Xu hướng phát triển đô thị thông minh bền vững tại Việt Nam

GD&TĐ - Phát triển đô thị thông minh nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Xu hướng phát triển đô thị thông minh bền vững tại Việt Nam

Nhiều thách thức

Sau 35 năm đổi mới, đến cuối năm 2020, hệ thống đô thị nước ta đã có 862 đô thị các loại, phân bổ tương đối đồng đều trên cả nước.

Tỷ lệ đô thị hoá xác định theo địa bàn đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên gần 40% năm 2020. Không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị vẫn còn nhiều hạn chế. Minh chứng là tỷ lệ đô thị hóa đạt được thấp hơn mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và còn khoảng cách khá xa so với tỷ lệ bình quân của khu vực và thế giới.

Cùng với đó, chất lượng đô thị hoá cũng chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí về đất đai, mức độ tập trung kinh tế còn thấp. Kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị; chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn.

Đặc biệt, ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây ra nhiều tác động tiêu cực. Khả năng tiếp cận dịch vụ công và phúc lợi xã hội của người nghèo và lao động di cư tại đô thị còn thấp và nhiều bất cập. Trong khi đó, năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, chậm được đổi mới.

Từ tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018- 2025 và định hướng đến năm 2030. Đô thị thông minh ở Việt Nam sẽ giúp tối ưu hóa nguồn lực, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh, tiện ích cho người dân và phát triển kinh tế, xã hội cũng là mục tiêu của Chính phủ, chính quyền các cấp.

Tiếp đó, ngày 11/11/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 148 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát triển đô thị thông minh nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Phát triển đô thị thông minh nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nghị quyết 06 một lần nữa khẳng định quyết tâm phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam, trong đó nhấn mạnh việc tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin, hình thành một số nền tảng số dùng chung cho các đô thị, vùng đô thị; đẩy nhanh chuyển đổi số trong hoạt động quản lý đô thị, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số ở đô thị gắn kết chặt chẽ với phát triển đô thị thông minh.

48/63 tỉnh triển khai xây dựng đô thị thông minh

Đến nay, cả nước có 48/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh.

Trong đó, 34/48 tỉnh, thành phố trực thuộc TW đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh; 16/48 tỉnh, thành phố trực Thuộc trung ương đang triển khai lập đề án.

Về triển khai phát triển tiện ích đô thị thông minh, dịch vụ thông minh, có khoảng 57 địa phương và tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giao thông (giám sát trật tự, an toàn giao thông), y tế thông minh, giáo dục thông minh, phát triển các ứng dụng cảnh báo. 19 tỉnh đang triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Theo Bộ Xây dựng, năm 2016, Liên minh viễn thông thế giới định nghĩa chung: “Đô thị thông minh phát triển bền vững là đô thị đổi mới sáng tạo, sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông ICT và các phương tiện khác để cải thiện chất lượng cuộc sống, hiệu quả quản lý vận hành, cung cấp dịch vụ và mức độ cạnh tranh của đô thị, trong khi vẫn đảm bảo đáp ứng những nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai về mọi khía cạnh kinh tế, môi trường, văn hóa và xã hội”. Đây là định nghĩa mang tính phổ quát nhất về đô thị thông minh cho đến nay.

Tại Việt Nam, một số địa phương tiêu biểu như: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Thừa Thiên - Huế… đã đạt được nhiều thành công trong quản lý đô thị thông minh, ứng dụng đô thị thông minh trong phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng sống người dân bằng các tiện ích thông minh. Đặc biệt, các địa phương Bắc Ninh, Bình Phước... sau khi Đề án 950 ban hành thì luôn bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án, để triển khai phát triển đô thị thông minh.

Về vấn đề này, TS.KTS Lưu Đức Minh - Phó Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý Xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh tại Việt Nam, phát triển đô thị thông minh là một trong những động lực quan trọng để thực hiện mục tiêu đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập cao vào năm 2045.

Đồng thời, xây dựng phát triển đô thị thông minh cũng nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian