Hà Nội sắp thanh tra, hàng loạt đô thị nào còn thiếu bãi đỗ xe, trường học?

GD&TĐ - Tình trạng thiếu trường học, bãi đỗ xe tại các khu đô thị đã và đang trở thành vấn đề nan giải của Hà Nội.

Hà Nội sắp thanh tra, hàng loạt đô thị nào còn thiếu bãi đỗ xe, trường học?

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội vừa phê duyệt kế hoạch công tác thanh tra năm 2023 của Thanh tra Sở Xây dựng.

Cụ thể, trong năm 2023, Sở tập trung thanh tra việc thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đối với một số khu đô thị trên địa bàn, tập trung vào các dự án phát triển nhà ở, các khu đô thị, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm trật tự xây dựng từ khi mới phát sinh, không để phát sinh các vi phạm nghiêm trọng về trật tự xây dựng.

Theo báo cáo giám sát của Thường trực HĐND TP.Hà Nội năm 2022, thành phố đang triển khai 266 dự án khu đô thị, khu nhà ở quy mô từ 2ha trở lên. Trong đó, có tới 168 dự án chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chiếm tỷ lệ 63%.

Nhiều khu đô thị, khu nhà ở, hệ thống chiếu sáng thuộc nhiệm vụ của chủ đầu tư nhưng chưa được hoàn thiện, chưa đồng bộ, hoặc hỏng nhưng chậm được sửa chữa. Đặc biệt, thiếu bãi đỗ xe là thực trạng phổ biến.

Thậm chí, nhiều khu đô thị, khu nhà ở còn chậm đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải, vệ sinh môi trường không bảo đảm; thiếu vườn hoa, cây xanh, trường học, công trình thể thao, dịch vụ công cộng…

Thực trạng thiếu trường học trầm trọng tại các khu đô thị ở Hà Nội không còn là vấn đề mới, thậm chí đã trở nên phổ biến trong nhiều năm qua. Nguyên nhân của thực trạng này được xác định là do chủ đầu tư các khu đô thị mới thực hiện không đúng quy hoạch được phê duyệt, trong khi việc kiểm tra, giám sát từ chính quyền thành phố cho tới các sở, ngành, quận, huyện thì lỏng lẻo.

Kết quả rà soát của thành phố Hà Nội cho thấy, hiện có 78 dự án khu đô thị mới có quy hoạch đất xây dựng trường học. Hiện còn một số dự án khu đô thị, nhà ở vẫn còn các ô đất quy hoạch mà chủ đầu tư chưa xây trường học dẫn đến quá tải cho các trường công lập khu vực lân cận.

Trong số đó phải kể đến những cái tên như: KĐT mới Phùng Khoang (Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư); Khu nhà ở Đài phát sóng phát thanh Mễ Trì, KĐT Xuân Phương Viglacera (Tổng công ty Viglacera làm chủ đầu tư); KĐT Ngoại giao đoàn (do Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – Hancorp làm chủ đầu tư); Khu chức năng đô thị Ao Sào (Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Lũng Lô 5 làm chủ đầu tư); KĐT mới Cầu Bươu (Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội - Handico làm chủ đầu tư); Khu đô thị Nam Cường (quận Hà Đông)...

Được biết, Khu đô thị Xuân Phương Viglacera do Tổng công ty Viglacera làm chủ đầu tư có tổng diện tích 14,6 ha bao gồm nhà phố kinh doanh, hơn 300 nhà biệt thự, nhà liền kề xen kẽ trong những khu ở cao tầng. Với quy mô "khủng" tuy nhiên ở đây lại không có chỗ để xây trường học, trong khi thời điểm giao bán nhà trong khu đô thị này được quảng cáo với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trong đó có trường học.

Khu đô thị mới Cầu Bươu (Xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội - Handico làm chủ đầu tư. Quy mô dự án trên diện tích đất 215.650 m2. Hiện cả dãy biệt thự xây lên ở đây đều bỏ hoang nhiều năm. Trong khi đó, các khu đất xây dựng trường học vẫn chưa được triển khai mà được cho thuê sử dụng với các mục đích khác.

Tình trạng thiếu trường học, bãi đỗ xe tại các khu đô thị đã và đang trở thành vấn đề nan giải của Hà Nội.

Tình trạng thiếu trường học, bãi đỗ xe tại các khu đô thị đã và đang trở thành vấn đề nan giải của Hà Nội.

Tại Khu nhà ở Đài Phát thanh phát sóng Mễ Trì bao gồm 8 khối tòa nhà cao 21 tầng xây trên khu đất 21 ha đã được đưa vào hoạt động từ năm 2016 - 2017. Theo giới thiệu, trong dự án tại đây có trường mẫu giáo, trường học liên cấp quốc tế... Tuy nhiên, đến nay khu đô thị này vẫn chưa đầy đủ các trường học.

Đánh giá của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho thấy, một điểm bất cập là Hà Nội chưa ban hành quy trình bàn giao hạ tầng các khu đô thị, không có quy định về thời điểm bàn giao hạ tầng trong bối cảnh nhiều dự án đều vừa xây dựng, vừa đón dân về ở.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng không có quy định về điều kiện hạ tầng như thế nào mới được bàn giao nhà ở cho dân. Đây cũng chính là những rào cản dẫn đến tình trạng hàng loạt dự án chậm bàn giao hạ tầng như hiện nay.

Từng trao đổi về vấn đề này, đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) nhận định, các quy hoạch đô thị hiện nay chưa đồng bộ, tốc độ, tiến độ phát triển của các tòa chung cư và các thiết chế giáo dục, y tế chưa tương xứng, còn “độ vênh” nhất định gây thiếu hụt trường lớp tại nhiều khu vực. Thậm chí có trường hợp khi điều chỉnh quy hoạch, các công trình về giáo dục còn bị thay đổi về vị trí, hoặc bị “lấn ép” bởi những công trình khác.

Tình trạng phụ huynh phải bốc thăm để giành suất học cho con tại trường mầm non công lập diễn ra trong thời gian qua là một sự cảnh báo mạnh mẽ đến cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc quản lý quy hoạch đô thị, công tác giám sát, việc thực hiện quy hoạch cũng cần có sự chỉ đạo thống nhất, đảm bảo đúng nguyên tắc trong kế hoạch được phê duyệt ban đầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ