Hết mình vì mục tiêu đề ra
Chia sẻ với chúng tôi về việc tạo dựng hình ảnh, vị thế của nhà giáo vùng cao, thầy Trần Nam Phong, giáo viên môn Công nghệ, trường phổ thông DTBT THCS Ka Lăng lại dẫn chúng tôi đến câu chuyện về hành trình cùng học sinh trong trường “ẵm giải” tại cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học tỉnh Lai Châu.
Đó là sáng kiến về chiếc máy tách hạt ngô TV01 - KL, sản phẩm đạt giải 3 trong kỳ thi năm học 2020-2021. Thầy Phong cho biết: “Cái tên TV trong sản phẩm gắn với các bạn thí sinh được tôi hướng dẫn tham gia dự thi là bạn Sừng Xuân Thắng, Chu Trung Thành và Chu Chu Vân. Số 1 là dự án đầu tiên mà các bạn học sinh kết hợp. Còn KL là viết tắt của chữ Ka Lăng.
Bên cạnh đó, nhiều sáng kiến của thầy Phong và học sinh trong trường cũng từng nhiều lần đạt giải các cấp như: Bảo tồn phát huy làn điệu dân ca dân tộc Hà Nhì; Khung quấn dây không giới hạn; Một số bài thuốc dân gian từ chè dây rừng Ka Lăng…
Có được những kết quả trên là nỗ lực không ngừng sau hơn 16 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục vùng biên Ka Lăng. Trong công việc, thầy luôn nỗ lực có gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Thầy thường xác định các mục tiêu cụ thể trong công tác và đời sống. Từ đó, xây dựng kế hoạch để hoàn thành mục tiêu mà thầy đã đề ra.
Thầy Phong tâm sự: “Học sinh đạt giải, có thành tích cao đã giúp các em cảm thấy thêm tin yêu và kính trọng thầy giáo. Tôi nghĩ, khi được học sinh tin tưởng là lúc vị thế của mình trong lòng các em được tăng thêm”.
Cũng theo thầy Phong, để vị thế được giữ vững và nâng cao, giáo viên cần nhận thức rõ đặc thù của nghề sư phạm. Không chỉ đơn thuần cần kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ mà quan trọng hơn cần có nhân cách tốt, có tâm trong sáng và luôn là tấm gương mẫu mực. Để có được điều này, mỗi nhà giáo phải không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện mọi lúc, mọi nơi, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, phải hy sinh lợi ích cá nhân.
Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể về cách xưng hô, chào hỏi, ứng xử giữa giáo viên với người học, phụ huynh khi giao tiếp… nhằm tạo sự thống nhất trong ngành giáo dục và toàn xã hội. Từ đó, mọi người thấy được sự uy nghiêm, thanh cao, mô phạm của nghề giáo.
Bản là nhà, dân làm anh em
Vượt qua vô vàn khó khăn và thiệt thòi trong cuộc sống cá nhân, gia đình, giáo viên vùng biên Ka Lăng, huyện Mường Tè đã mang "cái chữ" đến với học sinh. Thế nhưng, giáo viên phải biết tiếng của người dân, sống gần gũi, thân thiết với họ thì mới có thể hoàn thành nhiệm vụ, vận động học sinh đến trường, cho các em biết chữ. Chính vì vậy, thầy cô giáo nơi đây thường coi bản là nhà, người dân là anh em, họ hàng.
Thầy Trần Nam Phong tâm sự: “Chúng tôi coi phụ huynh và bà con nhân dân như người thân của mình. Mọi hoạt động của bản, xã phát động, tôi cũng gần gũi tham gia đầy đủ. Các buổi lễ cúng rừng, Tết dân tộc, tôi đã đến tìm hiểu, đóng góp một chút tấm lòng đối với bà con. Từ đó, tạo được thiện cảm của bà con nhân dân”.
Lên công tác tại Trường phổ thông DTBT THCS Ka Lăng đã 13 năm, thầy Trương Văn Toản cho biết: “Lúc mới lên, nơi đây vẫn là một mảnh đất đầy khó khăn, đời sống bà con còn nghèo lắm. Giao thông đi lại vất vả, từ thị trấn lên đây phải mất nguyên một ngày đường. Gian nan là thế nhưng chúng tôi vẫn cố gắng bám trụ với nghề, với học sinh”.
Thấy được cố gắng của thầy, cô và những đổi thay khi con mình được học chữ, dân bản đã thêm phần kính trọng. Từ đó, người dân đã tự đưa con em đến trường, nhờ thầy cô giúp đỡ cho con mình biết chữ, học cao, biết rộng.
“Khi nhận được món quà nhỏ từ phụ huynh và dân bản như quả bí, con gà hay nắm xôi, lọ ớt… chúng tôi cảm thấy mình được trân trọng”, thầy Toản chia sẻ.
Theo thầy Toản, muốn được học sinh yêu quý, đồng nghiệp tin tưởng thì trước tiên phải tôn trọng bản thân, tôn trọng nghề nghiệp của mình. Có như vậy, mới giữ cho giá trị nghề giáo đúng như những gì được xã hội công nhận, tôn vinh.
Cống hiến được ghi nhận – khẳng định vị thế nhà giáo
Thầy Nguyễn Đắc Thuấn, Hiệu trưởng trường phổ thông DTBT THCS Ka Lăng chia sẻ: Nhà trường đã yêu cầu giáo viên phải giữ được mối quan hệ tốt đẹp với học sinh, phụ huynh và xã hội. Từ đó, hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy và học, xã hội hóa sự nghiệp giáo dục để hứng tới phát triển giáo dục toàn diện cho học sinh. Có như thế, vị thế nhà giáo mới được nâng cao.
Cùng với đó, nhà trường đã kịp thời biểu dương, khen thưởng kịp thời với mỗi kết quả, đóng góp của giáo viên để họ thấy được cống hiến của mình được ghi nhận”.
Từ những cống hiến và thành quả đã đạt được trong công tác, thầy Phong và thầy Toản đều được các cấp khen thưởng kịp thời. Thầy Toản đã nhận được nhiều bằng khen. Trong đó, có Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu và Bộ GD&ĐT.
Còn thầy Phong, nhiều năm liền là Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 3 lần được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Năm học 2018 - 2019 thầy vinh dự được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen. Năm nay, thầy có trong danh sách đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì những đóng góp trong sự nghiệp giáo dục.
Có lẽ, với những giáo viên vùng cao, quan trọng hơn hết là vị thế của họ được nâng cao trong lòng bạn bè, đồng nghiệp, học sinh và người dân.
“Với riêng tôi, một giáo viên ngoài vững chuyên môn thì phải làm sao cho học sinh yêu thích môn học của mình. Cho đến giờ, tôi vẫn cố gắng từng ngày để các em không nhàm chán và hào hứng đến với mình. Có như vậy, bản thân và học sinh mới thấy "mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, thầy Toản chia sẻ.
Cô Lò Thị Thủy cho biết: “Tôi thấy, cả thầy Toản và thầy Phong đều là những người đủ đức, đủ tài và xứng đáng được vinh danh. Với đồng nghiệp, họ luôn cởi mở, sẵn sàng giúp đỡ. Các thầy luôn đặt chuẩn mực lên hàng đầu trong cuộc sống, cũng như trong giảng dạy để chúng tôi học tâp, noi theo. Chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục nơi thượng nguôn sông Đà này”.