Việt Nam phấn đấu có thêm 5-10 đô thị xanh, thông minh tiêu chuẩn quốc tế

GD&TĐ - Để hoàn thiện dự thảo Luật Quy hoạch, ĐBQH đề xuất mục tiêu đến năm 2050 “phấn đấu có 5-10 đô thị xanh, thông minh đạt tiêu chuẩn quốc tế”.

Việt Nam phấn đấu có thêm 5-10 đô thị xanh, thông minh tiêu chuẩn quốc tế

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, sáng 7/1, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Góp ý dự thảo Nghị quyết Quy hoạch tổng thể quốc gia, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cho biết, Quy hoạch tổng thể quốc gia trình Quốc hội đã thể hiện đầy đủ nội dung theo yêu cầu của Luật Quy hoạch một cách có hệ thống trên cơ sở đánh giá thực trạng quốc gia, tuân thủ các định hướng, chiến lược phát triển có liên quan.

Để hoàn thiện dự thảo Luật Quy hoạch, đại biểu đề nghị nên xem xét, điều chỉnh một số mục tiêu, trong đó mục tiêu “phấn đấu từ 3 đến 5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế” nên điều chỉnh thành “phấn đấu có 5-10 đô thị xanh, thông minh đạt tiêu chuẩn quốc tế”.

Nữ đại biểu cho rằng, hiện Việt Nam đã và đang xây dựng và triển khai đề án đô thị thông minh. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn về thành phố xanh thông minh sẽ cần cập nhật, điều chỉnh, bổ sung phù hợp hơn với tiêu chuẩn quốc tế, tập trung vào chất lượng, tiêu chuẩn sống hơn là quy mô thương hiệu.

Đồng thời, việc phát triển kết hợp giữa xanh và thông minh thể hiện mức độ cao hơn, phù hợp hơn với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh theo Quyết định số 1658 ngày 1/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm tác động tiêu cực tới môi trường, giảm phát thải nhà kính và nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị xem xét bổ sung chỉ tiêu về doanh nghiệp trong phát triển kinh tế số, đó là số lượng doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, đổi mới công nghệ tăng trung bình 15-20% trong giai đoạn 2021-2030 và tăng 5-10%/năm đến năm 2050 nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp vốn đang tiến triển chậm, chưa đạt kỳ vọng.

Để quy hoạch đảm bảo triển khai thực hiện thống nhất, phù hợp hơn nữa với hiện trạng và triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị quy hoạch cần chỉ rõ, nhấn mạnh, cụ thể hóa hơn nữa các mục tiêu về phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, khoa học công nghệ. Theo đó, mục tiêu vừa để ghi nhận những kết quả đã đạt được, vừa thể hiện quyết tâm phấn đấu rõ ràng hơn để tận dụng tốt xu hướng nguồn lực trong những lĩnh vực tiềm năng này.

ĐBQH đề nghị điều chỉnh mục tiêu đến năm 2050 “phấn đấu có 5-10 đô thị xanh, thông minh đạt tiêu chuẩn quốc tế”.

ĐBQH đề nghị điều chỉnh mục tiêu đến năm 2050 “phấn đấu có 5-10 đô thị xanh, thông minh đạt tiêu chuẩn quốc tế”.

Theo tờ trình về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cơ bản hình thành mạng lưới đô thị quốc gia, bảo đảm tính kết nối cao giữa đô thị trung tâm cấp quốc gia với các đô thị vùng và khu vực nông thôn; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%, phấn đấu từ 3 - 5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế.

Cùng với đó, xây dựng, phát triển thủ đô Hà Nội, TP.HCM và các thành phố trực thuộc trung ương trở thành các đô thị năng động, sáng tạo, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị; đủ sức cạnh tranh, hội nhập khu vực và quốc tế, có vai trò quan trọng trong mạng lưới đô thị của khu vực Đông Nam Á, châu Á. Xây dựng hệ thống đô thị vùng Hà Nội và hệ thống đô thị vùng TP.HCM.

Trước đó, tại Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022 sáng 30/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Sau đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 148 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06 trên cơ sở bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị nhằm xây dựng và phát triển đô thị Việt Nam.

Đến năm 2030, đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới.

Từng trao đổi về vấn đề này, TS.KTS Lưu Đức Minh - Phó Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý Xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh, tại Việt Nam, phát triển đô thị thông minh là một trong những động lực quan trọng để thực hiện mục tiêu đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập cao vào năm 2045.

Từ kinh nghiệm của các nước đã thành công trong phát triển đô thị thông minh, nhất là mô hình từ các nước châu Á có đặc điểm tương đồng cho thấy, quá trình phát triển đô thị của Việt Nam hiện nay sẽ phải ‘đi’ song hành bằng “2 chân”. Đó là việc tiếp cận công nghệ mới đón đầu từ các quốc gia phát triển đưa vào Việt Nam đồng thời cũng cần phải hoàn thiện nền tảng thông tin cơ sở dữ liệu đồng bộ theo hướng chính quyền số, đô thị điện tử.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ