Nhà ở xã hội: Giá vẫn 'chát'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thực tế nguồn cung nhà ở xã hội trong thời gian qua còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội của công nhân, viên chức, người lao động.

Nhà ở xã hội là vấn đề được lao động quan tâm hiện nay. Ảnh minh họa
Nhà ở xã hội là vấn đề được lao động quan tâm hiện nay. Ảnh minh họa

Ảnh hưởng từ tăng giá vật liệu, nhân công

Phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua chủ yếu từ nguồn lực xã hội hóa. Do vậy, việc hoàn thiện các dự án nhà ở xã hội phụ thuộc phần lớn vào các chủ đầu tư dự án.

Các chuyên gia pháp lý cho rằng, quy định pháp luật về nhà ở chưa bảo đảm cho việc tạo nguồn cung nhà ở xã hội và chưa nâng cao trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án. Chính vì vậy, nguồn cung nhà ở xã hội trong thời gian qua còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội của công nhân, viên chức, người lao động.

Hỗ trợ phát triển nhà ở cho các đối tượng chính sách là một trong các chính sách ưu tiên thể hiện tính ưu việt của chế độ, của Đảng và Nhà nước ta. Việc này được cụ thể hóa bằng nhiều chính sách, nhiều chương trình hỗ trợ phát triển nhà trong các năm qua.

Tuy nhiên, với tình trạng tăng giá nhân công, vật liệu xây dựng như hiện nay thì mức hỗ trợ cho các chương trình hỗ trợ phát triển nhà ở cho các đối tượng chính sách đã được phê duyệt sẽ rất nhanh chóng bị lỗi thời. Đồng thời, khó đáp ứng được một cách phù hợp và hiệu quả đối với nhu cầu của các đối tượng chính sách.

Mục tiêu của nhà ở xã hội là hướng tới người lao động có thu nhập thấp và giải quyết nhà ở giá rẻ là điểm mấu chốt của chính sách nhà ở cho công nhân, người lao động.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại mục tiêu này khó thực hiện khi thực trạng giá nhà ở xã hội đang ở mức rất cao so với thu nhập của người lao động. Một số liệu cho thấy, giá trung bình ở mức trên 15 triệu đồng/1m2 và có nơi là từ 21 đến 25 triệu/1m2.

Ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết, hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách là một trong các ưu tiên thể hiện tính ưu việt của chế độ, Đảng và Nhà nước. Trong thời gian qua, rất nhiều các chương trình hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, tình trạng tăng giá vật liệu, nhân công cũng ảnh hưởng đến việc không đáp ứng một cách phù hợp đối với hỗ trợ nhà ở cho người có công.

“Giải pháp thì Bộ Xây dựng đã tổng hợp báo cáo của các địa phương và tổng kết các chương trình hỗ trợ nhà ở để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo giao Bộ Xây dựng tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, địa phương, để xây dựng chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng người có công, người nghèo, bảo đảm đáp ứng yêu cầu. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện dự thảo chính sách và theo hướng tăng lên mức hỗ trợ cho giai đoạn trước”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết.

Theo ông Nguyễn Thanh Nghị, thì dự kiến người có công hỗ trợ xây mới là 60 triệu đồng so với mức 40 triệu đồng như hiện nay. Tăng lên cho hộ sửa chữa, cải tạo nhà ở là 30 triệu đồng, so với mức trước đây là 20 triệu đồng. Việc này Bộ Xây dựng đang hoàn thiện và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong giai đoạn tới.

Nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội chưa được bảo đảm

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng thông tin, mục tiêu phát triển nhà ở xã hội theo chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020 là chưa đạt mục tiêu theo yêu cầu. Đó là mới đạt 77,9 triệu trên 12,5 triệu m2 và giá của nhà ở xã hội đang ở mức cao. Nguyên nhân của việc này là do chưa đảm bảo được nguồn cung về nhà ở xã hội.

Nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội cũng chưa được bảo đảm, chính sách ưu đãi, khuyến khích cũng chưa thực sự thu hút. Việc tổ chức thực hiện trong quy trình, thủ tục còn nhiều phức tạp, dẫn đến nguồn cung chưa đảm bảo, giá nhà ở xã hội cũng tăng cao so với thu nhập của người dân.

“Chúng ta cố gắng đáp ứng mục tiêu bảo đảm nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp. Cùng với tổng thể, các chính sách đó sẽ bảo đảm giá nhà xã hội sẽ phù hợp hơn với thu nhập của người dân có thu nhập thấp ở khu vực đô thị cũng như công nhân khu công nghiệp trong thời gian tới”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

Liên quan đến ý kiến về giải pháp, lộ trình thực hiện Đề án 1 triệu nhà xã hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng thông tin, theo đề án trình Thủ tướng Chính phủ thì chia làm 2 giai đoạn. Thứ nhất là giai đoạn từ năm 2021 - 2025, trên cơ sở xác định nhu cầu nhà ở xã hội của các địa phương tổng hợp về. Cùng với đó là khả năng nguồn lực để đáp ứng cho nhu cầu này. Bộ Xây dựng đã trình là xác định mục tiêu đặt ra hoàn thành khoảng 570 nghìn căn nhà, đáp ứng khoảng 46% nhu cầu.

Giai đoạn 2 là 2025 - 2030, cũng trên cơ sở nhu cầu của các địa phương, Bộ Xây dựng đã xác định trong đề án sẽ hoàn thành khoảng 845 nghìn căn hộ, đáp ứng khoảng 73% nhu cầu.

Về giải pháp thực hiện đề án, người đứng đầu Bộ Xây dựng cho biết sẽ thực hiện tổng thể ,đồng bộ. Đó là hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến phát triển nhà ở xã hội để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Mục đích để làm sao quy định, xác định được quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu để thực hiện đề án.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ