Những “gạch đầu dòng” giúp thành công đánh giá không điểm số

GD&TĐ - Thực hiện quy định mới về đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học, nhân tố nòng cốt làm nên thành công là đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý tại các trường tiểu học. 

Những “gạch đầu dòng” giúp thành công đánh giá không điểm số

Và, có những điểm cốt yếu các cán bộ quản lý, giáo viên cần nằm lòng để đưa quy định mới thực sự đi vào cuộc sống. Ông Nguyễn Sỹ Thư - Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum đã trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại về những điểm cốt yếu này.

Theo ông, để thống nhất và thực hiện tốt Thông tư 30 ở các trường tiểu học nói chung và trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói riêng, cán bộ quản lý và giáo viên các trường tiểu học cần quan tâm đến những vấn đề trọng yếu gì?

- Tôi cho rằng, có 7 điều trọng yếu cần nhấn mạnh, đó là: Giáo viên (GV) phải thay đổi hoạt động dạy học (HĐDH); đổi mới các hoạt động giáo dục (HĐGD); giáo viên phải rèn khả năng đánh giá học sinh (HS) bằng nhận xét trong quá trình tổ chức dạy học; đổi mới việc đánh giá định kỳ kết quả học tập của HS; thay đổi việc nghiệm thu, bàn giao chất lượng giáo dục HS; đổi mới việc khen thưởng đối với HS và cuối cùng là lưu ý trong sử dụng sổ theo dõi chất lượng giáo dục, học bạ và các sổ khác

Thay đổi hoạt động dạy học

Những “gạch đầu dòng” giúp thành công đánh giá không điểm số ảnh 1Ông Nguyễn Sỹ Thư - Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum 

Một trong những mục đích đánh giá HS tiểu học theo Thông tư 30 là giúp giáo viên điều chỉnh, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức HĐDH.

Lâu nay, việc tổ chức hoạt động dạy của GV và học của HS ở các trường tiểu học là trong từng tiết học, buổi học thường thực hiện một cách rập khuôn, định sẵn, thiếu sự linh hoạt nên giờ học nặng nề, HS thiếu hứng thú.

Theo ông, để đảm bảo nguyên tắc, nội dung và cách thức đánh giá theo Thông tư 30, đòi hỏi GV phải thay đổi HĐDH như thế nào?

- Đúng là HĐDH trong nhiều trường tiểu học hiện nay hầu như chỉ diễn ra một chiều, chưa chú ý đến sự tương tác qua lại. GV chủ yếu giảng giải, đọc - HS nghe, nhìn, ghi chép một cách thụ động; GV thường làm thay HS; chưa có sự hỗ trợ cho HS trong quá trình học tập nên các em rất ít có cơ hội để trao đổi, tìm tòi, phát hiện và sáng tạo.

Vì vậy, để đảm bảo nguyên tắc, nội dung và cách thức đánh giá theo Thông tư 30, chắc chắn đòi hỏi GV phải thay đổi HĐDH.

Trong từng bài học, GV phải là người gợi mở, hỗ trợ HS tìm ra kiến thức; quan tâm đến toàn bộ quá trình học tập và cách học của học sinh cũng như kết quả mà HS đạt được hàng ngày dựa trên những nhận xét, đánh giá kịp thời của GV.

Qua đó, giúp HS phát huy tính chủ động, tích cực, tự giác; có cơ hội học tập thông qua quan sát, tìm hiểu, khám phá, thử nghiệm; tích cực và tham gia các hoạt động; phát triển các kỹ năng ngôn ngữ, giao tiếp; có thể hỗ trợ hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau.

Do đó, tùy từng tiết học, bài học, đối tượng HS, điều kiện lớp học, GV cần linh hoạt, chủ động thiết kế nội dung bài dạy, thay đổi hình thức tổ chức HĐDH, tăng cường đặt câu hỏi, hạn chế thuyết trình, diễn giảng, cần chú trọng phân hóa đối tượng HS trong quá trình dạy học.

Đối với học sinh người DTTS, sự thay đổi hoạt động dạy học là biện pháp hữu hiệu nhất để rèn luyện các em mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp, chủ động, tích cực trong các hoạt động và học sinh sẽ có kết quả tốt hơn trong học tập.

Thường xuyên gợi mở vấn đề và “giao việc”, “chia việc” thành những nhiệm vụ khác nhau cho từng học sinh hoặc nhóm HS có thể tham gia (nhiệm vụ phù hợp với khả năng của từng HS và tăng dần khối lượng, mức độ phức tạp của nhiệm vụ).

Trong mỗi nhiệm vụ đó, GV quan sát, theo dõi, thực hành với một số HS, một số nhóm HS và có sự hỗ trợ khi cần thiết.

Những HS và nhóm HS nào chưa hoàn thành nhiệm vụ, GV giúp đỡ kịp thời để HS và nhóm HS biết cách hoàn thành; GV khen ngợi và động viên HS, chia sẻ kết quả hoạt động của các em.

Sự thay đổi hình thức tổ chức hoạt động dạy và học sẽ giúp HS bộc lộ kiến thức, kỹ năng từng môn học và các hoạt động dạy học khác.

GV dễ dàng nhận biết được sự hình thành, phát triển các năng lực và phẩm chất của HS; đồng thời sẽ giúp HS có khả năng tự đánh giá, tham gia đánh giá; tự học, tự điều chỉnh cách học; giao tiếp, hợp tác; HS có hứng thú trong học tập và rèn luyện.

Sự thay đổi các HĐDH được giao quyền cho GV chủ động từ việc điều chỉnh nội dung, thay đổi dữ liệu trong sách giáo khoa cho phù hợp (nếu cần thiết) và hình thức tổ chức dạy học, miễn sao mang lại hiệu quả.

Song, trước những vấn đề nhạy cảm, còn băn khoăn, chưa rõ, GV phải có sự trao đổi, bàn bạc và thống nhất với tổ (khối) chuyên môn và Ban Giám hiệu nhà trường.

Có thể bước đầu đối với nhiều GV chưa quen cách tổ chức và học sinh khó khăn trong việc chủ động, tự giác, hợp tác, nhất là với những lớp học có đông HS, không gian phòng học, việc sắp xếp bàn ghế khó khăn, chưa phù hợp để tổ chức làm việc theo nhóm.

Thay đổi hoạt động dạy học cũng phải bắt đầu từ người quản lý, trước hết Ban Giám hiệu nhà trường cần khuyến khích GV thực hiện, tránh tư tưởng bảo thủ, áp đặt và chưa vội kết luận “tại sao thực hiện thế này”, “vì sao không phải thế kia”... khi GV thay đổi hoạt động dạy học.

Song, nếu GV chủ động linh hoạt, chịu khó, sáng tạo và khắc phục khó khăn; cán bộ quản lý đồng thuận và chia sẻ, chắc rằng từng bước sẽ hình thành được thói quen và HĐDH theo hướng tính cực sẽ đi vào nền nếp và thành công.

Tuy nhiên, việc thay đổi HĐDH phải tránh hình thức, luôn hướng đến tính hiệu quả, phù hợp và thiết thực, với quan điểm: Tất cả do học sinh và vì học sinh.

Đổi mới các hoạt động giáo dục

Một trong những nguyên tắc đánh giá theo Thông tư 30 là đánh giá toàn diện HS thông qua đánh giá mức độ đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng và một số biểu hiện về năng lực, phẩm chất của học sinh theo mục tiêu giáo dục tiểu học. Vậy chắc chắn, chỉ đổi mới HĐDH sẽ không thể đáp ứng yêu cầu Thông tư?

- Đúng là một trong những nguyên tắc đánh giá theo Thông tư 30 là đánh giá toàn diện HS thông qua đánh giá mức độ đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng và một số biểu hiện về năng lực, phẩm chất của HS theo mục tiêu giáo dục tiểu học. Do đó, đòi hỏi GV phải đổi mới các hoạt động giáo dục.

Hoạt động giáo dục là con đường quan trọng để gắn học với hành, lý thuyết với thực tiễn, giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và xã hội. Hoạt động giáo dục có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách toàn diện HS.

Nếu GV tổ chức phong phú, đa dạng các HĐGD để HS tham gia, sẽ tạo cơ hội cho HS được trải nghiệm trong thực tiễn cuộc sống, được thể hiện, bộc lộ, và khẳng định bản thân; được giao lưu, học hỏi bạn bè và mọi người xung quanh.

Từ đó tác động đến nhận thức, tình cảm, niềm tin và hành vi của HS, giúp các em phát triển nhân cách hài hòa và toàn diện về các mặt: đạo đức, kỹ năng sống, nghệ thuật, lao động và thể chất.

HS tiểu học là lứa tuổi rất hồn nhiên, hiếu động, thích tìm tòi, khám phá, yêu thiên nhiên và thích gần gũi với thiên nhiên, thích được cùng học tập, sinh hoạt, vui chơi với bạn bè. Các em rất hứng thú và nhiệt tình tham gia vào những hoạt động tập thể, phù hợp với đặc điểm và nhu cầu của lứa tuổi.

HĐGD có khả năng huy động, phối hợp, liên kết nhiều lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường như: GV chủ nhiệm lớp, GV dạy môn chuyên biệt (Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục, Ngoại ngữ, Tin học), Tổng phụ trách Đội, Ban giám hiệu nhà trường, cha mẹ HS, chính quyền địa phương,... Đổi mới và thực hiện tốt HĐGD sẽ góp phần đánh giá HS một cách đầy đủ, toàn diện và sâu sắc.

Rèn khả năng đánh giá bằng nhận xét

Một trong những điều giáo viên lo lắng nhất khi thực hiện Thông tư 30 là việc đánh giá bằng nhận xét. Theo ông, cần và nên làm như thế nào để có những lời nhận xét vừa xác đáng, vừa khích lệ được tinh thần học sinh?

Tôi cho rằng, giáo viên cần dựa trên đặc điểm, mục tiêu của bài học, của mỗi hoạt động, đối chiếu với sản phẩm đạt được của HS với chuẩn kiến thức, kỹ năng; cân nhắc các đặc điểm tâm lý, hoàn cảnh... của HS để có nhận xét xác đáng, kịp thời, khích lệ HS, làm cho các em hứng thú trong học tập.

Điều cần lưu ý là, khi HS viết sai, giải toán chưa đúng, GV phải quan tâm sửa lỗi, ghi lời nhận xét ngắn gọn, phải chỉ ra lỗi sai ở đâu, cần khắc phục như thế nào để HS, phụ huynh biết tìm hướng khắc khục, sửa chữa.

Ông Nguyễn Sỹ Thư

Đồng thời, phải tư vấn, hướng dẫn, giúp các em biết được những hạn chế và biết tự mình khắc phục; hướng dẫn HS biết tự đánh giá mình và đánh giá bạn, khuyến khích phụ huynh tham gia đánh giá HS.

Đối với HS lớp 1, trong giai đoạn các em chưa đọc được lời nhận xét trong vở, GV dùng những hình thức động viên kèm theo nhận xét bằng lời trực tiếp với HS. Khi HS đã đọc được, GV ghi nhận xét trong vở HS.

GV không dùng điểm số để đánh giá thường xuyên HS. Thay vào đó, tùy sự tiếp thu của HS mà GV quyết định nhận xét vào phiếu, vở của HS hay chỉ nhận xét bằng lời nói trực tiếp.

GV căn cứ vào chuẩn kiến thức, kỹ năng từng môn học, HĐGD để nhận xét, đồng thời có biện pháp cụ thể để giúp đỡ, hỗ trợ HS khắc phục những thiếu sót, động viên, giúp HS tiến bộ, vượt qua khó khăn.

Tuyệt đối không được sử dụng các hình thức chê trách (như kí hiệu mặt buồn hay đánh giá C,D…), không so sánh HS này với HS khác trong bất kì hoàn cảnh nào, không tạo áp lực cho HS, GV và cha mẹ HS; đánh giá đảm bảo công bằng, khách quan.

Nếu bài làm hoặc HĐGD, HS thực hiện sai hoặc chưa hoàn chỉnh, GV cần hướng dẫn HS thực hiện lại cho đúng và đầy đủ. Từ đó động viên, khích lệ các em nỗ lực phấn đấu tiếp tục trong học tập.

Do năng lực của HS không đồng đều nên có thể chấp nhận sự khác nhau về thời gian, mức độ hoàn thành nhiệm vụ. 

Vì vậy, việc đánh giá thường xuyên bằng nhận xét phải được đánh giá theo từng mức độ HS hoàn thành theo chuẩn kiến thức, kĩ năng và gắn liền với lời nhận xét cho phù hợp (cũng là yêu cầu về năng lực và phẩm chất nhưng đối với HS lớp 2, khác với HS lớp 4, HS lớp 3 khác với HS lớp 5...).

Việc đánh giá thường xuyên quá trình học tập, HĐGD khác đối với các môn chưa xây dựng chuẩn kiến thức (Tin học, Tiếng Anh, tiếng dân tộc), yêu cầu GV căn cứ vào mục tiêu bài dạy để đưa ra lời nhận xét trong tuần, cuối tháng cho phù hợp.

Đánh giá thường xuyên bằng nhận xét được thực hiện linh hoạt (có thể thực hiện luân phiên HS qua từng tiết học trong một buổi; có thể tập trung vào những HS còn những hạn chế về hoạt động giáo dục, về năng lực, phẩm chất; đánh giá thường xuyên bằng nhận xét trực tiếp với HS, phụ huynh HS, qua điện thoại trao đổi trực tiếp với phụ huynh, qua thư hoặc sổ liên lạc…).

Xin cảm ơn ông!

"Điều thuận lợi đối với các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Kon Tum khi thực hiện Thông tư 30 là: Trong năm học 2013 - 2014, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường tiểu học thực hiện đánh giá HS lớp 1 bằng nhận xét, không cho điểm số; 

Đồng thời toàn tỉnh có 43 trường tiểu học thực hiện Mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) đã tiếp cận đánh giá HS theo tinh thần Thông tư 30. 

Việc triển khai đánh giá HS ở lớp 1 và đánh giá HS tại các trường VNEN đã được GV thực hiện nghiêm túc". 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.