Để góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình đánh giá không điểm số học sinh tiểu học, phóng viên báo Giáo dục và Thời đại trao đổi với ông Vũ Duy Cảng - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD&ĐT Thanh Hóa - địa phương triển khai rất tốt nội dung này.
Những chuẩn bị kĩ lưỡng, từng bước tiến dần đến Thông tư 30
- Nhiều người cho rằng, cách đánh giá mới đối với học sinh tiểu học giáo viên tiếp cận khó khăn vì phải ghi nhận xét nhiều và không dễ khi lựa chọn câu nhận xét phù hợp với từng đối tượng học sinh. Theo ông, cách đánh giá theo Thông tư 30 có phải hoàn toàn mới?
Xin trao đổi như sau: Đúng là đánh giá học sinh theo Thông tư 30 có nhiều điểm mới so với cách đánh giá theo các Thông tư và Quyết định trước đây.
Cụ thể là, không cho điểm số trong đánh giá thường xuyên, thay vào đó là nhận xét để động viên sự tiến bộ của học sinh, nhận xét để giúp đỡ kịp thời những mặt học sinh còn hạn chế.
Thông tư 30 ra đời là kết quả của sự chuẩn bị kĩ lưỡng, từng bước qua nhiều năm.
Ngoài đánh giá kết quả học tập các môn học và hoạt động giáo dục, còn quan tâm đến đánh giá sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh; kết hợp đánh giá của nhiều lực lượng tham gia giáo dục.
Bản chất của việc đánh giá học sinh theo Thông tư 30 là đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh.
Để có sự ra đời của Thông tư 30, đã có sự chuẩn bị từ nhiều năm trước đó: Quyết định 30 ngày 30/9/2005 của Bộ ban hành Quy định đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học (thay thế Thông tư 15 ban hành năm 1995) đã quy định một số môn học: Đạo đức, Thể dục, Tự nhiên và Xã hội, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mỹ thuật, Kĩ thuật đánh giá bằng nhận xét, không cho điểm;
Thông tư 32 ngày 27/10/2009 của Bộ (thay thế Quyết định 30) nhấn mạnh các môn đánh giá bằng điểm số cũng phải kèm theo nhận xét.
Nhận xét của các môn đánh giá bằng điểm số gần giống với nhận xét theo Thông tư 30, còn nhận xét của các môn không cho điểm theo Quyết định 30 và Thông tư 32 chỉ là đánh dấu “tích” trên cơ sở đạt được những chứng cứ nhất định (gần giống đóng dấu câu nhận xét).
Năm học 2013 - 2014, thực hiện đánh giá học sinh lớp một bằng nhận xét không cho điểm số ở tất cả các môn học và hoạt động giáo dục. Đó là sự chuẩn bị kĩ lưỡng và từng bước tiến dần đến Thông tư 30.
Việc giáo viên phải ghi nhận xét nhiều, quá vất vả và tốn thời gian, Bộ đã có hướng dẫn giải đáp câu hỏi này cho giáo viên tại Công văn số 6169/BGDĐT-GDTH ngày 29/10/2014. Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã và sẽ tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh Sổ theo dõi chất lượng giáo dục để giáo viên thực hiện nhẹ nhàng và hiệu quả hơn.
Không bình quân việc ghi nhận xét
- Một số giáo viên dạy học các môn đặc thù như Mĩ thuật, Âm nhạc băn khoăn, vì dạy môn ít giờ nên phải dạy nhiều học sinh, và vì thế phải nhận xét nhiều học sinh, chắc chắn các câu nhận xét sẽ trùng lặp nhiều. Ông có gợi ý gì cho các giáo viên này?
Mỗi học sinh có tố chất khác nhau, nhận thức về một vấn đề cũng khác nhau, từ đó dẫn đến kết quả học tập các môn học và sự hình thành, phát triển các năng lực, phẩm chất cũng khác nhau, và vì thế nhận xét cho mỗi em cũng phải khác nhau.
Tuy nhiên, chọn lựa những câu nhận xét khác nhau phù hợp cho từng học sinh (với số lượng học sinh lớn) là không dễ.
Giáo viên phải quen dần với cách làm này đến mức thuần thục, khi đó mới có thể có những nhận xét hay, phù hợp với từng học sinh riêng biệt.
- Theo ông, ghi nhận xét kết quả học tập các môn học và sự hình thành, phát triển các năng lực phẩm chất của học sinh vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục nên ghi ngay trong tiết học và hoạt động giáo dục hay cuối tháng mới ghi?
Sổ theo dõi chất lượng giáo dục dùng để ghi chép, theo dõi thường xuyên kết quả học tập các môn học và sự hình thành, phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh.
Vì vậy, phải ghi chép thường xuyên thông qua hoạt động học tập các môn học và hoạt động giáo dục, không nên để dồn cuối tháng mới ghi.
Có những môn học, một học sinh, một tháng có thể ghi đến vài nhận xét, trong khi đó một học sinh khác có thể vài tháng mới ghi một lần, không bình quân tất cả học sinh phải ghi số lượng nhận xét như nhau.
Nhìn vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục có thể thấy được sự tiến bộ của học sinh qua từng giai đoạn học tập, vì thế câu nhận xét phải vừa động viên được sự tiến bộ của học sinh, vừa giúp thấy được những mặt học sinh còn hạn chế để giúp đỡ kịp thời.
Không nhất thiết phải phân loại, phải so sánh học sinh
- Có một số giáo viên thắc mắc: Tại Điều 14 Thông tư 30, xét hoàn thành chương trình lớp học, những môn đánh giá bằng điểm số chịu tác động ảnh hưởng tới 2 lần vào việc xét lên lớp (nhận xét: hoàn thành - chưa hoàn thành và điểm số kiểm tra cuối năm) thì có bất hợp lí không?
Điểm số kiểm tra cuối năm cũng góp phần vào xét hoàn thành hay chưa hoàn thành đối với môn học.
Nếu điểm kiểm tra cuối năm đạt 5 trở lên nhưng môn học ấy vẫn còn một số nội dung học sinh chưa hoàn thành thì vẫn phải giúp đỡ hoặc lưu lại lên lớp trên giúp đỡ để tiếp tục hoàn thành.
Nếu điểm kiểm tra dưới 5 thì giáo viên giúp đỡ tập trung vào những nội dung còn yếu để kiểm tra lại, điểm kiểm tra lại đạt điểm 5 trở lên cũng coi như học sinh đã hoàn thành môn học.
- Không chỉ giáo viên mà nhiều phụ huynh băn khoăn: Việc đánh giá học sinh theo hai mức: Hoàn thành và Chưa hoàn thành hoặc Đạt và Chưa đạt, phụ huynh không hiểu được con mình hoàn thành ở mức độ nào và đạt ở mức độ nào?
Băn khoăn của giáo viên và phụ huynh cũng là điều tất yếu vì theo thói quen bao lâu nay đánh giá bằng điểm số và xếp loại, phụ huynh luôn luôn quan tâm và muốn biết: Hôm nay con kiểm tra bài gì, được mấy điểm hoặc con xếp loại học lực nào? Nay những thứ đó không còn nữa nên bước đầu tiếp cận Thông tư 30 khiến một số người hoang mang.
Nhưng đây cũng chính là một trong những mục đích ban hành Thông tư: Đánh giá cần nhẹ nhàng, động viên, khích lệ sự tiến bộ của học sinh, đánh giá vì học sinh và vì sự tiến bộ của học sinh chứ không vì những thứ gì khác.
Học sinh tiểu học hoàn thành các nhiệm vụ học tập và rèn luyện là đáng yêu và đáng quý rồi, không nhất thiết phải phân loại, phải so sánh dễ tạo ra những mặc cảm, tự ti không nên có ở các em.
Còn chất lượng của con em họ đến đâu sẽ được thể hiện qua cuộc sống hằng ngày bằng quan sát: Cháu có lễ phép không, có gọn gàng ngăn nắp không, có biết tự phục vụ không, hoặc kiểm tra thử xem cháu có làm được bài không, có trả lời được câu hỏi trong phạm vi các bài đã học không. Đó mới là chất lượng đích thực.
- Xin cảm ơn ông!
- Một số giáo viên băn khoăn, liệu có nhất thiết phải lưu giữ giấy chứng nhận, giấy khen, xác nhận thành tích của học sinh trong hồ sơ học sinh không, và khi học sinh chuyển trường thì hồ sơ mang đi gồm những loại nào? Mong ông giải đáp.
Cũng như sổ theo dõi chất lượng giáo dục, là một loại sổ có trong hồ sơ đánh giá học sinh, tuy nhiên không nhất thiết phải bỏ vào hồ sơ của từng học sinh mà có thể đó là tài liệu quản lí chung của nhà trường.
Giấy khen hoặc giấy chứng nhận cũng vậy, đã phát cho học sinh, không nhất thiết phải nộp lại hay photo lại để đưa vào hồ sơ học sinh, chứng cứ khen thưởng đã có trong quyết định của nhà trường (nếu trường khen) hoặc thông báo kết quả (nếu cấp trên hoặc các cơ quan khác khen).
Học sinh chuyển trường, hồ sơ đánh giá mang theo là học bạ, nếu có thêm các hồ sơ khác (trong hồ sơ đánh giá học sinh) thì càng tốt.
Khuyến khích các trường khi chuyển học sinh đi trường khác, nên có bản nhận xét đánh giá tóm tắt về kết quả học tập các môn học, năng lực và phẩm chất học sinh (khoảng 1 trang giấy).