Thách thức trong xây dựng đô thị đại học ở Việt Nam

GD&TĐ - Xây dựng các đô thị đại học ở Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển và quy hoạch đô thị, song cũng tồn tại nhiều thách thức.

Thách thức trong xây dựng đô thị đại học ở Việt Nam

Đô thị đại học bắt đầu xuất hiện từ những năm 90 của thế kỷ XX tại những nước đang phát triển như Trung Quốc.

Chỉ riêng tại Thượng Hải, từ năm 2001 đến nay đã có 5 dự án xây dựng đô thị đại học là đô thị đại học Nam Hội, Tùng Giang, Thượng Hải, Đông Phương và Trung Khoa.

Chuyên gia cho rằng, quản lý quy hoạch là đảm bảo quan trọng cho việc phát triển lành mạnh đô thị đại học. Tuy nhiên, tại nhiều nơi trên thế giới công tác này còn tồn tại với ít hoặc nhiều khiếm khuyết mà luôn phải tìm phương cách để khắc phục.

Đô thị đại học trước tiên cần chú trọng đến yếu tố “con người”, nhưng hiện nay các đô thị đại học tại các nước đang phát triển đều chạy theo việc xây dựng những tòa nhà cao và siêu cao tầng, cảnh quan môi trường thiết kế với kích thước quá lớn.

Những đô thị đại học nổi tiếng và thành công thông thường đều có từ một hoặc vài trường đại học danh tiếng, có tầm ảnh hưởng lớn, như trường đại học Harvard, Stanford, MIT, Oxford, Cambridge đều là những trường đại học hàng đầu trên thế giới.

Tại Việt Nam, trong xu thế nghiên cứu ứng dụng triển khai đô thị thông minh rộng rãi trên khắp cả nước, việc lựa chọn phát triển đô thị đại học trên nền tảng đô thị thông minh là một mô hình rất tốt tạo ra một giải pháp mới, mang lại nhiều lợi thế cạnh tranh riêng cho đô thị, phát huy các thế mạnh và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực riêng của từng địa phương.

Trong khi đó, hiện các dự án đô thị đại học ở Việt Nam chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, khi nhiều trường đại học "ngại" dời đến. Dự án đại học Quốc gia TP.HCM, khu đại học phố Hiến (tỉnh Hưng Yên), khu đại học Nam Cao (tỉnh Hà Nam), hay Đại học Quốc gia tại Láng - Hòa Lạc là những dự án khu đô thị đại học được đầu tư xây dựng nhằm di dời các trường đại học ra khỏi khu vực trung tâm TP.HCM và TP.Hà Nội. Song đến nay, các dự án này thậm chí còn chậm tiến độ đến hàng chục năm.

Đô thị đại học sau khi được hoàn thiện sẽ là một trong những cú hích mạnh mẽ, làm động lực cho quá trình đổi mới và phát triển kinh tế và văn hóa xã hội. (Ảnh minh họa)

Đô thị đại học sau khi được hoàn thiện sẽ là một trong những cú hích mạnh mẽ, làm động lực cho quá trình đổi mới và phát triển kinh tế và văn hóa xã hội. (Ảnh minh họa)

Đánh giá về các dự án khu đô thị đại học của nước ta hiện nay, TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho rằng, việc thành lập khu đô thị đại học chưa có sự đồng bộ, trong cách làm vẫn chỉ có định hướng là gom sinh viên về nơi đây. Trong khi đó, việc phát triển thành một thành phố đô thị ở nơi đây lại không có, chưa nói đến phương tiện đi lại.

"Khu đô thị đại học phố Hiến, Nam Cao (tỉnh Hà Nam), Láng Hòa Lạc, nếu không có chính sách đầu tư tổng thể toàn diện, cũng khó để thành công", TS Lê Viết Khuyến lưu ý.

Ngoài ra, bên cạnh việc quy hoạch tổng thể các khu đô thị đại học là rất quan trọng về tầm nhìn dài hạn và quyết tâm cao để có sự phát triển bền vững, lâu dài.

Việc thực hiện xây dựng các trung tâm đại học tại các thành phố lớn có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển và quy hoạch đô thị. Bởi Việt Nam là một trong những nước có tốc độ đô thị hóa nhanh trong những năm gần đây. Các đô thị đại học sau khi được hoàn thiện sẽ là một trong những cú hích mạnh mẽ, làm động lực không chỉ cho quá trình đổi mới và phát triển kinh tế mà còn có ý nghĩa rất cao cả về mặt văn hóa xã hội.

Hơn nữa, các đô thị đại học ở Việt Nam nếu được lựa chọn phát triển theo mô hình đô thị thông minh gắn với đại học sẽ phát huy được các thế mạnh tiềm năng đặc thù, đón đầu có hiệu quả sự phát triển của kinh tế tri thức, tạo ra một tầm nhìn phát triển đô thị bền vững dài hạn trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ