Tháo gỡ 2 nút thắt chính để phát triển nhà ở xã hội

GD&TĐ - Nhà ở xã hội là một trong những chương trình nhà ở có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia.

Tháo gỡ 2 nút thắt chính để phát triển nhà ở xã hội

Báo cáo tổng kết năm 2022 của Bộ Xây dựng cho thấy, số lượng nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp hoàn thành được 13 dự án, với 6.000 căn.

Trong năm, cả nước có 19 dự án được khởi công với tổng số khoảng 33.194 căn, tổng diện tích xây dựng khoảng 1,8 triệu m2.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Hà Quang Hưng, để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cần tháo gỡ hai vấn đề chính.

Một là, sửa đổi và đồng bộ hệ thống pháp luật, từ Luật Nhà ở, Luật Thuế, Luật Kinh doanh bất động sản. Hai là, đẩy mạnh quy trình làm việc với chính quyền địa phương, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện 2 gói hỗ trợ theo Nghị quyết 11/NQ-CP, nghiêm túc dành ra 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại. Đồng thời, kiểm tra, rà soát các dự án nhà ở thương mại hiện tại, tạo phong trào phát triển nhà ở xã hội.

Nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở ổn định, bền vững, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện 1164/CĐ-TTg ngày 14/12/2022.

Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo rà soát quỹ đất, hoàn thiện các thủ tục pháp lý, lựa chọn các chủ đầu tư để thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân ở các thành phố, khu công nghiệp, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ và triển khai tích cực, có hiệu quả hơn nữa Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại với giá phù hợp, khả thi của thị trường. Cùng với đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động, tích cực hơn nữa để chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan, đơn vị khẩn trương rà soát lập danh mục các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, bất động sản trên địa bàn; tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án bất động sản, dự án nhà ở để tăng nguồn cung cho thị trường…

Nhà ở xã hội là một trong những chương trình nhà ở có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia.

Nhà ở xã hội là một trong những chương trình nhà ở có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia.

Hiện nhiều địa phương đã có những cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo điều kiện phát triển nhà ở xã hội.

UBND TP.Hà Nội cũng vừa ban hành Quyết định về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội TP.Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Trong đó, chuẩn bị đầu tư 5 dự án khu nhà ở xã hội độc lập và triển khai các dự án xây mới có tiến độ hoàn thành trong giai đoạn 2025.

Theo kế hoạch, Hà Nội xác định các nhiệm vụ phát triển nhà ở xã hội trọng tâm, trong đó đẩy nhanh tiến độ triển khai và hoàn thành 22 dự án, với khoảng 1,215 triệu m2 sàn nhà ở. Đồng thời, tiếp tục triển khai 28 dự án còn lại dự kiến hoàn thành giai đoạn sau năm 2025 để bù đắp phần diện tích nhà ở còn thiếu so với mục tiêu của Kế hoạch hoặc triển khai các dự án xây mới có tiến độ hoàn thành giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở cân đối khả năng hoàn thành hàng năm với mục tiêu của Kế hoạch.

HĐND Tỉnh Bình Dương cũng đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-HĐND về Chương trình phát triển nhà ở Tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, với tổng nguồn vốn dành cho phát triển nhà ở là 220.476 tỷ đồng, tổng diện tích đất ở dành cho phát triển nhà ở là 5.984,4 ha.

Theo đó, giai đoạn 2021-2025 sẽ phát triển tăng thêm 16.424.360 m2 sàn nhà ở thương mại, nhà ở trong các dự án khu đô thị, khu nhà ở, tương đương 104.053 căn nhà; phát triển tăng thêm 1.890.000 m2 sàn nhà ở xã hội, tương đương khoảng 42.000 căn hộ; phát triển tăng thêm 963.223 m2 sàn nhà ở phục vụ tái định cư tương đương khoảng 4.913 căn nhà.

Giai đoạn 2026-2030, tỉnh dự kiến phát triển thêm 33.687.262 m2 sàn nhà ở thương mại, nhà ở trong các dự án khu đô thị, khu nhà ở, tương đương 218.140 căn nhà xây dựng mới; phát triển tăng thêm 2.100.000 m2 sàn nhà ở xã hội, tương đương 42.000 căn nhà xây dựng mới; phát triển tăng thêm 1.788.768 m2 sàn nhà ở phục vụ tái định cư tương đương khoảng 9.764 căn nhà.

Trước đó, Tỉnh Quảng Ninh vừa khởi công Dự án nhà ở xã hội Khu dân cư đồi Ngân hàng thuộc địa phận hai phường Hồng Hải và Cao Thắng, TP.Hạ Long với diện tích gần 26.000 m2. Trong đó, diện tích đất xây dựng công trình trên 7.400 m2; đất cây xanh trên 5.000 m2; đất hạ tầng kỹ thuật trên 13.300 m2… Dự án hoàn thành sẽ đáp ứng chỗ ở ổn định cho khoảng 3.880 công nhân, người lao động có thu nhập thấp, góp phần thu hút nguồn lao động, chuyên gia về làm việc tại địa phương. Dự án dự kiến sẽ hoàn thiện bàn giao đưa vào sử dụng trong quý I/2026.

Tại Bình Thuận, UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, với tổng diện tích sàn nhà ở cần đầu tư xây dựng là khoảng 6.662.792 m2 sàn.

Trong đó, diện tích sàn nhà ở đầu tư xây dựng cho loại hình như sau: nhà ở thương mại 800.000 m2 sàn; nhà ở tái định cư 495.000 m2 sàn; nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức 5.000 m2 sàn; nhà ở xã hội 595.000 m2 sàn; nhà ở dân tự xây 4.767.792 m2 sàn. Dự kiến, tổng số vốn thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở là 37.468 tỷ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ