(GD&TĐ) - Loài người gần như là thủ phạm chính gây ra sự nóng lên toàn cầu và hậu quả của nó có thể tồi tệ hơn những gì chúng ta tưởng tượng – theo một một bản thảo rò rỉ của báo cáo về khí hậu mới nhất từ Liên Hiệp Quốc.
Ủy ban Liên chính phủ của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (IPCC) dự kiến sẽ đưa ra những phần đầu tiên của báo cáo trên vào tháng sau. Đây sẽ là bản báo cáo về khí hậu thứ 5 của tổ chức này. Mặc dù báo cáo chưa được thông qua lần cuối nhưng những chi tiết từ những bản thảo rò rỉ cho thấy nó sẽ đưa ra những cảnh báo gay gắt về những mối đe dọa do biến đổi khí hậu gây ra. Sau đây là 4 phát hiện quan trọng.
Băng tan có thể khiến cho mực nước biển tăng lên khoảng 0,9 mét trong thế kỷ tới |
Con người chịu trách nhiệm tới 95%
Điểm nhấn lớn nhất của bản báo cáo là các nhà khoa học đang bị thuyết phục hơn bao giờ hết rằng chính con người gây ra biến đổi khí hậu. Theo báo cáo, không chỉ đây là một hiện tượng có thật mà 95% chắc chắn rằng hoạt động của loài người đang thúc đẩy biến đổi khí hậu.
So với 6 năm trước, độ chắc chắn đã tăng lên 5% khi bản báo cáo gần đây nhất của IPCC cho rằng 90% chắc chắn rằng con người đang gây ra sự nóng lên của toàn cầu. Đây là mức tăng so với những gì mà các nhà khoa học dự đoán năm 2001 (66%) và năm 1995 (50%).
Thủ phạm lớn nhất: Đốt nhiên liệu hóa thạch – hoạt động mà bản báo cáo cho rằng đã khiến cho nhiệt độ toàn cầu tăng đáng kể kể từ năm 1950.
Mực nước biển có thể tăng khoảng 0,9 mét vào năm 2100
Trong cảnh báo về một trong những tác động đáng lo ngại nhất của sự nóng lên toàn cầu, báo cáo trên cho rằng mực nước biển có thể tăng hơn 0,9 m trong thế kỷ này. Nhiệt độ đang tăng lên đã làm “tan chảy tuyết và băng, tăng mực nước biển trung bình toàn cầu, làm thay đổi một số thái cực của thời tiết” và đây là vấn đề tồi tệ hơn rất nhiều so với trước đây chúng ta từng nghĩ.
6 năm trước, bản báo cáo cuối cùng dự đoán mực nước biển sẽ tăng lên, mức tồi tệ nhất, là khoảng 58,42 cm, hoặc ít hơn 0,6 m.
Mức tăng của nhiệt độ đã chậm lại kể từ năm 1998
Mặc dù khí thải nhà kính tiếp tục phá vỡ những kỷ lục trước đây, báo cáo của IPCC khẳng định một xu hướng khác thường: Tốc độ tăng nhiệt độ trên toàn thế giới thực ra đang chậm đi. Trong khi nhiệt độ vẫn tiếp tục tăng lên, nhưng tăng với tốc độ chậm hơn kể từ khoảng năm 1998 – báo cáo cho biết.
Lý do đằng sau việc giảm tốc độ này còn chưa rõ ràng. Báo cáo đưa ra một vài khả năng với “mức độ tin cậy trung bình”, như là do mức tăng của tro núi lửa trong khí quyển, sự thay đổi chu kỳ của mặt trời và một giả thuyết cho rằng đại dương đang hấp thụ nhiều năng lượng hơn so với trước đây.
Hồi tháng Bảy, các nhà khoa học Anh nói họ đã xác định rằng đại dương đang hút nhiều hơi nóng hơn trong khi hấp thụ hơi ấm từ từ xuống phần nước sâu hơn bên dưới. Những tảng băng Bắc cực mới tan chảy cũng có thể làm tăng lượng nước tổng thể, từ đó tạo thêm chất lỏng để hút hơi nóng mà nếu không, sẽ có tác động trực tiếp lên nhiệt độ không khí.
Cho dù thế nào thì khí hậu vẫn nóng lên
Thậm chí nếu thế giới tìm được cách nào đó để ngăn chặn ngay lập tức khí thải nhà kính thì bản báo cáo cho rằng, sự nóng lên vẫn tiếp diễn trong “nhiều thế kỷ”. Đó là bởi vì khoảng 20% carbon dioxide đã ở trong khí quyển và sẽ tồn tại ở đây trong vòng thiên niên kỷ tới.
Kết quả là, theo bản báo cáo, một “tỷ lệ lớn” sự biến đổi khí hậu sẽ “không thể đảo ngược nếu tính bằng thời gian của loài người”.
Nói một cách quả quyết, bản báo cáo cho biết thêm, có một “nguy cơ rất cao” rằng nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng lên hơn 2 hoặc 3 độ C trong thế kỷ này. Trước đây, các nhà khoa học đã dẫn ra con số 2 độ có thể được xem là ngưỡng quan trọng mà nếu vượt qua đó, hệ sinh thái có thể bị phá vỡ và hành tinh của chúng ta sẽ gặp phải một sự phá hủy khủng khiếp, không thể thay đổi.
Hà Châu (Theo The Week)