Bốn thay đổi gắn cùng đánh giá không điểm số

GD&TĐ - Ông Nguyễn Sỹ Thư - Giám đốc Sở GD&ĐT Kom Tum cho rằng: Quy định mới trong đánh giá học sinh tiểu học không chỉ yêu cầu đổi mới hoạt động giáo dục mà gắn chặt với nó là việc đổi mới đánh giá định kỳ; nghiệm thu, bàn giao chất lượng giáo dục; đổi mới khen thưởng và sử dụng sổ theo dõi chất lượng giáo dục...

Bốn thay đổi gắn cùng đánh giá không điểm số

Đổi mới đánh giá định kỳ kết quả học tập

Ông Nguyễn Sỹ Thư cho biết, ở tiểu học, đánh giá cuối học kỳ I và cuối năm học các môn Toán, Tiếng Việt, Khoa học, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ, tiếng dân tộc bằng bài kiểm tra định kỳ.

Ở bài kiểm tra này, tỷ lệ số câu, số điểm theo các mức và hình thức câu hỏi (trắc nghiệm khách quan, tự luận, hình thức khác) do Hiệu trưởng quyết định; nhưng đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng, gồm các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo ba mức độ nhận thức, phù hợp với đối tượng học sinh là: Nhận biết, tái hiện và giải quyết các tình huống.

Mặc dù không xem nặng đánh giá bằng điểm số nhưng qua kết quả đánh giá định kỳ của từng học sinh, giáo viên phải điều chỉnh hoạt động dạy học, tăng cường phân loại học sinh theo nhóm đối tượng về kiến thức và các kỹ năng để có các biện pháp hỗ trợ học sinh kịp thời.

Trong trường hợp cuối năm học, học sinh đạt điểm dưới 5 một trong các môn học trên, giáo viên có trách nhiệm tiếp tục giúp đỡ, tổ chức kiểm tra đánh giá lại (cần linh hoạt, không quy định mấy lần kiểm tra).

Tùy mức độ chưa hoàn thành, giáo viên báo cáo với Hiệu trưởng xem xét, quyết định việc lên lớp hoặc ở lại lớp đối với học sinh.

Cuối học kì, cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm phải có sự trao đổi trực tiếp với giáo viên phân môn để có nhận xét cho thỏa đáng, phản ánh cụ thể quá trình và kết quả học tập, hoạt động giáo dục khác và về năng lực, phẩm chất của từng HS.

Nâng chất nghiệm thu, bàn giao chất lượng giáo dục

Việc nghiệm thu, bàn giao chất lượng giáo dục học sinh, theo ông Nguyễn Sỹ Thư, từ nhiều năm nay các trường tiểu học đã thực hiện nhưng không ít trường triển khai thiếu bài bản, chưa đảm bảo tính khách quan, còn hình thức và đối phó.

Nghiệm thu, bàn giao chất lượng học sinh cuối năm học hoặc cuối cấp học nhằm gắn trách nhiệm của giáo viên dạy lớp năm học trước và giáo viên nhận lớp ở năm học sau; giúp giáo viên nhận lớp trong năm học tiếp theo có đủ thông tin cần thiết về quá trình và kết quả học tập, mức độ hoàn thành và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh để có kế hoạch, biện pháp giáo dục hiệu quả.

Việc xét hoàn thành chương trình tiểu học và nghiệm thu, bàn giao chất chất lượng học sinh, do đó, phải thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ để thấy được “sản phẩm” (chất lượng) học sinh, để các lớp (cấp học) tiếp theo có biện pháp giúp đỡ, nhất là những học sinh còn hạn chế về kiến thức, các kĩ năng và năng lực.

Đổi mới công tác khen thưởng

Nội dung tiếp theo cần đổi mới là công tác khen thưởng. Giám đốc Nguyễn Sỹ Thư cho rằng, cuối học kỳ I và cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn học sinh bình bầu những học sinh đạt thành tích nổi bật hay có sự tiến bộ vượt bậc về một trong ba nội dung đánh giá trở lên, đạt thành tích nổi bật trong các phong trào thi đua hoặc thành tích đột xuất khác.

Tùy theo điều kiện mỗi trường, Hiệu trưởng sẽ quyết định về nội dung, số lượng học sinh được khen thưởng. Hiệu trưởng không nên tính bình quân tỷ lệ phần trăm từng lớp, khối lớp.

Tuy nhiên để động viên, khuyến khích học sinh, Hiệu trưởng cần mở rộng đối tượng và số lượng học sinh được khen thưởng, song cũng không nên khen thưởng “tràn lan” với số lượng quá nhiều và khen thưởng không đúng đối tượng sẽ làm mất tác dụng động viên và tạo sự ỷ lại trong việc cố gắng rèn luyện vươn lên của học sinh.

Nội dung khen thưởng ghi cụ thể trong giấy khen: Thành tích nổi bật hay có tiến bộ vượt bậc về một trong ba nội dung đánh giá trở lên, đạt thành tích nổi bật trong các phong trào thi đua hoặc thành tích xuất sắc khác. Không có danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến.

Lưu ý với sổ theo dõi chất lượng giáo dục

Đối với sổ theo dõi chất lượng giáo dục của giáo viên phân môn, ông Nguyễn Sỹ Thư lưu ý, do phần nhận xét thường xuyên của môn học và hoạt động giáo dục (kiến thức, kĩ năng) và năng lực, phẩm chất, mỗi học sinh chỉ có 1 dòng, nên giáo viên chủ yếu ghi chép những điều đặc biệt cần lưu ý để tìm biện pháp hỗ trợ học sinh ở tháng tiếp theo (những gì hàng ngày, hàng tuần đã giải quyết không nên ghi lại).

Riêng đối với giáo viên dạy cùng 1 lớp đối với 2 - 3 phân môn, trong nhận xét không nhất thiết ghi từng môn, chỉ ghi những điều đáng lưu ý của môn học đó.

Giáo viên chủ nhiệm ghi nhận xét hàng tháng của từng học sinh thông qua sổ theo dõi chất lượng giáo dục của giáo viên phân môn, hoặc trao đổi trực tiếp với giáo viên phân môn về những học sinh có “vấn đề” cần lưu ý, phải quan tâm... 

Mục đích lời nhận xét thường xuyên hàng tháng, chủ yếu là để CBQL kiểm tra, theo dõi việc nhận xét đánh giá của giáo viên về kiến thức, kĩ năng, năng lực và phẩm chất của học sinh lớp đó, để theo dõi biện pháp của giáo viên tác động đối với học sinh từng tháng như thế nào, sự tiến bộ của học sinh ra sao qua từng tháng.

Việc giáo viên ghi học bạ từng học sinh phải cụ thể, dùng từ ngữ chuẩn xác, phản ánh được khả năng từng môn học, các năng lực và các phẩm chất của từng HS để học sinh chuyển trường hoặc kết thúc năm học, lên lớp (cấp) học trên, giáo viên khác có cơ sở để theo dõi và tiếp tục có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ học sinh.

Đối với tất cả giáo viên (giáo viên phân môn, giáo viên chủ nhiệm) ngoài sổ theo dõi chất lượng giáo dục, nên thiết lập 1 sổ nhật ký để hàng ngày, hàng tuần ghi chép lại những điều cần quan tâm đối với những học sinh có “vấn đề” để có biện pháp giúp đỡ.

Việc đánh giá học sinh theo Thông tư 30, bước đầu có thể chưa quen, nhiều học sinh, phụ huynh chắc sẽ có sự bỡ ngỡ, đây là điều tất nhiên.

Khi chúng ta chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác thì chắc chắn sẽ có người băn khoăn. Việc đánh giá học sinh bằng cách cho điểm có ưu điểm là định lượng được kết quả học tập nhưng dẫn đến hệ quả không tốt là có sự so sánh giữa học sinh này với học sinh khác.

Với mỗi điều kiện hoàn cảnh khác nhau thì học sinh sẽ có kết quả học tập khác nhau nên việc so sánh là rất “khập khễnh”. Chính vì thế, Bộ GD&ĐT có chủ trương là không coi trọng cho điểm số trong quá trình đánh giá mà cần coi trọng hơn là thông qua đánh giá để giúp đỡ học sinh học tập tốt hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ