Chìa khóa để sinh viên thiết kế đồ họa không bị làm trái nghề

GD&TĐ - Thiết kế đồ họa cũng mang đến một môi trường cạnh tranh khá lớn. Nếu không trang bị đủ các kỹ năng trước khi ra trường thì việc bạn phải làm trái ngành, trái nghề khi ra trường là cao.

Kiến thức và kỹ năng chính là vũ khí để các bạn sinh viên có được việc làm như mong muốn. Ảnh minh họa/internet
Kiến thức và kỹ năng chính là vũ khí để các bạn sinh viên có được việc làm như mong muốn. Ảnh minh họa/internet

Vậy làm thế nào để có một công việc đúng với ngành, nghề mình đã học?. Dưới đây là "bật mí" của Nguyệt Việt Anh - Kỹ sư đồ họa - Trung tâm thời tiết và cảnh báo thiên tai (Đài truyền hình Việt Nam) về một số kỹ năng cần thiết khi đi xin việc và sau khi làm việc.

"Bắt bài" vì sao sinh viên thiết kế đồ họa làm trái nghề

Lấy ví dụ như lớp của mình có đến gần một nửa các bạn làm những việc không liên quan đến thiết kế đồ họa, mặc dù có thể trong quá trình học tập tại trường các bạn đấy có thành tích học tập tương đối tốt. Vậy đâu là nguyên nhân?

Phần nhiều các bạn có trong danh sách đó là những người chưa định hướng được cho mình công việc sau khi ra trường, cố gắng hoàn thành đủ các môn học trong trường, ít chủ động tìm kiếm và học hỏi các phần mềm khác ngoài các phần mềm, các môn học ở trường. Đây là một thiếu sót lớn.

Các nội dung đào tạo ở trường cho ta một cái gốc về tư duy thiết kế, các ngành nghề cơ bản mà sau này bạn có thể sẽ theo đuổi, ví dụ như: Thiết kế nhận diện thương hiệu, thiết kế website…

Nghề thiết kế đồ họa đòi hỏi người học phải chủ động trong việc tiếp thu các xu hướng thiết kế mới nhất trên thế giới, các hệ thống, các phần mềm mới để có thể đáp ứng đúng hẹn thời gian (deadline) công việc.

Trước khi ra trường mình cũng khá tự tin về khả năng thiết kế của mình, mình thành thạo kha khá các phần mềm thiết kế từ 2D cho đến 3D. Nhưng khi đi làm tại các công ty, các cơ quan có những đội ngũ thiết kế lâu năm thì mình thấy trong quá trình học tập ở trường, thời gian ta dành cho việc học tập còn quá ít, chán nản khi không chạy đúng deadline là việc như cơm bữa.

Công việc đòi hỏi họa sĩ phải hoàn thành một đoạn mô phỏng 3D hoặc 2D mưa rơi gây vỡ một đoạn kè sông thời lượng 30 giây trong vòng 4 tiếng.

Kết quả là một ngày sau mình mới hoàn thành xong công việc, rất may là sếp cũng lường trước được nên cho một anh thiết kế cứng backup sau lưng mình nên bản tin đã được lên sóng mà không bị thủng sóng.

Cái máu “nghệ” trong mình cũng dần được cân bằng trong công việc khi phải nhường chỗ cho deadline, và đáp ứng yêu cầu (cụ thể ở đây là sếp).

“Nghệ” trong Thiết kế đồ họa cũng khác xa lắm với nghệ thuật thuần túy chuyên nghiệp, không bao giờ có được tồn tại trong đầu những ý nghĩ như “Lúc nào có hứng mới làm được”.

Vì đã làm nghề chuyên nghiệp thì dù khách hàng có ngồi kè kè bên cạnh vẫn phải có hứng và có ý tưởng sáng tạo. Còn máu nghệ sĩ hay cái gì đó “phiêu phiêu” hoặc tương tự như vậy chỉ là một phần bản chất trong con người chứ không thể áp dụng vào công việc chuyên nghiệp đòi hỏi thời gian và khối lượng. Luôn phải tự tạo hứng thú làm việc và ý tưởng để đáp ứng đủ loại khách hàng trong công việc.

"Vũ khí" là kiến thức và kỹ năng

Kinh nghiệm của mình để các bạn tránh khỏi bỡ ngỡ khi ra trường là phải cố gắng trang bị thật nhiều “vũ khí kiến thức và kỹ năng” trong thời gian học ở trường.

Thứ nhất: Phải trang bị vốn tiếng Anh kha khá. Hầu hết các tài liệu tham khảo, giáo trình thiết kế chất lượng, video hướng dẫn trên Internet là tiếng Anh. Với vốn tiếng Anh bập bẹ thì bạn đã bỏ phí một kho bí kíp về thiết kế rất rất lớn. (Cái này phải luyện từ năm 1 đến năm 2. Vì khi đó có nhiều thời gian và bài tập chuyên ngành khá ít).

Thứ hai: Chịu khó tìm kiếm trên các trang nổi tiếng về thiết kế như:

- http://www.deviantart.com/

- http://www.pinterest.com/

- http://www.behance.net/

Đây là một số trang mà mình hay xem để tìm hiểu xu hướng thiết kế mới, các ý tưởng táo bạo của các designer hàng đầu thế giới. Phải học tập các ý tưởng thiết kế của họ để dần dần định hình phong cách thiết kế riêng (cái chất của họa sĩ thiết kế nằm ở đây).

Cuối cùng: Phải chịu khó học. Gặp gỡ các đàn anh, đàn chị đi trước, giảng viên hướng dẫn để tham khảo họ về định hướng nghề nghiệp sau này của bản thân, qua đó tập trung thời gian của mình để học hỏi thêm các công cụ làm việc, kỹ năng đáp ứng các nhu cầu của nghề nghiệp đó. Một khi đã dính vào guồng KIẾM TIỀN - ĂN NGỦ - KIẾM TIỀN thì không có thời gian để học thêm cái gì đâu, cố gắng mà học lúc còn trong trường.

Trên đây là một số chia sẻ vui và thật nhất của bản thân mình trước và sau khi ra trường. Thiết kế đồ họa là một nghề hội tụ đủ: tính năng động, cạnh tranh, công nghệ, tiền tươi thóc thật, tính thời đại, tính sáng tạo… hãy cố gắng giữ lửa nhiệt huyết với nghề (đam mê) mà bạn đã chọn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ