4 ngân hàng chưa cho vay ưu đãi, phát triển nhà ở xã hội gặp khó

GD&TĐ - 4 Ngân hàng thương mại do NHNN Việt Nam chỉ định (Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV) chưa được rót vốn để cấp bù lãi suất cho vay NƠXH.

4 ngân hàng chưa cho vay ưu đãi, phát triển nhà ở xã hội gặp khó

Bài toán nguồn vốn ưu đãi

Bộ Xây dựng vừa có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Lam, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang về giải pháp giải quyết nhu cầu về nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở.

Cụ thể, Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian vừa qua, đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lao động tại các khu công nghiệp được ban hành và đi vào cuộc sống, tạo ra hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đảm bảo hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào phát triển nhà ở xã hội.

Với các chính sách ưu đãi nêu trên, việc phát triển nhà ở xã hội đã đạt được một số kết quả quan trọng.

Về việc triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội, cho đến nay, trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn, với tổng diện tích hơn 7.780.000 m2.

Đang tiếp tục triển khai (bao gồm các dự án đã được chấp thuận đầu tư và đang triển khai đầu tư xây dựng) 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn, với tổng diện tích khoảng 22.720.000 m2, giúp cho hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm nghìn công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở an toàn.

Về nguồn vốn giải ngân theo quy định của Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, theo báo cáo, đến thời điểm hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã được phân bổ 3.163/9.000 tỷ đồng, chiếm 35% nhu cầu giai đoạn 2016-2020, để cho các đối tượng cá nhân vay vốn mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở (Ngân hàng Chính sách xã hội tự huy động thêm 3.163 tỷ đồng nữa để thực hiện chính sách cho vay nhà ở xã hội theo quy định).

Đối với các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định (4 Ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định) chưa được bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội. Vì vậy, trong giai đoạn từ 2016 đến nay chưa có chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.

Liên quan đến vấn đề này, tại Phiên họp Chất vấn và trả lời chất vấn vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực xây dựng (đầu tháng 11/2022), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, đối với tín dụng cho nhà ở xã hội, Chính phủ đã có Nghị định 100 ban hành năm 2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, được sửa đổi bằng Nghị định số 49 năm 2021.

Trong đó, giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay nhà ở xã hội và giao cho các tổ chức tín dụng được chỉ định. Đối với Ngân hàng Chính sách xã hội đến nay đã giải ngân theo quy định, với doanh số 10.584 tỉ đồng; dư nợ đến 30/9 là 9.147 tỉ đồng.

Cũng theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đối với các tổ chức tín dụng được chỉ định trong Nghị định, hiện nay chưa giải ngân được do tiền cấp bù lãi suất chưa được bố trí.

4 Ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định (Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV) chưa được bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội.

4 Ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định (Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV) chưa được bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội.

Thống đốc nhấn mạnh, trong thời gian tới, chính sách điều hành tín dụng sẽ nằm trong khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ để kiên định với mục tiêu góp phần kiểm soát lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững an toàn hệ thống, đảm bảo an sinh xã hội. Đối với các công cụ giải pháp tín dụng, ngân hàng nhà nước sẽ cân nhắc trong tổng thể các công cụ giải pháp để làm sao đạt được mục tiêu của chính sách tiền tệ.

Giải pháp tổng thể

Để khắc phục các vướng mắc nêu trên, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

Đề án nhằm mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất.

Theo Đề án, một số giải pháp giải quyết nhu cầu về nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đã được Bộ Xây dựng đề xuất. Đó là tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.

Hiện Bộ Xây dựng đang chủ trì nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014, trong đó đã nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách về đất đai, lựa chọn chủ đầu tư, ưu đãi, giảm bớt thủ tục hành chính… để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.

Đồng thời, Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan tổng hợp trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, báo cáo Quốc hội kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 11 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật và giải ngân hiệu quả gói hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

UBND các tỉnh, thành phố xây dựng, điều chỉnh, bổ sung Chương trình phát triển nhà ở của địa phương theo quy định của Luật Nhà ở, phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 làm cơ sở để chấp thuận đầu tư; đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ