Bài học kinh nghiệm từ đánh giá không điểm số

GD&TĐ - Ông Bùi Anh Tuấn - Trưởng phòng giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Nam Định, cho biết, cấp tiểu học của tỉnh đã tiến hành nhiều giải pháp quyết liệt nhằm thực hiện hiệu quả cách đánh giá mới với học sinh tiểu học (Thông tư 30), giúp các em có niềm tin, nhẫn nại, ý chí tiến bộ, hoàn thiện bản thân mỗi ngày.

Bài học kinh nghiệm từ đánh giá không điểm số

Những khó khăn ban đầu

Sau một học kì triển khai, thực hiện Thông tư 30 tại Nam Định, theo ông Bùi Anh Tuấn, hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên đã thực hiện đánh giá học sinh theo đúng tinh thần của Thông tư.

Tuy nhiên, một bộ phận giáo viên trong quá trình thực hiện vẫn còn có những hạn chế. Đó là, giáo viên vẫn rút ra nhận xét trên cơ sở kết quả học tập của học sinh, chưa chú trọng đến quá trình hình thành ra kết quả.

Vì thế, nhiều nhận xét chung chung, giống nhau giữa các học sinh, chưa chỉ rõ nguyên nhân và biện pháp khắc phục những sai sót của học sinh trong quá trình làm bài.

Thứ hai: Do ảnh hưởng của việc cho điểm từ xưa đến nay nên một số giáo viên còn có thói quen quy đổi từ điểm số sang nhận xét.

Ví dụ như: Bài làm tốt, Bài làm khá tốt mà chưa hình thành kĩ năng sử dụng các động từ để chỉ ra các biện pháp khắc phục cho học sinh.

Thứ ba: Một số giáo viên dạy các môn ít giờ sử dụng những chứng cứ của mỗi bài học theo cách đánh giá của thông tư 32 trước đây chuyển thành nhận xét, đánh giá học sinh.

Bên cạnh những việc làm đã được triển khai theo đúng kế hoạch, Nam Định đặc biệt quan tâm đến tổ chức hội thảo các cấp nhằm giải đáp những khó khăn vướng mắc, giúp giáo viên biết khen gì, nhận xét như thế nào như thế nào nếu học sinh chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Tận dụng trí tuệ tập thể

Ông Bùi Anh Tuấn cho biết: Trong quá trình chỉ đạo thực hiện Thông tư 30 tại Nam Định, chúng tôi nhận thấy để thực hiện tốt và có hiệu quả thông tư 30/2014 cần làm tốt công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức trong cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh học sinh và cộng đồng;

Chủ động linh hoạt trong xây dựng kế hoạch; ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện. Cán bộ chuyên viên Sở GD&ĐT đến tận các cơ sở chỉ đạo, hỗ trợ đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên cốt cán kịp thời giúp đỡ tháo gỡ khó khăn cho giáo viên.

Đồng thời, yêu cầu các nhà trường quan tâm đánh giá tất cả học sinh, đặc biệt là đối tượng học sinh yếu, học sinh khuyết tật học hòa nhập; yêu cầu giáo viên lập kế hoạch đánh giá theo từng môn và từng đối tượng học sinh, hoàn thành nhận xét ngay tại lớp; tăng cường kiểm tra nhằm điều chỉnh và hỗ trợ giáo viên trong quá trình triển khai thực hiện.

Trước các buổi hội thảo, tập huấn, Sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường chọn bài làm của học sinh có nhận xét của giáo viên để cùng phân tích trong các buổi hội thảo.

Trong các buổi thảo luận, giáo viên cũng đưa ra các tình huống xảy ra trong thực tế dạy học cùng trao đổi thảo luận, chia sẻ kĩ thuật đánh giá thường xuyên hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng đối với từng môn học, từng đối tượng học sinh;

Các biện pháp giúp đỡ, động viên giúp học sinh hoàn thành nội dung học tập theo chuẩn kiến thức kĩ năng từng bài học đồng thời có những tác động nhằm hình thành phẩm chất, năng lực cho học sinh cũng được các giáo viên hào hứng trao đổi.

Suy ngẫm từ những lời nhận xét

Đặc biệt, theo ông Bùi Anh Tuấn, tại các buổi hội thảo, giáo viên tích cực chia sẻ cách sử dụng những từ ngữ phù hợp với việc đưa ra một thông báo hiệu quả nhằm cải thiện phẩm chất và năng lực học sinh.

Ví dụ như cách sử dụng động từ đơn giản để mô tả các điểm mạnh của mỗi học sinh trong đánh giá bằng nhận xét của mình: “Em hãy cố gắng, cố gắng làm ...”, “Em hãy tiếp tục nhờ sự giúp đỡ của ....”, “Khuyến khích em với việc .....”;

“Công việc ... em chưa hoàn thành tốt vì kinh nghiệm của em chưa nhiều.”, “ Em sẽ được các bạn biểu dương nếu em làm được....”, “ Làm được ... em sẽ thấy vui hơn.”, “ Sẽ dành thêm thời gian để em hoàn thành ...”, “Em hãy cố gắng, nỗ lực để cha mẹ hài lòng”…

Cũng tại Hội thảo, cán bộ quản lý và giáo viên cùng chia sẻ cách đánh giá về phẩm chất và năng lực đối với từng môn học.

Ví dụ đối với môn Toán có thể đánh giá như sau:

Em có một thái độ tuyệt vời và có thể nhanh chóng tiếp cận những cách giải mới mẻ mà chúng vừa được tiếp thu.

Em nhanh chóng cải thiện kết quả môn toán và sẽ đạt được kết quả như mong đợi vào cuối năm.

Em có thể không hoàn thành được môn Toán bởi vì em chưa thích môn học. Thày/ cô có thể chỉ cho em những lỗi sai mà em mắc phải, nếu kịp thời sửa chữa, em sẽ tiến bộ.

Các bạn đã giúp em giải quyết các vấn đề về bài tập. Em sẽ tiến bộ hơn nếu có sự giúp đỡ và hỗ trợ của các bạn.

Môn tiếng Việt: Em nên viết ngắn gọn và rõ ràng để người khác có thể đọc, hiểu và thưởng thức được câu chuyện của các em.

Em cần quan tâm hơn việc học từ ngữ Kết quả trên lớp sẽ đạt kết quả tốt hơn.

Em thường có khả năng đọc và tiếp thụ những thứ cao hơn khả năng của bản thân, nhưng khi chọn những cuốn sách thì lại thường chọn những thứ có giá trị kiến thức thấp hơn năng lực bản thân. Chính vì thế em đọc những cuốn sách có tầm kiến thức cao hơn những gì các em biết.

Môn Khoa học: Em thực sự đã tiến bộ. Chúng tôi cảm thấy tự hào về những nỗ lực của em trong học tập và chúng tôi biết em sẽ còn làm được tốt hơn thế trong những lần tiếp theo.

Bài kiểm tra khoa học thực sự khó với em vì em không đủ tập trung trong giờ học.

Em có một chút thích thú với khoa học nhưng bất chấp với những nỗ lực mà chúng tôi cố gắng để cho chúng trở nên thú vị. Trên thực tế nếu kết quả và sự tham gia lớp học của em không được cải thiện, chúng tôi lo ngại rằng các em sẽ phải học thêm môn học này vào mùa hè.

Cùng với việc tăng cường các buổi hội thảo sinh hoạt chuyên môn, Sở GD&ĐT Nam Định cũng hướng dẫn các nhà trường tiểu học tổ chức tốt việc đánh giá học sinh về mức độ hình thành phát triển phẩm chất và năng lực, năng khiếu hứng thú từng môn học vào cuối học kì I và cuối năm học giúp các em có động lực phấn đấu vươn lên trong học tập và rèn luyện.

Bên cạnh việc đánh giá chính xác học sinh, các nhà trường cũng được hướng dẫn tổ chức khen thưởng thông qua hình thức học sinh bình bầu các bạn có thành tích nổi bật trong học tập cũng như trong các hoạt động chung của lớp, của trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ