10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật năm 2010

10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật năm 2010

(GD&TĐ) - Hôm nay, 29/12, Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ đã công bố 10 sự kiện khoa học - công nghệ nổi bật năm 2010 thuộc các lĩnh vực cơ chế chính sách, nghiên cứu ứng dụng, hội nhập quốc tế, khoa học xã hội và nhân văn…

Đây là kết quả bình chọn khách quan của hơn 40 nhà báo viết về lĩnh vực KHCN của gần 20 cơ quan truyền thông đại chúng của trung ương và địa phương.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Đình Tiến và đại diện các tổ chức có sự kiện tiêu biểu được bình chọn.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Đình Tiến và đại diện các tổ chức có sự kiện tiêu biểu được bình chọn.

1. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) tạo bước đột phá trong đổi mới cơ chế quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học: Những nguyên nhân chính dẫn đến thành công trong hoạt động của quỹ năm 2010 là sự đột phá đổi mới cơ chế quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học, trong đó được đánh giá cao nhất là việc quỹ bước đầu xây dựng được phương thức quản lý hoạt động khoa học theo chuẩn mực quốc tế . Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học cơ bản của Việt Nam gần hơn với trình độ nghiên cứu ở các nước phát triển.

2. Thành lập viện nghiên cứu trong doanh nghiệp: Trong năm nay có nhiều doanh nghiệp thành lập viện nghiên cứu. Đây là hướng đi tích cực, thu hút  quy tụ “chất xám” phát triển khoa học công nghệ, bảo đảm cho sự phát triển vững chắc cho doanh nghiệp. Ví dụ điển hình là Viện nghiên cứu Công nghệ FPT đã chính thức ra mắt ngày 25/5/2010 và Viện nghiên cứu Thủy sản Bình An đã làm khánh thành ngày 30/7/2010 tại Đồng Nai.

3. Hoàn thành công trình nghiên cứu tổng thể về 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (KX-09):
Chương trình khoa học cấp Nhà nước về Hà Nội  KX-09 đã đưa ra được 54 giải pháp khoa học được đề xuất nhằm phát triển Thủ đô. Các chương trình nhánh của KX - 09 đều được tập hợp in thành 11 cuốn sách, năm bộ kỷ yếu, được công bố rộng rãi và là phần quan trọng của "Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến" xuất bản trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây được đánh giá là bộ "Bách khoa thư" mới về Hà Nội.

4. Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là di sản của văn hoá thế giới: Các nhà khoa học đã dành bốn năm với tất cả tâm huyết và kiến thức để nghiên cứu những hiện vật đã phát lộ, đưa ra những lập luận xác đáng khẳng định giá trị cũng như chính sách hỗn hợp để bảo tồn và phát huy giá trị của Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long trước ý kiến của ICOMOS muốn hoãn việc xem xét công nhận khu di tích Hoàng thành Thăng Long trong năm 2010.

5 . Lần đầu tiên tại Việt Nam thực hiện thành công ghép tim từ người chết não:
Vào ngày 17/6/2010, tại Bệnh Viện 103, Học Viện Quân y, Bộ Quốc phòng đã thực hiện thành công ca ghép tim trên người đầu tiên tại Việt Nam cho bệnh nhân Bùi Văn Nam 48 tuổi, xã Trực Thái, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định với chẩn đoán: Bệnh cơ tim thể giãn, suy tim toàn bộ độ IV. Cho đến nay tình trạng sức khoẻ của anh Nam tiến triển tốt, sinh hoạt bình thường.

6. Công bố chíp xử lý 32 – bit VN 1632: Ngày 27/10, tại TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) đã công bố chíp vi xử lý 32-bit VN1632. Chip VN 1632 đáp ứng được yêu cầu của các hệ thống điều khiển phức tạp, đòi hỏi tốc độ cao như trong điện thoại di động, mã hóa /giải mã dữ liệu, thiết bị truyền thông, xử lý ảnh.

7. Cần cẩu siêu trường, siêu trọng 1.200 tấn của Xí nghiệp cơ khí Quang Trung: Đây là sản phẩm lớn nhất ở Việt Nam từ trước đến nay, có thể nâng, hạ Roto tua bin có trọng lượng 1.200 tấn, do chính các kỹ sư Việt Nam nghiên cứu, thiết kế, chế tạo. Sản phẩm có chất lượng cao, không thua kém sản phẩm của các nước tiên tiến khác, đạt tỷ lệ nội địa hóa đến 90%, đáp ứng nhu cầu thi công với tiến độ nhanh, giá thành lại rẻ hơn hàng nhập khẩu vì thế tiết kiệm cho đất nước hằng trăm tỷ đồng.

8. Phần mềm diệt virus Việt Nam lọt vào top 10 phần mềm diệt virus tốt nhất thế giới: Phần mềm diệt virus  Bkav của Việt Nam đã xuất sắc vượt qua hơn 50 sản phẩm phần mềm diệt virus của các hãng có tên tuổi trên thế giới để vào top 10 phần mềm diệt virus tốt nhất trên thế giới (đứng thứ 7/64 phần mềm tham gia kiểm định). Kết quả được đưa ra từ kỳ kiểm định cuối năm của Phòng thí nghiệm virus Bulletin (Anh) tổ chức kiểm định phần mềm diệt virus có tiếng trên thế giới.

9. Hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân: Ngày 30/3, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) đã tổ chức lễ ký bản ghi nhớ về hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Việt Nam đã chứng tỏ cam kết của mình trong việc phát triển điện hạt nhân dân sự một cách có trách nhiệm thông qua việc thực hiện cẩn thận các bước trong hợp tác với Mỹ và các đối tác quốc tế khác nhằm hướng tới việc phát triển cơ sở hạ tầng hạt nhân cần thiết cho việc quản lý nhà máy điện hạt nhân trong những thập kỷ tới.

GS. Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Fields tại Ấn Độ
GS. Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Fields tại Ấn Độ

10. Giáo sư Ngô Bảo Châu đoạt giải toán học Fields: Giáo sư Bảo Châu là nhà toán học đầu tiên của Việt Nam giành được giải thưởng danh giá này. Với sự kiện này, Việt Nam trở thành quốc gia châu Á thứ hai sau Nhật Bản có nhà toán học đoạt giải này. Có thể nói năm nay là năm gặt hái của Toán học Việt Nam vì cùng thời điểm đó, ngày 17/8, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã ký quyết định phê duyệt chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học Việt Nam đến năm 2020.

PV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.