Xứng danh giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi

GD&TĐ - Nhân kỷ niệm 35 năm Ngày truyền thống thanh niên công nhân TPHCM (15/10/1982 - 15/10/2017), Thành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TPHCM đã tổ chức lễ tuyên dương và trao giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi lần thứ 10 cho 35 thanh niên công nhân tiêu biểu. 

Xứng danh giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi

Giải thưởng do Thành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TPHCM khởi xướng và tổ chức từ năm 2007, nhằm kêu gọi thanh niên công nhân học tập, noi theo tấm gương người Anh hùng - Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi về lòng yêu nước, tính cần cù, chịu khó, sáng tạo trong lao động sản xuất.

Giải thưởng mang tên người anh hùng

Giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi là hoạt động nhằm biểu dương và nhân rộng các gương điển hình là đoàn viên, hội viên, thanh niên công nhân đang công tác trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, trực tiếp sản xuất, thi công, dịch vụ tại các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, có thành tích nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại cơ quan, đơn vị, có sáng kiến, giải pháp, được áp dụng hiệu quả vào thực tiễn chuyên môn hoặc có nhiều thành tích xuất sắc đóng góp cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của TPHCM.

Các cá nhân đạt giải năm nay được chọn ra từ 69 hồ sơ gửi đến từ các cơ sở đoàn, công ty, xí nghiệp, nhà máy trên địa bàn TPHCM và các tỉnh.

Đó là những gương thanh niên công nhân tiêu biểu nhất của sự cần cù lao động, vượt khó, sáng tạo trong lao động, có nhiều sáng kiến cải tiến, hiến kế trong các giải pháp để nâng cao chất lượng lao động, làm lợi cho doanh nghiệp và xã hội.

Họ không chỉ là thanh niên công nhân trực tiếp sản xuất, kinh doanh, mà còn là những cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ quản lý trẻ, lao động trẻ đang phấn đấu học tập, lao động tại các đơn vị hành chính sự nghiệp, y tế. Những cá nhân đạt giải thưởng năm nay có nhiều sáng kiến đã làm lợi hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng cho đơn vị. Không chỉ tận tâm, khắc phục khó khăn tìm ra những phương pháp mới làm lợi cho bản thân và đơn vị, các cá nhân còn tỏ ra là người tích cực với hoạt động xã hội, làm nhiều công tác thiện nguyện.

Tận tâm với nghề

Điển hình có thể kể đến anh Nguyễn Hùng Linh (sinh năm 1991) là chuyên viên nghiên cứu và phát triển công nghệ (Xí nghiệp Nữ trang PNJ) với sáng kiến, cải tiến: Xây dựng hệ thống tái sử dụng nước chảy tràn tại các tổ sản xuất. Nhận thấy lượng nước sử dụng nhiều gây ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên nước, cụ thể là lượng nước sạch mất đi khá nhiều trong 1 ngày, tác động đến sự cạn kiệt nguồn tài nguyên nước, việc sử dụng 1 lượng lớn nước sẽ làm gia tăng chi phí sản xuất, đồng thời khi lượng nước sử dụng vượt ngưỡng cho phép sẽ phải tốn thêm chi phí cho khoản phạt tiền vượt ngưỡng sử dụng...

Từ đó Linh mạnh dạn cải tiến và đề xuất sử dụng các hệ thống siêu tái sử dụng nước tại các tổ có sử dụng bể chảy tràn đã nêu trên, nhằm: Giảm lượng nước tiêu thụ mỗi ngày cho sản xuất, giảm chi phí sản xuất... mang lại hiệu quả làm giảm áp lực cho công tác xử lý nước thải cuối ngày tại xí nghiệp. Trung bình 1 năm tiết kiệm được khoảng 225.720.000 đồng. Chưa hết, anh cũng là tác giả của sáng kiến Hệ thống siêu âm tự động cánh tay robot đã làm tăng chất lượng sản phẩm, sử dụng tối đa hiệu quả lao động, mỗi năm tiết kiệm được 121.440.000 đồng cho đơn vị.

Hay như anh Nguyễn Nam Mạnh (sinh năm 1990) - Công ty TNHH Nước uống tinh khiết Sài Sòn (SAPUWA) với sáng kiến Các giải pháp tăng hiệu quả hoạt động tại bộ phận phân phối của công ty. Từ thực tế với mong muốn làm tăng lợi nhuận, sáng kiến của anh với các yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn nhân sự làm nhiệm vụ phân phối đã gia tăng hiệu quả nguồn lực quan trọng này và đẩy doanh thu 6 tháng đầu năm tăng bình quân 20% so với năm cũ, làm lợi cho công ty trên 5 tỷ đồng.

Ở lĩnh vực công nhân lao động, có thể nhắc đến anh Nguyễn Hữu Anh (sinh năm 1986) công tác tại Co.opmart Đà Nẵng với sáng kiến Phương án layout siêu thị tối ưu. Để tạo không gian mới mẻ và thuận tiện cho khách hàng đến tham quan, mua sắm, đồng thời tạo sự thông thoáng cho siêu thị thì hầu hết các siêu thị Co.opmart đều thay đổi không gian mua sắm và thay đổi layout. Để hạn chế những bất cập trong việc thay đổi layout và giảm thiểu tối đa thiệt hại cho siêu thị, anh Anh đã tham mưu cho Ban Giám đốc không thay đổi layout theo phương pháp truyền thống.

Cụ thể là không tháo toàn bộ mâm kệ ra từng bộ phận mà di chuyển toàn bộ khối mâm kệ. Tuy nhiên để có thể di chuyển được toàn bộ khối mâm kệ thì trước đó anh đã nghiên cứu và thực hiện nâng các chân đế của mâm kệ lên để gắn con trượt các tấm ván bóng ít ma sát lót ở phía dưới, 2 bên kệ dùng các sợi dây định vị chặt ở các chân trụ để kéo mâm kệ.

Khi đã chuẩn bị xong các vị trí định vị và số lượng mâm kệ thì bắt đầu di chuyển kéo mâm kệ đến vị trí mới. Sau khi được đưa vào sử dụng, hiệu quả mang lại rất tốt là: Giảm chi phí cho siêu thị vì không cần phải thuê đơn vị ngoài vào thay đổi vị trí quầy kệ và lắp đặt lại, tiết kiệm chi phí 20 triệu đồng.

Giảm thời gian cho việc layout siêu thị, thay vì phải mất 7 ngày để thay đổi layout thì với phương pháp này siêu thị chỉ cần mất khoảng 10 giờ đồng hồ có thể thay đổi hoàn tất layout. Như vậy, siêu thị không bị ảnh hưởng đến 7 ngày thực hiện doanh số (mỗi đợt layout dự ước ảnh hưởng doanh thu khoảng 100.000.000 đồng).

Qua 10 năm, giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi đã tuyên dương 259 gương thanh niên công nhân tiêu biểu. Nhiều cá nhân là gương điển hình công dân trẻ tiêu biểu TPHCM, người thợ trẻ giỏi toàn quốc. Điều đặc biệt, không chỉ dừng lại ở danh hiệu được tuyên dương, các gương đạt giải đã không ngừng nỗ lực, phát huy những sáng kiến đạt được để tiếp tục gặt hái thành quả trong lao động, cuộc sống và làm lợi cho cộng đồng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ