc đánh giá học sinh bằng nhận xét thay cho điểm số trong đánh giá thường xuyên là bước chuyển lớn trong tư duy và nhận thức của mỗi giáo viên.

Trong quá trình triển khai thực hiện, vấn đề khó khăn nhất của giáo viên là làm sao có được những nhận xét cụ thể, tỉ mỉ và mang tính giáo dục cao; đồng thời tìm ra các giải pháp giúp hình thành cho học sinh năng lực, phẩm chất và kiến thức kĩ năng môn học.

Ông Hà Huy Giáp

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.