Xây "tường băng" bao bọc nhà máy Fukushima

Xây "tường băng" bao bọc nhà máy Fukushima
Nhật Bản cam kết sẽ chi 47 tỉ yen (473 triệu USD) để xây một bức tường bằng băng bao quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima nhằm ngăn rò rỉ nước nhiễm xạ.
Tình trạng rò rỉ nước nhiễm xạ ở Fukushima đang ngày càng tồi tệ và chính phủ “cảm thấy việc tham gia xử lý ở mức lớn nhất có thể là rất quan trọng”, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga thông báo.
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị hư hại trong trận động đất - sóng thần hồi tháng 3/2011. Thiên tai khiến hệ thống làm mát của các lò phản ứng ngừng hoạt động, dẫn tới tình trạng tan chảy thanh nhiên liệu hạt nhân trong ba lò phản ứng. Nước được bơm vào để làm mát các lò phản ứng, nhưng sau đó, việc trữ một lượng lớn nước nhiễm xạ khiến đơn vị quản lý, vận hành nhà máy - Cty Điện lực Tokyo (Tepco) - gặp rất nhiều khó khăn.
Theo kế hoạch của Chính phủ Nhật Bản, một bức tường làm bằng đất lạnh cứng sẽ được xây xung quanh các lò phản ứng, sử dụng các đường ống chứa đầy chất làm mát để ngăn nước ngầm tiếp xúc với nước nhiễm xạ (nước dùng để làm mát các thanh nhiên liệu).
Ngoài ra, các hệ thống xử lý nước sẽ được nâng cấp để giải quyết tình trạng lượng nước nhiễm xạ ngày một nhiều. Việc bơm nước vào để làm mát các lò phản ứng tạo ra 400 tấn nước nhiễm xạ mỗi ngày. 
Một bức tường băng sẽ được dựng lên xung quanh nhà máy Fukushima
Một bức tường băng (màu xanh) sẽ được dựng lên xung quanh nhà máy Fukushima
Thế giới theo dõi sát sao
Hiện nay, nước được chứa trong các bồn tạm thời tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Cuối tháng trước, Tepco thông báo 300 tấn nước nhiễm xạ nồng độ cao đã rò rỉ từ một bồn chứa.
Nước nhiễm xạ phát xạ khoảng 100 millisievert mỗi giờ. Masayuki Ono - Tổng giám đốc Tepco - nói: “100 millisievert mỗi giờ tương ứng với mức giới hạn phơi nhiễm tích lũy 5 năm đối với công nhân nhà máy điện hạt nhân. Vì vậy, có thể nói, mức phát xạ đủ mạnh để khiến một người trong vòng 1 giờ phơi nhiễm ở mức 5 năm”.
Tính đến nay, đây là sự cố rò rỉ nghiêm trọng nhất ở Fukushima. Cuối tháng trước, ngư dân Nhật Bản quyết định dừng đánh bắt hải sản ở vùng biển gần nhà máy này.
Những tháng gần đây, ngoài rò rỉ nước nhiễm xạ từ bồn chứa, còn có rò rỉ từ các đường ống. Nhiều chuyên gia lo ngại rằng, nước ở các tòa nhà chứa lò phản ứng bị hư hại đang thấm vào đất.
Tháng trước, cơ quan quản lý hạt nhân của Nhật Bản nâng mức độ nguy hiểm của vấn đề rò rỉ nước nhiễm xạ tại nhà máy Fukushima từ 1 lên 3 theo thang đo quốc tế INES gồm 7 mức. Vụ tan chảy tại 3 lò phản ứng của nhà máy Fukushima 2 năm trước được xếp ở mức 7. Đến nay, chỉ có vụ tan chảy này và thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986 ở Ukraine được xếp ở mức 7 theo thang đo INES.
Cam kết dành ngân sách để xây tường băng quanh nhà máy Fukushima được đưa ra hôm 3/9, chỉ vài ngày trước khi Ủy ban Olympic Quốc tế bỏ phiếu chọn nước đăng cai Olympic mùa hè năm 2020 mà Nhật Bản là một ứng cử viên nặng ký.
Cùng ngày, một trong hai lò phản ứng hạt nhân còn hoạt động ở Nhật Bản phải đóng cửa để kiểm tra bắt buộc. Việc đóng cửa lò phản ứng số 3 trong nhà máy của Cty Điện lực Kansai Electric khiến lò phản ứng số 4 của nhà máy này trở thành lò phản ứng duy nhất ở Nhật Bản vẫn còn hoạt động. Lò phản ứng số 4 cũng phải đóng cửa vào cuối tháng này để kiểm tra định kỳ.
Việc cho các lò phản ứng khác hoạt động trở lại vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực làm việc để chúng tái hoạt động, trong bối cảnh nước này thiếu điện.
Nhật Bản hôm qua thông báo sẽ dành khoảng 15 tỷ yen (150 triệu USD) để nâng cấp một hệ thống xử lý nước ALPS do hãng Toshiba của Nhật Bản và EnergySolutions của Mỹ cùng phát triển. Hệ thống này có thể giảm đáng kể lượng chất phóng xạ có trong nước. Khoảng 1.000 bể chứa đang trữ 330.000 tấn nước nhiễm xạ tại nhà máy Fukushima và mỗi ngày lượng nước tăng thêm 400 tấn.
Theo Phương Anh (Tiền Phong)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...