Khó 'chạm' giấc mơ an cư từ nhà ở xã hội

GD&TĐ - Liên quan đến nhu cầu vật liệu xây dựng tăng, nhiều chuyên gia mong có những nghiên cứu vật liệu mới thay thế cho các vật liệu truyền thống.

Tình trạng tăng giá vật liệu ảnh hưởng lớn tới người lao động có nhu cầu về nhà ở. Ảnh minh họa
Tình trạng tăng giá vật liệu ảnh hưởng lớn tới người lao động có nhu cầu về nhà ở. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó là bảo đảm việc xây các căn hộ giá rẻ để người lao động “chạm” được đến giấc mơ “an cư lạc nghiệp”.

Phương án thay thế cát sông

Theo chuyên gia, đến năm 2025 Đồng bằng sông Cửu Long cần hoàn thành khoảng 400 km đường cao tốc và cần tới 39 triệu m3 cát san lấp. Chưa kể các công trình công cộng, công trình dân sinh khác nên nhu cầu san lấp cát là rất lớn.

Nhưng nếu tiếp tục khai thác cát quá mức gây sạt lở, sụt lún và rất có thể dẫn tới xung đột. Vì vậy, cần có giải pháp để bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình trọng điểm quốc gia và cần có vật liệu khác thay thế cát sông.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TN&MT phối hợp với Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu vật liệu thay thế cho cát sông khi chúng ta triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tổng nhu cầu dùng cát cho các công trình giao thông của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chiếm tới 39 triệu m3. Trong khi đó, khu vực này chỉ có khoảng 26 triệu m3. Vì vậy, việc nghiên cứu vật liệu cát biển để thay thế cho cát sông đang là một nhu cầu cấp thiết.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, cơ quan này đã lấy mẫu, làm các xét nghiệm. Theo những kết quả ban đầu nếu như sử dụng cát biển để thay cho cát sông riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, lượng cát biển có thể lên tới 150 tỷ triệu khối. Tức là, nếu thành công thì không chỉ dùng cho Đồng bằng sông Cửu Long mà có thể áp dụng cho cả nước.

“Theo tiến độ của Bộ GTVT nghiên cứu triển khai thì khoảng cuối năm 2023 sẽ có kết quả về việc có sử dụng vật liệu này để thay thế cho cát sông được không. Nghiên cứu ban đầu cho thấy việc sử dụng cát biển thay thế cát sông cũng rất khả thi. Tuy nhiên, vẫn còn có những yếu tố kỹ thuật mà chúng ta phải làm tiếp”, ông Thắng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết thêm, hiện trên thế giới Hồng Kông, Singapore, Nhật Bản và các nước Trung Đông cũng đã áp dụng nguyên vật liệu này.

Ngoài ra, tro xỉ cũng là một nguyên vật liệu có thể thay thế được. Theo đó, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ GTVT đã có văn bản hướng dẫn, quy chuẩn, tiêu chuẩn. Đồng thời, Bộ GTVT cũng đã ra văn bản thông báo cho các nhà thầu có thể sử dụng các nguyên vật liệu từ tro xỉ để thực hiện thay thế vật liệu cát sông để thực hiện san nền cho các công trình, dự án thuộc bộ này.

Người dân khó tiếp cận nhà giá rẻ

Nhiều dự án bất động sản gặp khó khăn khi giá vật liệu xây dựng tăng cao ảnh hưởng đến việc thực hiện, đội vốn và giảm lợi nhuận. Các chi phí tăng thêm khiến giá nhà cũng có chiều hướng tăng và người dân càng khó tiếp cận được với những căn hộ giá rẻ.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, so với cùng kỳ năm 2021, tỷ lệ tăng giá bình quân của các loại vật liệu xây dựng năm 2022 tăng đáng kể. Cụ thể như giá thép tăng khoảng 30 - 40%, xi măng 15 - 20%, nhựa đường 15 - 20%, cát bê tông tăng 20%, đá xây dựng tăng 10%, đất đắp nền tăng 30 - 40%.

Chuyên gia cho rằng, về phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua chủ yếu từ nguồn lực xã hội hóa. Do vậy, việc hoàn thiện các dự án nhà ở xã hội phụ thuộc phần lớn của các chủ đầu tư dự án.

Mặt khác, quy định pháp luật về nhà ở chưa đảm bảo cho việc tạo nguồn cung nhà ở xã hội và chưa nâng cao trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án. Chính vì vậy, nguồn cung nhà ở xã hội trong thời gian qua còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội của công nhân, viên chức, người lao động.

Mục tiêu của nhà ở xã hội là hướng tới người lao động có thu nhập thấp và giải quyết nhà ở giá rẻ là điểm mấu chốt của chính sách nhà ở cho công nhân, người lao động.

Tuy nhiên, có chuyên gia lo ngại xem ra mục tiêu này còn khó thực hiện khi thực trạng giá nhà ở xã hội đang ở mức rất cao so với thu nhập của người lao động. Trung bình giá nhà ở xã hội ở mức trên 15 triệu đồng/1m2 và có nơi là từ 21 đến 25 triệu/1m2.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, thời gian qua tình trạng tăng giá vật liệu, nhân công cũng ảnh hưởng đến việc không đáp ứng một cách phù hợp đối với hỗ trợ nhà ở cho người có công.

Bộ Xây dựng đã tổng hợp báo cáo của các địa phương và tổng kết các chương trình hỗ trợ nhà ở báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo giao Bộ Xây dựng tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, các địa phương, để xây dựng chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng người có công, người nghèo, bảo đảm đáp ứng yêu cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ