Theo trang Defense Express, ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã tạo ra bản sao của pháo tự hành 2S1 Gvozdika cỡ nòng 122 mm, được gọi là PTH-122 và hình ảnh tương ứng đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.
Trước đó vào tháng 12 năm 2024, tại Triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, một mẫu xe thiết giáp đặc biệt - bản sao BMP-1 có tên địa phương là XCB-01 đã chính thức được trưng bày.
Trang Defense Express muốn nhấn mạnh rằng trường hợp trên là duy nhất được biết đến về hoạt động "kỹ thuật đảo ngược" đối với công nghệ Liên Xô trên quy mô lớn trong điều kiện hiện đại. Tuy nhiên câu hỏi vẫn còn là tại sao Việt Nam lại bắt tay vào một dự án như vậy.
Theo số liệu từ Military Balance 2024, vào đầu năm ngoái, quân đội Việt Nam có 300 xe BMP-1/BMP-2 và một số lượng không xác định pháo tự hành 2S1 Gvozdika. Trong khi đó, ngân sách quốc phòng của nước này đang tăng lên hàng năm.
Trong bối cảnh này, lời giải thích cơ bản có thể là quyết định tạo ra các bản sao trực tiếp của BMP-1 và 2S1 để tăng cường sức mạnh cho các đơn vị tác chiến mới.

Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là tại sao Việt Nam lại dùng kỹ thuật đảo ngược để tạo ra những máy móc mới có hình dạng thông thường, thay vì mua những thiết bị như vậy trên thị trường nước ngoài.
Câu trả lời có thể là Việt Nam đang đa dạng nhà cung cấp vũ khí, và điều này đã được thể hiện rõ vào năm 2022, khi Israel tham gia vào quá trình hiện đại hóa các xe tăng T-54/55 hiện có (tổng cộng 850 chiếc).
Bên cạnh việc chế tạo pháo tự hành 2S1 Gvozdika với các tính năng cải tiến như tác chiến đêm và khả năng bắn trực xạ, một nguyên mẫu xe tăng hạng nhẹ trên cùng khung gầm có thể sẽ được Việt Nam tạo ra trong tương lai.